Không hẳn là mọi thứ mà các hãng smartphone công bố, quảng cáo về các sản phẩm của họ đều chính xác. Đôi khi, họ dùng các mánh khóe để gây hiểu lầm cho người dùng hoặc để người dùng không ác cảm với sản phẩm.
Pin là một trong những linh kiện quan trọng và rất nhạy cảm trên smartphone. Chính vì thế, khi nói về pin các hãng smartphone thường có những chiêu trò khác nhau để khiến người dùng ấn tượng với những ưu điểm và tìm mọi cách để nói giảm nói tránh cho các nhược điểm.
Dưới đây là 5 mánh khóe về pin mà các hãng smartphone thường dùng:
1. Quảng cáo tốc độ sạc mà bạn không/hầu như không nhận được
Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất cho mánh khóe này là Xiaomi Mi 10 Ultra, smartphone đầu tiên trang bị củ sạc 120W. Thử nghiệm của Android Authority cho thấy tốc độ sạc của smartphone này không bao giờ vượt qua ngưỡng 80W, thiếu mất 40W so với công bố.
Đúng là ở mức 80W Mi 10 Ultra vẫn sạc siêu nhanh. Tuy nhiên, sẽ chính xác hơn nếu Xiaomi công bố rằng tốc độ sạc tối đa của smartphone này chỉ là 80W.
Một thử nghiệm tương tự của Android Authority cho thấy sạc nhanh Warpcharge 65W trên OnePlus 9 Pro chỉ chạy ở công suất tối đa trong 5 phút sau đó tự giảm về mức công suất thấp hơn.
2. Công suất ở củ sạc khác với công suất của smartphone
Một chiến thuật khác, tương tự như ở trên, là quảng cáo công suất sạc của củ sạc chứ không phải công suất sạc của chính mẫu smartphone. Ví dụ, một củ sạc 30W sẽ hoạt động đúng công suất 30W nhưng smartphone lại chỉ nhận mức công suất thấp hơn dẫn tới sạc chậm hơn.
Anandtech đã thử nghiệm Xiaomi 11T Pro và nhận thấy bộ sạc 120W của smartphone này lấy 115W từ nguồn điện. Tuy nhiên, bản thân chiếc smartphone lại chỉ nhận tối đa 97W từ củ sạc. Vì thế, thật sai trái khi Xiaomi quảng cáo 11T Pro có thể sạc với công suất 120W. Tương tự như vậy, smartphone ZTE Axon 30 Ultra nhận ít điện năng hơn so với mức 65W được quảng cáo.
Google cũng không phải hãng làm ăn tử tế cho lắm. Hãng này công bố rằng dòng smartphone Pixel 6 có thể sạc ở mức 30W và người dùng cần mua củ sạc 30W chính hãng để đạt mức công suất đó. Tuy nhiên, thử nghiệm của Android Authority cho thấy Pixel 6 và Pixel 6 Pro chỉ sạc được ở mức công suất 21W và 23W tương ứng khi dùng củ sạc 30W chính hãng của Google.
3. Batterygate
Đây có lẽ là mánh khóe nổi bật nhất, đáng lên án nhất trong danh sách này. Apple đã thực hiện một thủ thuật phần mềm để giảm hiệu năng của các mẫu iPhone sử dụng pin cũ. Vụ việc bị vỡ lở khiến Apple phải công khai xin lỗi người dùng và triển khai chương trình giảm giá khi thay pin mới cho iPhone.
Lý do của Apple có thể là đúng, họ muốn tránh việc iPhone thường xuyên sập nguồn khi phải làm việc hết công suất với cục pin lão hóa. Thế nhưng Táo khuyết đã sai lầm khi không công khai điều này với người dùng. Sau này, trên iOS đã có tùy chọn để người dùng bật/tắt tính năng làm chậm iPhone khi pin bị lão hóa.
4. 100% không có nghĩa là đầy
Thường thì khi nhìn thấy thông báo 100% pin trên màn hình người dùng sẽ nghĩ rằng smartphone đã được sạc đầy. Tuy nhiên, nhiều mẫu smartphone hiện nay chưa sạc đầy dù đã báo 100% và nó cần sạc thêm một thời gian nữa để đạt được tối đa công suất.
Một mặt, điều này giúp ích cho người dùng khi đảm bảo sức khỏe của pin. Khi sạc chưa đầy hẳn, chu kỳ sạc sẽ chưa được tính và các tế bào pin không bị quá căng thẳng. Nhưng mặt khác, sự mập mờ này giúp các thương hiệu thổi phồng khả năng sạc từ 0 tới 100% của smartphone.
Ví dụ: OnePlus quảng cáo rằng mẫu OnePlus 9 Pro có thể sạc từ 0 đến 100% chỉ trong 29 phút. Nhưng thử nghiệm của Android Authority cho thấy nó cần sạc thêm 20 phút nữa mới đầy hẳn. Mi 11 Ultra cũng được quảng cáo có thể sạc từ 0 tới 100% trong 36 phút nhưng phải sạc thêm 12 phút nữa.
Smartphone của hai ông lớn là Apple và Samsung cũng cần phải sạc thêm một lúc sau khi đạt 100% nhưng họ không quảng cáo khả năng sạc từ 0 tới 100%.
5. Chu kỳ sạc không được tối ưu
Chu kỳ sạc là một trong những số liệu quan trọng nhất đối với sức khỏe của pin smartphone. Một chu kỳ sạc là một lần bạn dùng hết 100% dung lượng pin và 800 chu kỳ sạc tương đương hơn 2 năm sử dụng ngày nào cũng cắm sạc.
Galaxy Note 8 là một mẫu smartphone bị sụt pin nhẹ. Theo công bố của Samsung, pin của Note 8 chỉ giảm xuống 95% sau hai năm sử dụng. Nói cách khác, cục pin 3.300mAh của chiếc smartphone này sẽ còn khoảng 3.135mAh sau 800 chu kỳ sạc.
Trong khi đó, cả Xiaomi và Oppo đều cho biết rằng sạc 200W và 125W tương ứng của họ sẽ làm giảm dung lượng pin xuống 80% sau 800 chu kỳ sạc. Điều này có nghĩa là một chiếc smartphone với pin 4.000mAh sẽ chỉ còn 3.200mAh.
Nghe thì có vẻ không quá tệ nhưng mức giám 800mAh có thể khiến thời gian sử dụng của bạn bị giảm mất nửa ngày. Hơn nữa, nhiều người có kế hoạch sử dụng smartphone trong hơn hai năm. Do vậy, họ sẽ cảm nhận được sự xuống cấp một cách rõ ràng trước khi sắm được smartphone mới.
Nhưng Apple có lẽ là hãng gây thất vọng lớn nhất về vấn đề này. Trên trang hỗ trợ về tình trạng pin iPhone, Apple cho biết pin bình thường sẽ chỉ giữ được 80% dung lượng sau chỉ 500 chu kỳ sạc (chưa được 1 năm rưỡi). Con số này thấp hơn nhiều so với của Xiaomi và Oppo.