Build 2019: Microsoft đưa Visual Studio lên nền tảng trình duyệt, ra mắt .NET 5 và ML.NET 1.0

Build là hội nghị nhà phát triển thường niên của Microsoft, và trong năm nay, sau ngày thứ nhất của sự kiện, bên cạnh những sản phẩm quen thuộc, Visual Studio và .NET trở thành những “ngôi sao” thu hút rất nhiều sự chú ý từ giới chuyên môn và cộng đồng. Cụ thể, trong khuôn khổ ngày đầu tiên của Build 2019, Microsoft đã tiết lộ khá nhiều thông tin chi tiết về các tính năng Visual Studio mới với nhiều cải tiến đáng chú ý, đồng thời công bố lộ trình cập nhật cho .NET và ra mắt ML.NET 1.0.

Build 2019:

Trước đó vào tháng 4 vừa qua, Microsoft cũng đã ra mắt Visual Studio 2019 cho Windows và Mac. 2 tính năng đáng chú ý trong phiên bản này chính là Visual Studio Live Share, một công cụ cộng tác thời gian thực có trong Visual Studio 2019 và Visual Studio IntelliCode, một tiện ích mở rộng cung cấp khả năng hoàn thành code được hỗ trợ bởi AI

Visual Studio Live Share

Còn tại Build năm nay, gã khổng lồ phần mềm này đã chia sẻ thêm thông tin về một số tính năng của IntelliCode, hiện có sẵn cho C#, XAML trong Visual Studio 2019; cho Java, JavaScript, TypeScript và Python trong Visual Studio Code. Bên cạnh đó, IntelliCode hiện cũng được đi kèm theo mặc định trong Visual Studio 2019, bắt đầu từ phiên bản 16.1 Preview 2. Ngoài ra, Microsoft cũng đã giới thiệu một thuật toán có thể theo dõi cục bộ các chỉnh sửa của người dùng - phát hiện chỉnh sửa lặp đi lặp lại - và đề xuất các phần khác mà cũng nên được chỉnh sửa theo cách tương tự.

Nhưng đó chỉ là những “phần nổi của tảng băng chìm”.

Visual Studio sẽ có thể hoạt động từ xa

Microsoft cho biết họ đang tiến hành thử nghiệm một số tính năng cho phép các nhà phát triển làm việc ở mọi nơi, trên mọi thiết bị. Và trong ngày đầu tiên của Build 2019, công ty đã công bố bản private preview cho 3 tính năng mới nhằm hiện thực hóa khả năng làm việc từ xa trên Visual Studio, đó là các công cụ dành cho nhà phát triển được hỗ trợ từ xa, môi trường dành cho nhà phát triển được lưu trữ trên đám mây, và một công cụ kết hợp với web dựa trên trình duyệt. Có lẽ Microsoft đang muốn tiến những bước đi vững chắc trong bối cảnh mà khả năng làm việc linh hoạt từ xa được cho là xu hướng của thế giới công nghệ trong tương lai gần.

Tính năng Visual Studio Live Share - một trong những tính năng được yêu cầu nhiều nhất trên GitHub sẽ là một tính năng từ xa được phát triển riêng lẻ. Visual Studio Remote Development về cơ bản là một giải pháp thay thế cho việc sử dụng SSH/Vim và RDP/VNC, cho phép người dùng Visual Studio kết nối các công cụ cục bộ của mình với môi trường WSL, Docker hoặc SSH. Công cụ này hiện có thể hỗ trợ cho C# và C++, và đã được giới thiệu trong private preview phía trên. Theo Microsoft, tính năng làm việc từ xa khi được áp dụng toàn diện sẽ mang lại cho người dùng rất nhiều lợi thế, có thể kể đến như khả năng làm việc trên một hệ điều hành trái với mục tiêu triển khai ứng dụng của người dùng, cũng như có thể tận dụng phần cứng cao cấp hơn và tính di động đa thiết bị cao hơn.

