Không chỉ là vấn đề kích thước, cân nặng, màu sắc, thiết kế laptop bao gồm cả tính tiện dụng đối với người sử dụng và khả năng thay thế, sửa chữa các bộ phận. Trong 2 thập kỷ phát triển, các nhà sản xuất laptop luôn cố gắng nâng cao cả 2 yếu tố trên. Ý tưởng độc đáo đã giúp một số đã thành công rực rỡ, nhưng cũng biến số khác thành thứ kì dị.
Dưới đây là danh sách 5 mẫu laptop được thiết kế tốt nhất và 5 chiếc khác bị coi là tồi tệ trong vòng 20 năm qua theo đánh giá của tạp chí LaptopMag.
5 mẫu laptop tốt nhất
1. Acer TravelMate C100 (2002)
Trước khi TravelMate C100 ra đời thì máy tính bảng (Tablet PC) không khác gì một cái bảng thông thường. Chúng chỉ là những thiết bị số với màn hình cảm ứng dùng trong tính năng duy nhất là lưu lại ghi chú cá nhân. Thậm chí chúng còn không có phần mềm để quản lý những gì người dùng đã nhập vào.
Acer TravelMate C100 đã thay đổi ngoạn mục khái niệm máy tính bảng bằng khớp xoay màn hình 10.4 inch của mình. Cùng với hệ điều hành Windows Tablet Edition ra đời, C100 là chiếc máy tính bảng thực thụ đầu tiên trên thế giới: Người dùng có thể dùng nó như một tấm bảng khi thuyết trình khi gập hoặc gõ thông thường trên bàn phím khi mở ra.
2. Dòng máy Apple PowerBook 500 (1994)
10 năm trước, thiết bị trỏ duy nhất làm việc với máy tính lại là quả cầu định vị (trackball). Thiết bị này đã ra đi khi Apple đưa ra thiết bị trỏ mới: bàn di cảm ứng (trackpad). Không có bất cứ thành phần chuyển động nào, bàn di cảm ứng thân thiện và dễ sử dụng hơn trackball, đặc biệt phù hợp với tính cơ động của máy tính xách tay. Đến nay, bàn di cảm ứng và phím chuột lần đầu xuất hiện trong PowerBook 500 đã trở thành chuẩn mặc định cho laptop.
3. HP Pavilion dv2000 (2006)
Bí quyết để HP trở thành nhà sản xuất laptop hàng đầu tại Mỹ: dòng máy Pavilion của họ có phần lõi là tuyệt vời và bộ cánh khoác ngoài thật bắt mắt. Chiếc Pavilion dv2000 đánh dấu bước ngoặt cơ bản của HP trong chiến lược của mình: đẩy thiết kế mẫu mã lên ngang tầm với hiệu năng làm việc. Toàn bộ chiếc máy được phủ trong lớp vỏ đen bóng theo tông màu piano sang trọng. Bên trong được trang trí bằng hoa văn với công nghệ khắc HP Imprint bền vững. Sau thành công đột phá của HP, nhiều hãng laptop khác cũng lục tục cải thiện hình ảnh sản phẩm của mình. Dell bổ sung thêm màu sắc còn Gateway chuyển sang những thiết kế mang đậm cá tính.
4. IBM 701C TrackWrite (1995)
Ngược với trọng lượng lớn, bàn phím và màn hình của laptop ở thời điểm này đều nhỏ và khó đọc. IBM đã có cải tiến vượt trội để bảo vệ cổ tay người dùng với bàn phím gập TrackWrite. Với biệt danh "Cánh Bướm", toàn bộ bàn phím chia ra làm 3 "miếng" rời nhau. Khi nắp máy tính mở ra, cả 3 tấm ghép lại thành 1 bàn phím kích thước thật. Khi đóng nắp, lần lượt từng miếng lại rời ra và xếp gọn gàng bên trong. Tiến bộ công nghệ sau đó đã cho ra nhiều mẫu laptop có không gian lớn hơn cho bàn phím và TrackWrite nhanh chóng bị lỗi thời. Tuy nhiên, đây vẫn là cải tiến độc đáo được nhiều người nhớ tới đầy thiện cảm.
5. Sony VAIO R505 SuperSlim Pro (1998)
Yếu tố mỏng nhẹ đặc biệt quan trọng đối với người dùng di động. Năm 1998, Sony giới thiệu chiếc VAIO R505 SuperSlim Pro làm chấn động thế giới mobile. Bên trong vẻ ngoài thời trang với bộ vỏ dày 1 inch là năng lực xử lý "vô song": 30 GB ổ cứng, chip Pentium III 850 Mhz và 256 MB RAM. Tại thời điểm đó, chiếc máy là niềm mơ ước của dân công nghệ mặc dù Sony đã phải hy sinh ổ quang để đảm bảo độ mỏng cho sản phẩm. Bù lại, yếu tố thời trang lại được hãng bán dẫn khổng lồ của Nhật khéo léo đẩy đến mê hoặc với màn hình màu bạc tím với bàn di cảm ứng màu hoa cà.
