Tờ báo tiếng Trung Southern Weekly đã cử phóng viên 20 tuổi Liu Zhi Yi đến khám phá cuộc sống bên trong nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến.
Sau 28 ngày, phóng viên này đã chứng kiến những điều kiện khủng khiếp mà hơn 400.000 công nhân làm việc ở nhà máy này phải chịu đựng để lắp ráp không ngừng nghỉ những sản phẩm số thời thượng iPod, iPad và iPhone cho hãng Apple.
Cuộc sống của công nhân các nhà máy của Foxconn thể hiện rất rõ
trên khuôn mặt của người công nhân. Ảnh Southern Weekly.
Foxconn là một trong những nhà sản xuất theo hợp đồng chính của Apple. Hàng nghìn máy tính Mac, iPod, iPad và iPhone được lắp ráp mỗi ngày ở nhà máy hoạt động 24/7 của Foxconn ở Thâm Quyến. Công ty này còn là nhà sản xuất sản phẩm cho các hãng công nghệ như Intel, Dell, HP và nhiều hãng khác.
Sau vụ tự vẫn lần thứ 6 trong năm nay ở các nhà máy của Foxconn tại Trung Quốc, báo Southern Weekly, được coi là tờ báo có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc, đã cử phóng viên đột nhập vào nhà máy này trong vai một công nhân. Trong thời gian đó, báo này cũng cử phóng viên đến phỏng vấn các quản lý của Foxconn. Mục tiêu của của tờ báo là khám phá những gì thực sự đang diễn ra bên trong nhà máy và tìm ra những lý do thực sự đằng sau các vụ tự sát.
Trong suốt 28 ngày điều tra, Liu Zhi Yi đã bị sốc khi chứng kiến cuộc sống của các công nhân nhà máy. Họ làm việc suốt cả ngày, chỉ nghỉ nhanh để ăn hoặc ngủ. Họ lặp lại cùng quy trình công việc hàng ngày trừ ngày nghỉ. Liu phỏng đoán rằng với nhiều công nhân, sự giải thoát duy nhất khỏi quy trình công việc này là kết thúc sự sống.
Liu, sinh viên vừa tốt nghiệp, được chọn nhờ tuổi trẻ, bởi vì nhà máy này chỉ thuê những công nhân ở tuổi 20. Anh ta được thuê không điều kiện, chỉ phải ký vào một văn bản đặc biệt: Thỏa thuận đồng ý làm thêm giờ trong khi công ty không chịu trách nhiệm về những giờ làm thêm. Theo Liu, thỏa thuận này vi phạm luật lao động của Trung Quốc.
Các công nhân của Foxconn chỉ cười vào ngày 10 hàng tháng. Đó là ngày họ được nhận lương. Vào ngày đó, các máy rút tiền ATM bên trong nhà máy chật kín công nhân. Lương tháng của họ khởi đầu ở mức 900 nhân dân tệ, khoảng 130 USD.
Hầu hết công nhân ở nhà máy này không bàn đến các sản phẩm nổi tiếng của Apple họ lắp ráp. Bởi một lý đơn gian, hầu hết không đủ khả năng mua sản phẩm của Apple.
Những câu chuyện trong nhà máy
Liu đã có những cuộc nói chuyện thú vị với các công nhân khác trong các bữa ăn. Một số công nhân cho anh ta biết là họ ghen tị với những công nhân bị ốm, vì như vậy sẽ có thời gian nghỉ ngơi. Họ cũng nói về những tai nạn bên trong nhà máy: một công nhân đã bị đứt ngón tay trong quá trình sản xuất. Một vài công nhân cho rằng các cỗ máy là thủ phạm. Họ tin là rất nguy hiểm với họ khi sử dụng các cỗ máy đó.
Phòng xả stress cho công nhân nhà máy.
Một công nhân khác nói về một trong những hoạt động yêu thích trong các dây chuyền lắp ráp: anh ta thích đánh rơi thiết bị xuống sàn. Tại sao? Các công nhân phải đứng liên tục 8 tiếng mỗi ngày, do đó họ cảm thấy lúc cúi xuống nhặt thiết bị đánh rơi là khoảng thời gian thư giãn nhất trong ngày làm việc của họ.
Các công nhân thường gọi những chiếc xe đẩy hàng là những chiếc “BMW”. Trong khi đẩy các xe chứa đầy hàng hóa, họ tưởng tượng đó là chiếc xe BMW thực sự họ hy vọng có được trong tương lai.
Theo một công nhân, họ không thể sống nếu không ước mơ. Họ mơ một ngày nào đó sẽ trở nên giàu có. Một số công nhân đã bỏ một phần lương của mình để mua vé số và đánh cược trong các cuộc đua ngựa.
Các công nhân của Foxconn ăn trưa ngay tại nhà máy.
Ngoài mơ ước xe hơi và giàu có, còn có một số dạng mơ ước khác. Liu cho biết một số công nhân than phiền về cuộc sống yêu đương của họ. Họ không thể tìm được người yêu trong môi trường như thế này, do đó họ phải tìm cách khác: Trong một số quán cà phê Internet - ẩn phía sau các hàng quán ngoài nhà máy – những thanh niên trẻ trả tiền truy cập giấu giếm các phim khiêu dâm. Tuy nhiên, những người này cho rằng các bộ phim đó cũng trở nên nhàm chán sau nhiều lần xem.
Nhiều người không dám đề cập đến các vụ tự sát. Một số chỉ đùa khi nói đến chuyện này. Một trong những vấn đề có thể là thiếu hoạt động giao tiếp và tình bạn giữa các công nhân. Nhiều công nhân thậm chí không biết tên của những người làm việc sát mình trong dây chuyền.
Trong thực tế, theo báo Southern Weekly, các công nhân thấy rất khó chia sẻ với nhau bởi họ luôn mặc đồng phục giống nhau và làm những công việc như nhau hàng ngày. Họ không có những chủ đề thú vị để tán gẫu bởi vì tất cả những gì họ làm là công việc. Nếu công nhân cảm thấy quá căng thẳng, họ thường không có ai để chia sẻ cảm xúc hoặc nhờ sự trợ giúp để giải tỏa căng thẳng.