Bản private preview tiếp theo sẽ mang đến cho các nhà phát triển những môi trường phát triển lưu trữ trên đám mây được quản lý hoàn toàn theo yêu cầu. Việc môi trường dành cho nhà phát triển được lưu trữ trên đám mây sẽ góp phần giúp các nhà phát triển không phải dành quá nhiều thời gian trong việc triển khai cho các thành viên mới của nhóm, cũng như di chuyển giữa các tác vụ, cài đặt các thành phần phụ thuộc và mã hóa. Dịch vụ mới về cơ bản sẽ cho phép bạn tạo ra một môi trường dựa trên đám mây bất cứ khi nào bạn cần làm việc với một dự án mới, nhận một nhiệm vụ mới hoặc xem xét một PR. Và, tất nhiên, các môi trường này cũng có thể được kết nối với Visual Studio 2019 cũng như Visual Studio Code.

Visual Studio 2019

Ngoài ra, Microsoft cũng đã công bố bản private preview của Visual Studio Online, một trình chỉnh sửa dựa trên web mới, được xây dựng trên nền tảng của Visual Studio Code. Từ địa chỉ online.visualstudio.com, bạn có thể truy cập các môi trường từ xa và chỉnh sửa mã trực tiếp trong trình duyệt. Visual Studio Online sẽ hỗ trợ các không gian làm việc của Visual Studio Code, những dự án và giải pháp của Visual Studio, cũng như IntelliCode và Live Share. Điều đó có nghĩa là bạn có thể tham gia vào các phiên chia sẻ trực tiếp của Visual Studio hoặc thực hiện đánh giá từ xa ở mọi lúc, mọi nơi.

.NET 5 và hơn thế nữa

.NET 5

Trong ngày đầu tiên của sự kiện năm nay, Microsoft cũng thông báo rằng họ sẽ bỏ qua .NET 4 để tránh những nhầm lẫn không đáng có với .NET Framework (đã có phiên bản 4 trong nhiều năm qua), mà lên thẳng .NET 5. Trong tương lai, các nhà phát triển sẽ có thể sử dụng .NET để “nhắm mục tiêu” đến Windows, Linux, macOS, iOS, Android, tvOS, watchOS, WebAssugging và nhiều nền tảng khác. Như đã nói, .NET 3 sẽ được nâng cấp thẳng lên .NET 5, đồng thời được bổ sung thêm các API .NET mới, khả năng runtime, và các tính năng ngôn ngữ. Việc lên thẳng .NET 5 khiến nó trở thành phiên bản cao nhất mà Microsoft từng cho ra mắt, đồng thời cho thấy tham vọng của Microsoft trong việc biến .NET 5 trở thành tương lai cho nền tảng .NET.

Trước đây, .NET Core 3 được cho là sẽ giúp thu hẹp phần lớn khoảng cách về khả năng với .NET Framework 4.8, cho phép kích hoạt Windows Forms, WPF và Entity Framework 6. Microsoft cho biết .NET 5 cũng sẽ được xây dựng dựa trên mục đích tương tự, giúp kết hợp .NET Core, .NET Framework, Xamarin và Mono (triển khai đa nền tảng ban đầu của .NET) thành một nền tảng duy nhất.

Về cơ bản, Microsoft đã thực hiện được 3 lời hứa mà họ đã đưa ra trên .NET 5, đó là:

  • Khả năng tương tác Java sẽ có sẵn trên tất cả các nền tảng.
  • Khả năng tương tác của Objective-C và Swift sẽ được hỗ trợ trên nhiều hệ điều hành khác nhau.
  • CoreFX sẽ được mở rộng để hỗ trợ biên dịch tĩnh (static compilation) .NET (ahead-of-time – AOT), footprint nhỏ hơn và hỗ trợ cho nhiều hệ điều hành hơn.

Thêm vào đó, .NET 5 cũng sẽ cung cấp cả 2 mô hình biên dịch là Just-in-Time (JIT) và Ahead-of-Time (AOT). Trong đó, JIT sẽ mang lại hiệu suất tốt hơn cho khối lượng công việc của máy tính để bàn/máy chủ và môi trường phát triển. Còn AOT sẽ cho khả năng khởi động nhanh hơn và footprint nhỏ hơn, phù hợp với các thiết bị di động và IoT. Ngoài ra, .NET 5 sẽ cung cấp một chuỗi công cụ hợp nhất được hỗ trợ bởi các dạng dự án SDK mới và mô hình triển khai linh hoạt (các EXE song song và khép kín).