5 mẫu laptop tệ nhất
1. Apple iBook (1999)
Thế hệ iBook đầu tiên đưa khách hàng vào ngay 2 trạng thái cảm xúc: yêu hoặc ghét. Đáng tiếc rằng quá nhiều người chọn phương án thứ 2 cho máy tính hình hộp phấn này. Apple đã cố gắng nâng cấp, cải thiện dòng sản phẩm này, nhưng nỗ lực đó chỉ được ghi nhận bởi một vài đặc điểm còn sót lại trong sản phẩm MacBook hiện nay. iBook vẫn là một điểm tối trong lịch sử huy hoàng của Apple.
2. Dell Inspiron 5150 (2003)
Lỗi thiết kế không chỉ ở vỏ ngoài sản phẩm và Inspiron 5150 của Dell là một ví dụ. Cải tiến trong hệ thống tản nhiệt của model này hút bụi bẩn bên ngoài vào trong máy qua lỗ thông hơi. Lỗi quá nóng xảy ra cho quá nửa khách hàng của Dell trong suốt tháng 9/2006. Sau đó, hãng đã phải bồi hoàn 100% tiền cho người mua máy để làm dịu tình hình.
3. IBM ThinkPad TransNote (2001)
Khi máy tính xách tay trở nên phổ biến, người dùng trở nên băn khoăn có nên tiếp tục dùng giấy bút hay thay thế chúng bằng chiếc laptop mạnh mẽ. IBM muốn cân bằng cả 2 luồng tranh cãi trên với model IBM ThinkPad TransNote. Đây là một chiếc ThinkPad thông thường nhưng bổ sung thêm khe đựng giấy khổ letter của Mỹ (8,5 x 11 inch) ở mặt sau. Toàn bộ chiếc máy được đặt trên 1 thiết bị số hoá điện tử để "dịch" những ghi chú của người dùng qua 1 chiếc bút đặc biệt. Người dùng sau đó có thể sắp xếp lại chúng khi lật "mặt" máy tính lên.
Đó có thể là một ý tưởng tốt, nhưng máy tính bảng ra đời cùng năm đó đã giải quyết trọn vẹn bài toán đơn giản hơn nhiều. TransNote trở thành thiết bị "tân cổ giao duyên" bẽ bàng. Mặt khác, chiếc bút điện tử đi kèm cũng to nặng và chẳng tiện dụng chút nào.
4. Sharp Actius RD3D (2003)
Phát triển công nghệ mới là xu hướng tất yếu, nhưng ít người có thể giải thích được động cơ mà Sharp đưa ra sản phẩm Actius RD3D khi chưa hoàn chỉnh. Đây là laptop đầu tiên trên thế giới có màn hình hiển thị hình ảnh 3 chiều, một công nghệ độc quyền của Sharp. Actius RD3D có màn hình 15 inch XGA (1024 x 768) với khe chắn t hị sai nhưng nó chẳng tái tạo được hình ảnh 3 chiều thực sự. Bên cạnh đó còn vô số vấn đề về hiển thị khi hình ảnh nhiều sọc, bóng ma và hay mỏi mắt. Chiếc máy nặng tới gần 5 kg này cũng không có kết nối WiFi.
Tuy nhiên, điểm yếu căn bản của Actius RD3D nằm ở chỗ quá ít ứng dụng tương thích với công nghệ ảnh 3 chiều. Người dùng chỉ có thể "chơi" với một vài phần mềm có sẵn theo máy.
5. Velocity Micro NoteMagix L80 (2006)
NoteMagix L80 của Velocity bị đánh giá tồi tệ về thiết kế, thậm chí người ta còn hỏi liệu gã thiết kế có tỉnh táo không khi lên khuôn sản phẩm này. Vỏ máy màu đen được làm y hệt mẫu Generic Notebook Design 101. Tệ nhất là những dải đồng chạy quanh viền bàn phím khiến chiếc laptop mang dáng vẻ của một sản phẩm từ cổ lỗ sĩ 30 năm trước hoặc cảm giác máy bị rớt mất bộ phận nào đó mà phơi cả lõi đồng bên trong ra.
Bên trong thiết kế ngớ ngẩn lại là những thiết bị thời thượng gồm card VGA nVidia GeForce Go 7600 GS và chip Intel Core 2 Duo 2.1 GHz.
Hưng Hải