Trong quá trình nâng cấp máy tính, chắc chắn bạn sẽ gặp phải những lỗi mà đôi khi không lường trước được. Dưới đây là năm sai lầm phổ biến nhất mà ngay cả người có kinh nghiệm cũng hay mắc phải.
1. Chuyển dữ liệu từ ổ cứng cũ sang ổ cứng mới
Một trong những công đoạn nâng cấp máy tính tốn kém thời gian nhất có lẽ phải kể đến việc chuyển toàn bộ dữ liệu từ ổ cứng cũ sang ổ cứng mới. Tùy lượng dữ liệu mà thời gian bạn phải bỏ ra để thực hiện công đoạn này nhiều hay ít, chưa kể những gián đoạn trong quá trình truyền tải dữ liệu.
Để hỗ trợ việc chuyển dữ liệu từ ổ cứng cũ sang ổ cứng mới, Microsoft đã tích hợp sẵn tiện ích Easy Transfer trong Windows 7 và Windows Vista. Tuy nhiên Easy Transfer không hẳn là một lựa chọn tốt bởi nó yêu cầu bạn phải thiết lập thêm nhiều thứ trước và sau khi chuyển đổi dữ liệu. Có một giải pháp tốt hơn dành cho bạn, đó là sử dụng các tiện ích chuyên dụng dành cho từng loại ổ đĩa, như DiscWizard (nếu bạn dùng ổ cứng Seagate) hay Acronis True Image (nếu bạn dùng ổ cứng Western Digital), bạn sẽ không cần phải thiết lập thêm bất kỳ thông số nào sau khi chuyển đổi hoàn tất. Nếu mua ổ đĩa chính hãng, bạn được cung cấp miễn phí những tiện ích này. Nhưng nếu bạn đang sử dụng một ổ đĩa OEM, bạn phải chịu mất phí khoảng 30$ để mua bản quyền Acronis True Image.
2. Đừng quên cập nhật BIOS
Mọi người thường quan tâm đến việc nâng cấp CPU, RAM, Card màn hình mà quên mất việc nâng cấp một thành phần khác vô cùng quan trọng, đó chính là BIOS. BIOS quản lý toàn bộ tiến trình khi khởi động máy tính, kiểm tra kết nối ổ đĩa, bộ nhớ,… do đó ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ khởi động máy tính của bạn.
Cũng như các thành phần khác của máy tính, các nhà sản xuất thường xuyên cập nhật phiên bản firmware mới nhất cho BIOS để hỗ trợ các chuẩn mới, sửa lỗi và bổ sung thêm nhiều tính năng hữu ích khác.
Trước tiên, bạn cần kiểm tra xem tên BIOS và phiên bản BIOS hiện tại từ màn hình đầu tiên xuất hiện khi khởi động máy, hoặc nhờ sự trợ giúp của tiện ích System Information của Windows (vào menu Start > Run > gõ msinfo32.exe > nhấn Enter). Tiếp đến, bạn truy cập vào trang web của nhà sản xuất để tìm phiên bản cập nhật mới nhất cho BIOS, lưu ý chỉ tải về phiên bản mới hơn phiên bản BIOS hiện tại.
Qúa trình cập nhật BIOS thực tế khá đơn giản: Hãy đóng tất cả các ứng dụng đang chạy trên hệ thống, sau đó chạy tiện ích cập nhật mà bạn tải về từ trang web nhà sản xuất. Tiện ích này sẽ khởi động lại máy tính, cài đặt bản cập nhật và khởi động lại máy một lần nữa để hoàn tất. Trong một số trường hợp, bạn không thể cập nhật phiên bản mới cho BIOS từ môi trường Windows, nhà sản xuất yêu cầu bạn ghi tiện ích cập nhật lên đĩa CD hoặc cài đặt lên USB rồi cài đặt từ đó. Trong quá trình cập nhật BIOS, bạn phải đảm bảo duy trì nguồn cấp điện cho máy tính liên tục, không bị gián đoạn, nếu không hậu quả mà bạn nhận được sẽ là rất lớn.
