Chụp chủ thể chuyển động bằng máy ảnh DSLR

Để chụp nhiều ảnh liên tục của 1 chủ thể chuyển động, người chụp cần biết dùng chế độ lấy nét liên tục.

Khi chụp những chủ thể chuyển động, thông thường người chụp ảnh sẽ đưa về chế độ lấy nét dự đoán (predictive focus), cũng thường gọi là chế độ lấy nét liên tục (continuous focus). Chế độ lấy nét liên tục trên máy ảnh Nikon dùng ký hiệu AF-C, trên máy ảnh Canon là AI Servo.

Do có thể cho phép máy ảnh “khóa chết” chủ thể và liên tục lấy nét vào chủ thể nhờ khả năng dự đoán vị trí tiếp theo của chủ thể, chế độ lấy nét liên tục thích hợp với việc chụp những chủ thể chuyển động liên tục như thể thao, động vật chạy, chim bay v.v... Theo đó, người chụp ảnh chỉ cần tập trung giữ cho chủ thể lọt vào khung hình, trong khi máy ảnh giữ nhiệm vụ giữ nét trên chủ thể. Chế độ lấy nét liên tục ra đời vào giữa những năm 1980, là một bước chuyển biến làm thay đổi lịch sử nhiếp ảnh.

Tuy nhiên, không phải cứ đưa về chế độ này là máy ảnh sẽ tự động lấy nét liên tục vào chủ thể, mà người chụp phải có những thao tác đúng. Theo nguyên tắc chụp lấy nét liên tục, đầu tiên người chụp ảnh sẽ lấy nét ngay chủ thể (bấm nửa cò chụp), tiếp đó bấm chụp liên tiếp trong khi vẫn giữ được nửa cò chụp ban đầu. Nếu nửa cò chụp ban đầu bị buông ra, chủ thể lấy nét có thể sẽ thay đổi, khi đó có thể ảnh hưởng đến độ nét của chủ thể trong những ảnh chụp sau. Thao tác chụp liên tục trong khi vẫn giữ nửa cò không dễ, song vẫn có “thủ thuật” mà hãng sản xuất máy ảnh trang bị cho người chụp khắc phục vấn đề trên. Người viết bài minh họa với 2 loại Canon 50D và Nikon D90.

* Với Canon 50D: người dùng cần vô hiệu hóa chức năng lấy nét ở nửa cò chụp, sử dụng nút bấm AF-ON (ở bên phải màn hình LCD) làm nhiệm vụ lấy nét.

* Với Nikon D90, do không có nút bấm AF-ON như Canon 50D nên sẽ phải thiết lập biến nút AE-L/AF-L (bên phải ống ngắm viewfinder) thành nút AF-ON, lúc này chế độ lấy nét ở nửa cò chụp cũng sẽ tự động bị vô hiệu hóa. Cách thực hiện: nút Menu > f Controls > f4 Assign AE-L/AF-L button > OK.

Với cách bố trí nút bấm như trên, khi cần chụp liên tục, người chụp sẽ dùng ngón tay cái để lấy nét bằng nút AF-ON rồi giữ tay, sau đó khi cần chụp thì nhấn nút chụp bằng ngón trỏ. Sau khi khóa nét ở chủ thể, ảnh có thể được chụp liên tục cho đến khi người chụp buông nút AF-ON.


Nút AF-ON trên máy Canon 50D (vùng khoanh đỏ)

Do đang sử dụng chế độ lấy nét tự động, đôi khi máy ảnh không lấy nét được hoặc lấy nét không chính xác, người chụp cần lưu ý một số trường hợp sau:

* Kiểm tra nút gạt AF/MF (nếu có) trên cả ống kính và máy ảnh để đảm bảo rằng chúng đã được gạt qua chế độ lấy nét tự động AF.

* Ống kính không hỗ trợ máy ảnh lấy nét tự động

* Ống kính nối với máy ảnh thông qua ống nối (Extender)

* Chế độ lấy nét tự động hoạt động không tốt trong điều kiện ánh sáng yếu, ví dụ khi chụp vào buổi chiều tối hoặc đêm

* Chế độ lấy nét tự động hoạt động không tốt khi lấy nét vào những chủ thể không hoặc ít có độ tương phản, ví dụ như bầu trời trong xanh không có mây hoặc bức tường có 1 sắc màu duy nhất

* Ống kính bất ngờ bị “đơ” không lấy nét tự động. Lúc này người chụp cần tắt và mở máy lại

* Khoảng cách từ ống kính tới chủ thể bé hơn khoảng cách tối thiểu có thể lấy nét của ống kính

* Có từ 2 chủ thể trở lên xếp chồng ở vị trí lấy nét.

Một số chế độ lấy nét trên máy ảnh Nikon:

* AF-C (AF Continuous): lấy nét tự động liên tục trên chủ thể chuyển động, trong điều kiện nút lấy nét tự động AF-ON được giữ như ban đầu

* AF-S (AF Single): lấy nét tự động liên tục trên chủ thể không chuyển động

* AF-A (AF-Auto): nếu máy ảnh cho là chủ thể chuyển động sẽ dùng chế độ AF-C, nếu cho là chủ thể không chuyể động sẽ dùng chế độ AF-S

* MF (Manual Focus): chỉnh nét tay, người chụp tự canh nét vào chủ thể, không cho máy ảnh can thiệp.

Thứ Hai, 21/02/2011 09:36
31 👨 1.236
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp