6 việc cần làm để bán điện thoại Android được giá

Làm thế nào để bán điện thoại hoặc máy tính bảng Android với mức giá tối ưu nhất? Hãy tham khảo một số mẹo và thủ thuật trong bài viết này để làm được điều đó nhé.

Mẫu điện thoại Android mới nào đã lọt vào cặp mắt xanh của bạn vậy? Có lẽ là Samsung Glaxy S7 hoặc S7 Edge hay Pixel ? Bạn muốn có nó càng sớm càng tốt, nhưng song song với nó là bán đi chiếc điện thoại Android cũ của mình để có thêm một khoản nhằm trang trải chi phí hay mua sắm thêm phụ kiện cho "dế"? Bán điện thoại cũ càng được giá thì bạn sẽ càng có thêm nhiều lựa chọn cho điện thoại mới, đúng không nào? Vậy thì bạn sẽ không thể bỏ qua 6 việc cần làm trước khi bán điện thoại dưới đây.

1. Tháo thẻ SIM và SD

Đầu tiên, cần phải tháo SIM và thẻ nhớ ra khỏi điện thoại, đây là những phần cứng quan trọng mà bạn không nên quên khi đưa điện thoại cho người mua. Tùy từng thiết bị mà cách lấy SIM ra sẽ khác nhau. Thẻ SIM có thể bị cắt nhỏ và để tháo thì cần một chiếc kẹp giấy mỏng hoặc dụng cụ lấy SIM chuyên dụng, đôi khi nó được đặt bên dưới pin điện thoại.

Tháo thẻ SIM và thẻ nhớ khỏi máy

Với những thiết bị có bộ nhớ trong lớn thường không đi kèm thẻ nhớ SD, nhưng nếu có, bạn đừng quên lấy chúng ra trước khi bán điện thoại. Thẻ nhớ có thể chứa nhạc, phim, hình ảnh hoặc những dữ liệu công việc quan trọng và có thể tái sử dụng trên điện thoại mới. Hơn nữa, nó cũng có thể sao lưu một phần dữ liệu đang được lưu trên bộ nhớ trong. Bạn cũng nên kiểm tra một lần nữa để chắc chắn rằng những file quan trọng đã được sao chép và lưu lại an toàn, vì thế, hãy xem tiếp việc cần làm thứ 2.

2. Sao lưu dữ liệu

Giả sử dữ liệu trên máy đang được kết hợp với tài khoản Google, danh bạ, lịch và email sẽ được sao lưu toàn bộ lên đám mây điện toán. Có nghĩa là sau khi chuyển sang điện thoại mới, mọi thông tin quan trọng sẽ xuất hiện lúc bạn đăng nhập vào tài khoản Google của mình. Nhiều nhà sản xuất cũng cung cấp thêm tiện ích sao lưu đám mây tương tự bao gồm danh bạ và lịch cá nhân. Những nội dung nặng, đa dạng hơn có thể được sao lưu trên các dịch vụ lưu trữ của bên thứ ba như Google Drive, Flickr hay Dropbox. Nếu không muốn sử dụng các đám mây lưu trữ, thì có thể sử dụng một cáp USB để sao chép dữ liệu từ điện thoại vào máy tính.

Bạn có thể tham khảo các cách sao lưu dữ liệu trên điện thoại Android khác như:

Hướng dẫn sao lưu và lưu trữ dữ liệu trên thiết bị Android của bạn an toàn

3. Mở khóa điện thoại

Tùy chọn này chắc chắn sẽ tăng thêm giá trị cho chiếc điện thoại, nhưng không nhất định phải thực hiện. Mở khóa (unlock) điện thoại sẽ giúp cho nhiều thẻ SIM có thể hoạt động trên máy, thay vì chỉ có thẻ SIM của nhà cung cấp (như điện thoại Viettel chỉ có thể lắp SIM Viettel). Mặc dù việc mở khóa không đảm bảo chắc chắn có thể lắp được SIM khác nhưng ít nhất người dùng mới có một cơ hội để thử. Tại Hoa Kỳ, khách hàng chỉ quan tâm đến T-Mobile hay AT&T nhưng người bán và người mua quốc tế sẽ cần mở khóa điện thoại để có thể sử dụng mạng viễn thông tại quốc gia của mình.