Lộ trình phát hành

Lộ trình cập nhật .NET cũng đã được Microsoft chia sẻ. Đầu tiên, .NET Core 3 sẽ được tung ra vào tháng 9 sắp tới. Tiếp theo, .NET 5 sẽ “xuất xưởng” vào tháng 11 năm 2020, với bản preview đầu tiên có sẵn trong nửa đầu năm 2020. Microsoft sau đó dự định sẽ phát hành một phiên bản chính của .NET mỗi năm một lần, cố định vào tháng 11.

“Với phiên bản .NET 5, các tệp mã và dự án của bạn sẽ trông đồng bộ như nhau cho dù bạn đang xây dựng loại ứng dụng nào. Bạn sẽ có quyền truy cập vào cùng runtime, API và khả năng hỗ trợ ngôn ngữ lập trình với mỗi ứng dụng”, đại diện Microsoft cho biết.

ML.NET 1.0

ML.NET 1.0

Tạm thời đặt các bản private preview và lộ trình cập nhật sang 1 bên. Một thông tin cũng rất đáng chú ý khác trong buổi giới thiệu sản phẩm của Microsoft ở ngày đầu Build 2019 đó là sự xuất hiện của ML.NET 1.0. Không nằm ngoài xu hướng, ML.NET 1.0 cũng sẽ đánh vào tính khả dụng chung. Bạn có thể tải xuống ML.NET 1.0 ngay bây giờ tại đây.

Nếu bạn chưa biết thì ML.NET là một framework mã nguồn mở và đa nền tảng, chạy được trên Windows, macOS và Linux. Phiên bản ML.NET nội bộ đã được sử dụng trong gần một thập kỷ nhằm tăng cường khả năng cho các sản phẩm của Microsoft như Design Ideas của Powerpoint, Windows Hello, PowerBI Key Inflencencers và Azure Machine Learning.

ML.NET là một framework mã nguồn mở và đa nền tảng

Framework này giúp mang học máy đến gần hơn với các nhà phát triển .NET, qua đó giúp họ có thể xây dựng cũng như ứng dụng AI vào sản phẩm của mình thông qua các mô hình học máy tùy chỉnh. ML.NET cho phép nhà phát triển tạo và sử dụng các mô hình học máy nhắm mục tiêu đến từng mục đích cụ thể như phân tích ý kiến, phân loại vấn đề, dự báo, đề xuất, phát hiện gian lận, phân loại hình ảnh, v.v. ML.NET được “đóng gói sẵn” cùng với một loạt phép biến đổi giúp xử lý dữ liệu, thuật toán ML, kiểu dữ liệu ML, cũng như các tiện ích mở rộng cung cấp khả năng truy cập TensorFlow cho các tình huống học sâu (Deep learning) và ONNX, cùng với nhiều khía cạnh khác.

Với việc ML.NET 1.0 được phát hành, Microsoft dự định sẽ tung ra thêm một số tính năng tiếp theo, bao gồm:

  • Cải thiện trải nghiệm AutoML cho tất cả các kịch bản ML
  • Hỗ trợ Deep Learning với TensorFlow và Torch
  • Hỗ trợ cho các nguồn dữ liệu khác (ví dụ: SQL, Cosmos DB, v.v.)
  • Mở rộng quy mô trên Azure
  • Cải thiện khả năng hỗ trợ cho Model Builder và ML.NET CLI
  • ML @ Scale với .NET để tích hợp Apache Spark
  • Đưa ra một số loại loại ML mới trong .NET
  • Đưa ra thêm task ML bổ sung

Framework này giúp mang học máy đến gần hơn với các nhà phát triển .NET

Thêm vào đó, Microsoft cũng đang giới thiệu các tính năng ML và trải nghiệm công cụ mới trong Visual Studio. Học máy tự động (AutoML) sẽ được cung cấp một bộ dữ liệu, giúp tự động tìm ra giai đoạn lựa chọn thuật toán và cả thuật toán để xây dựng các mô hình hoạt động tốt nhất. Bạn có thể tận dụng trải nghiệm AutoML trong ML.NET bằng giao diện dòng lệnh ML.NET (CLI, hiện có sẵn trong bản preview), ML.NET Model Builde (tiện ích mở rộng Visual Studio đã có sẵn trong bản preview), hoặc bằng cách sử dụng API AutoML trực tiếp.

Chủ Nhật, 12/05/2019 17:19
54 👨 1.570
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Công nghệ mới