7 cách tăng tốc cho Ubuntu

Trong khi hầu hết người dùng Windows luôn tìm kiếm các giải pháp giúp cải thiện hiệu năng hệ điều hành thì người dùng Linux dường như không phải đối mặt với vấn đề này. Ubuntu là bản phân phối Linux được sử dụng rộng rãi nhất do giao diện đẹp và sức mạnh của nó. Nhưng ta vẫn có thể làm hệ điều hành chạy nhanh hơn nữa bằng một số cách đơn giản sau đây.

1. Dọn dẹp các file nhật ký và file tạm thời không sử dụng bằng BleachBit

Bước đầu tiên để tăng tốc máy tính là làm sạch những thứ không cần thiết do việc sử dụng hàng ngày để lại. Đây có thể là các file tạm thời hoặc file nhật ký có thể chiếm nhiều dung lượng lưu trữ. Khi không gian lưu trữ bị lấp đầy, hệ thống sẽ trở nên chậm chạp.

Bạn có thể giải quyết vấn đề này với BleachBit.

B1: Cài đặt BleachBit với:

sudo apt install bleachbit

B2: Chạy Bleachbit từ menu ứng dụng.

B3: Chọn loại file bạn muốn xóa. Bài viết đề xuất mọi thứ trong mục Apt, journald và mục Temporary files trong phần Deep scan.

B4: Nhấp vào Clean ở trên cùng bên trái.

Nhấp vào Clean ở trên cùng bên trái
Nhấp vào Clean ở trên cùng bên trái

2. Tăng tốc thời gian boot bằng cách giảm Grub timeout

Grub là bootloader mặc định cho hầu hết các bản phân phối Linux và người dùng có thể chỉnh sửa các tùy chọn khởi động của mình trong quá trình boot. Nếu bạn luôn sử dụng cùng một tùy chọn khởi động, bạn có thể yêu cầu Grub bỏ qua menu tùy chọn.

B1: Bắt đầu bằng cách chỉnh sửa cấu hình của Grub với:

sudo gedit /etc/default/grub

B2: Định vị dòng GRUB_TIMEOUT=X, trong đó X là thời gian Grub hiện đang được đặt để chờ bạn lựa chọn.

Định vị dòng GRUB_TIMEOUT=X
Định vị dòng GRUB_TIMEOUT=X

B3: Thay đổi thời lượng đó thành 2 giây chẳng hạn (đây là thời gian đủ để đưa ra lựa chọn nhưng cũng đủ ngắn để không gây khó chịu).

B4: Lưu các thay đổi và thoát khỏi trình chỉnh sửa. Cập nhật Grub với:

sudo update-grub

Các thay đổi của bạn sẽ có hiệu lực vào lần khởi động lại tiếp theo.

3. Giảm thời gian khởi động ứng dụng với Preload

Preload là một daemon chạy trong nền và theo dõi ứng dụng nào người dùng sử dụng nhiều nhất và file nào cần thiết. Dựa trên phân tích này, nó sẽ tự động load các file đó, tăng tốc thời gian load các ứng dụng yêu thích.

Preload là một giải pháp gần như hoàn toàn tự động khác mà bạn có thể cài đặt và tận dụng những lợi ích của nó mà không cần phải làm bất cứ điều gì khác.

Để cài đặt Preload, hãy mở một Terminal và nhập:

sudo apt install preload

Sau khi cài đặt, Preload sẽ tự động chạy ở lần khởi động tiếp theo, không cần người dùng can thiệp hoặc cấu hình.

Lưu ý: Mặc dù Preload không tác động phụ nào đáng chú ý, nhưng tính hữu ích của nó tùy thuộc vào cách bạn đang sử dụng máy tính và dung lượng RAM của máy. Đó là vì Preload dựa trên các mẫu sử dụng nên có thể đoán rằng, chẳng hạn như sau khi tải Firefox, bạn cũng có thể chạy một ứng dụng ghi chú. Nếu PC của bạn có ít hơn 8GB RAM hoặc cách sử dụng của bạn thất thường, vui lòng bỏ qua Preload.

4. Xóa những thứ vô dụng khỏi AutoStart

Một số ứng dụng tự động khởi động khi người dùng vào desktop và có thể làm chậm desktop. Vì vậy, tốt nhất là ngăn chúng tự động khởi chạy hoặc thêm thời gian trễ cho quá trình khởi động của chúng.

