Chọn mua ổ cứng cũ tuổi thọ cao

Tiết kiệm chi phí gần một nửa, người tiêu dùng có thể sắm các loại ổ cứng đã qua sử dụng trên thị trường. Tuy nhiên, nếu không có chút kinh nghiệm lựa chọn, người mua sẽ dễ gặp phải nhiều sản phẩm đã sắp “ra đi”.


Ổ cứng cũ đang được bày bán tại khá nhiều cửa hàng nhỏ. Ảnh: H.T

Chỉ cần khoảng 200.000-300.000 đồng, bạn đã có thể sắm cho mình một ổ cứng (HDD) cũ với dung lượng từ 40-120 GB. Thậm chí với nhu cầu lưu trữ dung lượng cao thì các ổ 250 GB với giá chỉ khoảng 450.000-500.000 đồng là sự lựa chọn thích hợp. Phần lớn các ổ cứng “second hand” đều chỉ được bảo hành khoảng 1 tháng nếu mua tại cửa hàng. Ngoài ra, nếu tậu về từ việc sang tay thì thời hạn này chỉ từ 3-7 ngày.

Theo anh Trần Minh Hưng, chủ cửa hàng vi tính trên đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, TP HCM cho biểt: “Giá HDD hiện đã giảm khoảng 50% so với năm trước vì vậy các loại sản phẩm cũ xuống theo để đủ sức cạnh tranh trên thị trường”. Các loại hàng mới thường được bảo hành từ 3-5 năm và có mức giá từ 700.000-2,5 triệu đồng với dung lượng 80-1000 GB.

Tuy vậy, vẫn không ít người vẫn tìm đến các loại hàng cũ bởi giá cả thu hút và nếu cơ may vẫn có thể tậu được sản phẩm sử dụng được khá lâu. “Ổ cứng cũ cũng là một giải pháp khá tốt để sử dụng tạm thời khi chưa đủ kinh phí sắm loại mới. Hoặc do HDD đang dùng bị ‘chết’ bất tử thì sản phẩm cũ dung lượng không cần cao cũng là phương thức cấp cứu tạm thời để có thể chạy được máy”, anh Nguyễn Tấn Hùng, quận 3 chia sẻ.

Theo anh Nam, khi lựa chọn hàng cũ, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ càng cả bên ngoài lẫn dùng phần mềm để kiểm tra các lỗi thường gặp của ổ cứng như: cơ, đầu đọc, bad sector (lỗi các đơn vị nhỏ nhất trên đĩa)…

Thao tác đầu tiên là việc cắm ổ cứng vào giắc nguồn và áp tai vào để nghe hệ thống cơ hoạt động. Các thành phần này chạy êm có thể kết luận được 60% tuổi thọ của nó vẫn còn cao. Ngoài ra, việc ổ cứng khi chạy phát ra tiếng gõ khá mạnh (đầu đọc bắt đầu đọc thông tin trên mặt đĩa) hoặc “lách cách” liên tục thì phần lớn chúng đã gặp lỗi về firmware (chương trình được nhà sản xuất cài đặt sẵn trên bo mạch) hoặc đầu đọc sẽ không còn sử dụng được lâu. Với lỗi firmware nếu không có thiết bị chuyên dụng thì việc sữa chữa cũng rất khó thậm chí có thể làm mất cả dữ liệu, hoàn toàn không thể cấp cứu được nếu đưa đến các trung tâm. Bên cạnh đó, đầu đọc quá cũ hoặc bị vênh nên phát ra tiếng kêu cũng dễ làm mặt đĩa bị xướt và trường hợp mất vĩnh viễn các dữ liệu quan trọng cũng dễ dàng xảy ra.

Ngoài ra, với lỗi thường gặp nhất ở ổ cứng là bad sector, người mua có thể kiểm tra sơ bộ qua tốc độ khởi động, chạy một số phần mềm hoặc sao chép dữ liệu. Nếu các hoạt động này có diễn biến xử lý không đồng đều, lúc nhanh lúc chậm, hoặc có lúc đứng khá lâu thì nguy cơ HDD bị bad là khá cao.

Để kỹ càng hơn bạn cũng có thể dùng phần mềm để có thể kiểm tra mức độ bị lỗi bad sector bằng phần mềm quét HDD có sẵn trong đĩa Hirent Boot (đĩa khởi động có tích hợp một số phần mềm quản lý hệ thống trong môi trường Dos).

Khởi động máy bằng đĩa Hirent Boot: chọn Hard Disk Tool -> Victoria. Gõ phím "P" chọn Primary, sau đó nhấn phím F4 để chương trình có thể kiểm tra phân vùng từ đầu đến cuối.