4. Thiết lập lại điện thoại về trạng thái của nhà sản xuất

Khi chắc chắn rằng điện thoại đã an toàn và sẵn sàng để xóa sạch dữ liệu, bạn cần phải tắt chế độ Factory Reset Protection (FRP), một biện pháp an ninh bổ sung trong trường hợp điện thoại hoặc máy tính bảng bị mất cắp và nó ngăn không cho kẻ trộm thiết lập lại thiết bị để sử dụng. FRP có thể được vô hiệu hóa bằng cách loại bỏ tài khoản Google trên thiết bị Android.

Vào Settings > Accounts, bạn sẽ thấy một danh sách tài khoản khác nhau, nhấp vào Google để xem các tài khoản Google, nhấp vào từng tài khoản để thấy tùy chọn xóa vĩnh viễn.

Reset điện thoại Android

Sau khi xóa tài khoản Google, quay trở lại Settings, nhấp vào tùy chọn Backup and Reset > Factory data reset ở ngay bên dưới, nhập mật khẩu hoặc mã PIN để hoàn tất. Nhưng trước đó, hãy nhớ kiểm tra lại 2, 3 lần để chắc chắn không bỏ sót bất cứ thông tin quan trọng nào trên máy, bởi vì sau khi thực hiện Reset bạn không thể lấy lại chúng.

Tham khảo thêm cách xóa triệt để dữ liệu trên điện thoại Android: Cách xóa tận gốc dữ liệu trong Android trước khi bán điện thoại

5. Thu dọn phụ kiện theo máy và của bên thứ ba

Sau khi đã dọn dẹp sạch sẽ dữ liệu trên điện thoại hãy bắt đầu kiểm tra các phụ kiện của máy và sắp xếp chúng một cách gọn gàng. Nếu vẫn giữ được hộp gốc, biên lai, giấy bảo hành, điện thoại sẽ bán được giá tốt hơn. Cáp USB của điện thoại, sạc, tai nghe cũng là những yếu tố tăng giá cho điện thoại. Nếu muốn bán nhanh và giá cao hơn thì hãy đưa ra cả những phụ kiện của bên thứ ba như vỏ, miếng dán, đồ trang trí. Vì dù sao với chiếc điện thoại mới bạn cũng sẽ muốn sắm những phụ kiện mới cho nó và không dùng đến số phụ kiện cũ này.

Sắp xếp lại phụ kiện của máy

6. Làm sạch điện thoại và chụp ảnh

Lau sạch điện thoại hoặc máy tính bảng bằng một miếng vải sợi, giúp làm sạch bụi bẩn trên mặt, thân, khe cắm SIM, thẻ nhớ, cổng USB hay những dấu vân tay và trở nên bóng bẩy nhất có thể trước khi chụp ảnh. Nên sử dụng máy ảnh thích hợp thay vì camera của điện thoại, chụp trên nền trắng (với điện thoại tối màu), ánh sáng tốt, chụp ở nhiều góc độ và chụp rõ các chi tiết quan trọng.

Khi hoàn tất 6 việc này, chiếc điện thoại đã sẵn sàng để bán đi, bạn có thể rao bán trên các trang mạng xã hội, trang rao vặt online hay nhanh hơn là mang ra cửa hàng mua bán điện thoại cũ.

Quan trọng nhất là công việc số 1, 2, 4, hoàn tất chúng trước khi bán điện thoại vừa giúp đảm bảo an toàn dữ liệu lại tránh được những rắc rối không nên có (nhất là khi chưa xóa tài khoản Google). Hy vọng những mẹo nhỏ trên đây sẽ giúp bạn bán được chiếc điện thoại cũ của mình một cách an toàn và với mức giá mong muốn.

Thứ Tư, 04/01/2017 13:57
31 👨 490
0 Bình luận
Sắp xếp theo