B1: Truy cập menu ứng dụng và tìm kiếm “Startup Applications Preferences”. Khi mục nhập xuất hiện, hãy chạy nó.

B2: Xem danh sách phần mềm tự động load bất cứ khi nào bạn đăng nhập vào desktop.

Xem danh sách phần mềm tự động load
Xem danh sách phần mềm tự động load

B3: Xóa những cái bạn không cần kích hoạt bằng cách chọn chúng và nhấp vào nút Remove ở bên phải.

5. Cải thiện tốc độ với zRam

zRam tạo không gian swap (hoán đổi) nén trong RAM. Khi RAM bắt đầu đầy, zRAM sẽ bắt đầu nén một số nội dung mà không cần phải hoán đổi dung lượng trên thiết bị lưu trữ.

Rất may, việc sử dụng zRAM ngày nay dễ dàng hơn bao giờ hết. Nó được hỗ trợ trong hầu hết các kernel hiện đại và bạn chỉ cần cài đặt một script có trong kho lưu trữ mặc định để cấu hình nó tự động theo các thông số kỹ thuật của PC. Để làm việc đó:

B1: Mở Terminal và cài đặt script cấu hình zRAM:

sudo apt install zram-config

B2: Khởi động lại máy tính và zRAM sẽ tự động chạy.

6. Ưu tiên các ứng dụng với Ananicy

Ananicy là một daemon chạy tự động khi khởi động và ưu tiên lại tất cả các phần mềm, cũng như service đang hoạt động. Nó thực hiện điều đó bằng cách sử dụng một bộ sưu tập các quy tắc được xác định trước, trong đó bạn có thể thêm những quy tắc của riêng mình. Về mặt lý thuyết, Ananicy có thể giúp máy tính của bạn hoạt động nhanh hơn chỉ bằng cách cài đặt nó.

Để cài đặt Ananicy:

Chạy Terminal.

Di chuyển đến một thư mục như ~/Downloads, vì trước tiên bạn sẽ phải tải xuống các file nguồn của Ananicy.

B1: Mở một Terminal và sao chép ứng dụng từ trang GitHub của nó:

git clone https://github.com/Nefelim4ag/Ananicy.git

B2: Đóng gói ứng dụng cho Ubuntu với:

./Ananicy/package.sh debian

B3: Cài đặt phiên bản đã đóng gói của Ananicy với:

sudo dpkg -i ./Ananicy/ananicy-*.deb

B4: Ứng dụng sẽ hoạt động sau lần khởi động lại tiếp theo. Nếu quá trình cài đặt không thành công do các dependency, thì có thể là do bạn chưa cài đặt các công cụ schedtoolmake. Giải quyết vấn đề bằng cách cài đặt chúng với:

sudo apt install make schedtool

Sau khi cả hai đều được cài đặt, hãy thử cài đặt lại gói deb của Ananicy.

7. Sử dụng môi trường desktop khác

Gnome rất tuyệt, nhưng cũng có thể tiêu tốn khá nhiều tài nguyên. Mặc dù bạn có thể tối ưu hóa để Gnome sử dụng ít tài nguyên hơn, nhưng nó không bao giờ có thể nhanh bằng một môi trường nhẹ hơn, như XFCE. Tuy nhiên, ưu điểm của Linux là không khiến bạn bị mắc kẹt với Gnome mãi mãi. Bạn có thể cài đặt và sử dụng bất kỳ môi trường desktop nào bạn muốn trên Ubuntu.

Cài đặt XFCE trên Ubuntu dễ dàng bằng cách nhập thông tin sau vào Terminal:

sudo apt install xfce4

Thao tác này sẽ cài đặt phiên bản "cơ sở" của XFCE. Nếu bạn muốn biến nó thành Xubuntu thay thế, hãy sử dụng lệnh:

sudo apt install xubuntu-desktop

Ở lần đăng nhập tiếp theo, bạn có thể chuyển đổi giữa các môi trường desktop khác nhau.

Chuyển đổi giữa các môi trường desktop khác nhau
Chuyển đổi giữa các môi trường desktop khác nhau

Trên đây là một số phương pháp giúp tăng tốc Ubuntu mà Quantrimang muốn giới thiệu với bạn đọc!

Chúc bạn áp dụng thành công!

Thứ Hai, 05/04/2021 09:32
3,73 👨 15.550
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Linux