Các điểm xanh, đỏ, trắng, xám, sọc sẽ hiển thị cho tốc độ đọc ở vùng dữ liệu đó. Các điểm xanh đỏ, càng nhiều chứng tỏ ổ cứng đã quá cũ. Bên cạnh đó, các điểm X hiển thị cho vị trí bị lỗi bad sector. Dấu hiệu này cũng không nên quá 2-3 điểm trên một ổ cứng. Bởi khả năng lan rộng các lỗi này là hoàn toàn có thể diễn ra.

Tốc độ đọc/ghi (góc phải bên dưới) của ổ đĩa cũng là thông tin quan trọng để bạn kiểm tra tuổi thọ. Các loại HDD có thông số hiển thị từ 40.000 Kb/s trở lên có thể cho thời hạn sử dụng tiếp tục hơn 1 năm.


Mẫu kiểm tra một ổ cứng bị lỗi khá nhiều và tốc độ đọc rất chậm: 3.895 Kb/s.
Ảnh chụp màn hình

Nếu không cẩn thận người sử dụng cũng có thể gặp phải nhiều mánh khóe để có thể bán trót lọt các ổ cứng cũ chất lượng kém hoặc không thể sử dụng được”, anh Nguyễn Đăng Đức, cửa hàng vi tính Đất Việt, quận Bình Thạnh cho biết.

Nhiều tay lừa có thể ngụy trang bằng lớp vỏ hộp, bao bì mới hoặc tem dán đã đánh tráo để có thể qua mắt người mua bằng khâu kiểm tra trên máy tính. Bởi theo anh Đức các thao tác này khá dễ dàng với các kỹ thuật viên đã lâu năm. Nhiều người do không có nhiều thời gian nên yên tâm khi tem dán sản phẩm cũ vẫn còn bảo hành và chỉ xem sơ bên ngoài.

Ngoài ra, nhiều cửa hàng thường dùng mẹo “cắt” bỏ những vùng dữ liệu bị lỗi để các dễ tống tiễn các sãn phẩm cũ hơn. Để phát hiện người dùng chỉ cần vào tiện ích Computer Management trong hệ điều hành Windows (Click chuột phải My computer chọn Mangage -> Storage - Disk Managerment): nếu hình hiển thị có các phân vùng (partition) “Unallocated” thì nhiều khả năng các khoảng dữ liệu này đã được cố tình giấu đi để che dấu lỗi do tốc độ đọc quá chậm.


Phân vùng bị cắt bỏ (màu đỏ) có chữ unallocated. Ảnh chụp màn hình

Song song đó, nhiều tay thợ cũng có thể không cài hệ điều hành vào phân vùng đầu tiên (bị lỗi) mà tận dụng một trong các phân vùng sau để người mua có cảm giác tốc độ ổ cứng chạy nhanh, ổn định. Nhưng thực tế các bad sector sẽ từ từ lan rộng ra các các partition này sau thời gian ngắn sử dụng. Và đến lúc đó, trách nhiệm bảo hành của cửa hàng đã không còn.

Không chỉ qua các thao tác kiểm tra sơ bộ, việc chọn mua ổ cứng cũ căn cứ vào các thương hiệu cũng khá hiệu quả.

Theo anh Võ Văn Ấn, kỹ thuật viên tại quận 5 nhận định: “Các loại ổ cứng cũ thuộc các nhà sản xuất như: Seagate, Samsung hoặc Hitachi thường cho thời hạn sử dụng lâu hơn”.

Sản phẩm cũ của Maxtor, Fujitsu, IBM, Quantum, Western Digital… thường gặp khá nhiều lỗi trong quá trình sử dụng. Loại Maxtor mỏng, Western Digital, Fujitsu thường bị hỏng bo mạch nếu sử dụng các bộ nguồn “giá rẻ”. Tuy phần chính không gặp vấn đề gì nhưng nếu thời hạn bảo hành trôi qua thì việc thay thế bộ phận này sẽ khiến người tiêu dùng gặp nhiều phiền toái.

Bên cạnh đó, loại Maxtor dày khá phổ biến trước đây thường gặp lỗi bad sector trong quá trình sử dụng. Và IBM, Quantum có độ bền nhỉnh hơn các loại trên, ít bị bad nhưng nếu không kỹ càng trong quá trình sử dụng, các bộ nguồn có thể làm chúng “chết” mà không thể sửa được.

Nếu buộc phải mua các sản phẩm cũ thì các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên chọn mua tại các địa điểm có uy tín có hỗ trợ đầy đủ thao tác kiểm tra. Với các đơn vị cho phép kiểm tra trực tiếp bằng chạy cơ hoặc phần mềm thì bạn nên lựa chọn những địa điểm quen biết hoặc có sự giới thiệu của người có kinh nghiệm. Ngoài ra, việc sử dụng các bộ nguồn có giá từ khoảng 300.000 đồng trở lên sẽ giúp hạn chế rất nhiều việc kéo dài tuổi thọ các HDD đã qua sử dụng.

Thứ Hai, 15/06/2009 09:42
21 👨 13.185
0 Bình luận
Sắp xếp theo