3. Tránh rủi ro khi nâng cấp card đồ họa
Nâng cấp card đồ họa là việc tuy dễ mà khó, khó ở chỗ bạn phải chọn card đồ họa thật sự phù hợp theo nhiều tiêu chí nếu không muốn phải ôm hận. Một số sai lầm bạn có thể mắc phải khi nâng cấp card đồ họa có thể kể đến như:
- Sai chuẩn giao tiếp.
- Sai công suất nguồn.
- Sai kích thước.
- Sai hệ điều hành hỗ trợ.
Để tránh nâng cấp nhầm card đồ họa, đầu tiên bạn cần đảm bảo rằng card đồ họa sắp nâng cấp tương thích với chuẩn giao tiếp mà mainboard hỗ trợ. Hầu hết card đồ họa đời cũ (và một số ít card đồ họa đời mới) thường trang bị giao tiếp AGP chứ không phải là PCI-Express.
Tiếp đến, bạn cần tham khảo thật kỹ công suât tiêu thụ của card đồ họa là bao nhiêu, sau đó so sánh với công suất thực của nguồn, nếu nhỏ hơn thì không vấn đề gì, nếu lớn hơn thì bạn không nên chọn một card đồ họa khác công suất nhỏ hơn, hoặc thay thế bộ nguồn cho phù hợp.
Một trong những tiêu chí quan trọng nữa khi chọn card đồ họa, đó là kích thước. Tùy vào không gian trống trên mainboard và thùng máy mà bạn linh động chọn card đồ họa có kích thước phù hợp, nếu quá to sẽ gắn không vừa.
Cuối cùng, khi mua card đồ họa để nâng cấp, bạn cần kiểm tra đĩa driver đầy đủ và thông tin về hệ điều hành mà card hỗ trợ. Thông thường, card đồ họa đời mới đều có thể chạy tốt trên các hệ điều hành đời mới (Windows Vista, Windows 7,…) nhưng chưa chắc chạy được trên hệ điều hành cũ (Windows 98, Windows XP,…) vì thiếu driver hỗ trợ.
4. Kích hoạt lại bản quyền Windows
Khi cài đặt Windows lần đầu, thông tin bản quyền sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của Microsoft kèm theo thông tin cấu hình phần cứng máy tính của bạn. Do đó khi bạn nâng cấp phần cứng, những thông tin mà Windows ghi nhận sẽ có sự thay đổi lớn, và khi đó bạn bắt buộc phải kích hoạt lại bản quyền Windows.
Trong trường hợp bạn nâng cấp mainboard, việc kích hoạt lại bản quyền Windows thường được thực hiện bằng cách gọi điện thoại trực tiếp đến bộ phận chăm sóc khách hàng của Microsoft, họ sẽ hỗ trợ nhiệt tình giúp bạn.
Trước khi tiến hành nâng cấp, bạn nên lưu lại mã số kích hoạt bản quyền và những thông tin liên quan đến Windows bản quyền mà bạn đang dùng. Vì sau này nhân viên Microsoft sẽ yêu cầu bạn cung cấp những thông tin trên để kích hoạt lại bản quyền Windows.
5. Trục trặc khi nâng cấp Wifi
Thiết bị phát sóng Wifi cũng cần được nâng cấp phiên bản firmware mới nhất để hoạt động ổn định và bổ sung thêm một số chức năng mới. Trước khi tiến hành nâng cấp, bạn cần kiểm tra phiên bản firmware hiện tại của Wifi và so sánh với phiên bản firmware mới nhất từ trang web của nhà sản xuất. Các loại Wifi đời mới thường đặt mục Firmware Update (hoặc tương tự) ngay trong phần cấu hình Wifi, bạn chỉ việc mở mục này và xem thông tin phiên bản firmware hiện tại.
Một lưu ý cũng quan trọng không kém trước khi tiến hành nâng cấp firmware cho Wifi, đó là kiểm tra thông tin truy cập trang cấu hình Wifi. Bạn cần nắm rõ địa chỉ dùng để mở trang cấu hình Wifi, tài khoản quản trị (gồm tên đăng nhập và mật khẩu đăng nhập) Wifi để sau này có thể truy cập và cấu hình dễ dàng. Bởi hầu hết người dùng khi mua Wifi thường được nơi bán cấu hình sẵn, mang về chỉ việc cắm điện và dùng mà không quan tâm đến những thông tin trên, điều này gây rất nhiều khó khăn cho việc nâng cấp Wifi.