Chương trình Top 100 phong cách doanh nhân vừa tổ chức cuộc đối thoại về kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng giữa doanh nhân Việt Nam với tỷ phú Tan Sri Dato’seri Vincent Tan - Chủ tịch tập đoàn Berjaya (Malaysia) - đơn vị đang sở hữu nhiều dự án ở Việt Nam như khách sạn Intercontinental, Sherton (Hà Nội), Long Beach resort (Phú Quốc)…
Ông nói:
- Năm 1997-1998, khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực ập đến, tập đoàn của chúng tôi cũng lâm vào khó khăn, thậm chí mỗi ngày có hàng trăm người đến đòi nợ. Lãi suất ngân hàng khi đó ở Malaysia cũng lên đến 25%/năm. Đại đa số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đều thất bại trong kinh doanh và giải pháp của tôi là quyết định bán bớt các tài sản để chỉ tập trung vào lĩnh vực cho rằng có triển vọng nhất.
Ông đã bán những lĩnh vực nào? Những doanh nghiệp Việt Nam hiện tại không phải ai cũng có tài sản để bán đi thì cách xử lý của ông sẽ như thế nào?
Tôi nghĩ khó khăn với Malaysia năm 1997-1998 là rất lớn so với những khủng hoảng khác cho đến nay. Khi đó nhiều công ty đóng cửa, nhu cầu của người dân cũng giảm. Tôi cho rằng doanh nghiệp giống con thuyền, khó có thể không gặp sóng gió, và khi đã gặp bão thì phải chấp nhận vứt một số tài sản trên thuyền. Tôi vẫn ví khi đó tôi có cái vương miện, trên đó có hai viên ngọc rất quý là công ty về truyền thông và công ty về bảo hiểm. Tôi đã phải bán chúng đi. Số tiền có được đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tôi là người may mắn vì có cái để bán. Nhưng tôi không nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam không có gì để bán. Và nếu họ thực sự khó khăn, chắc chắn điều họ cần làm là thuyết phục các ngân hàng cho giãn các nghĩa vụ tài chính. Để thuyết phục được, bản thân doanh nghiệp cần tập trung vào việc đầu tiên là cắt chi phí. Tuy nhiên, vốn phải được đầu tư cho maketing, phải làm được dự án tốt đi chào. Và cùng với nỗ lực tìm mọi hướng thoát, phải khuyến khích có thêm sự sáng tạo mới vượt qua được khó khăn.
Bài học của một người đã đi qua và chiến thắng khủng hoảng là gì, ông có lời khuyên nào cho doanh nhân Việt Nam?
Các doanh nghiệp tư nên đa dạng kinh doanh trong khả năng quản trị của mình. Các doanh nghiệp nên có đối tượng khách hàng rõ ràng. Như ở Malaysia, Berjaya có trung tâm thương mại Times Square quy mô rất lớn, nhưng chúng tôi không cho đặt nhiều tiệm bán hàng cao cấp, vì không nhiều người Malaysia có thể mua được hàng này. Với các nhãn hàng thương hiệu nổi tiếng thế giới, họ sẽ mua ở Nhật, London, NewYork… chứ không mua ở Malaysia. Nên chúng tôi tập trung hàng giá trung bình, nhưng bù lại, khi đúng đối tượng, giá cho thuê cửa hàng của chúng tôi lại rất cao.
Theo ông khi các doanh nghiệp khó khăn thì nhà nước nên giúp gì?
Việc giãn bớt khó khăn cho doanh nghiệp là cần thiết. Khủng hoảng năm 1997-1998, Malaysia may mắn vì Thủ tướng đã quyết định rất đúng. Ông đã giữ tỷ giá và điều quan trọng nhất là đã tạo môi trường an toàn, không biến động cho doanh nghiệp. Trong điều kiện xuất nhập khẩu, doanh nghiệp khó sống nếu tỷ giá, chính sách, giá đầu vào… khi nhập hàng về một kiểu, đến lúc bán đi lại một kiểu.
Ngoài ra, Malaysia khi khó khăn, nhà nước đã khuyến khích doanh nhân kinh doanh bằng chính sách cụ thể, tăng cường cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng cũng dứt khoát yêu cầu Chính phủ bớt can thiệp vào việc kinh doanh. Đến nay Malaysia nay đã có nền kinh tế vững vàng. Quan trọng là chúng tôi có Chính phủ tốt, chính sách tốt để phát triển kinh tế, đầu tư nước ngoài tiếp tục vào. Sở dĩ tập đoàn có quy mô lớn như hiện nay cũng phải nhờ vào chính sách của Chính phủ.
Trong lúc khó khăn nên tập trung ưu tiên sản xuất trong nước. Như chính sách khuyến khích công nghiệp sản xuất ôtô của Malaysia, chúng tôi đã có xe Proton. Điều này đã tạo cho Malaysia nền công nghiệp phụ trợ. Quan điểm cá nhân của tôi, trong lúc khó khăn, nếu được tôi khuyên, tôi sẽ khuyên Việt Nam nên đánh thuế hàng xa xỉ, xe ôtô ngoại đến 500%. Đó là cách giúp người nghèo, giúp sản xuất đất nước đi lên. Ai giàu thì phải chấp nhận chi tiền.
Ông hiện có khá nhiều dự án bất động sản ở Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về khả năng phục hồi của thị trường và vào tiềm năng thị trường Việt Nam?
Chúng tôi đang đầu tư để có trung tâm thương mại lớn nhất thế giới tại Trung Quốc. Tại Việt Nam chúng tôi cũng đầu tư bất động sản. Tôi đã bán một trung tâm thương mại ở khu sầm uất tại Malaysia để có tiền đầu tư vào Việt Nam. Nhiều người Malaysia nói tôi phạm sai lầm nhưng tôi luôn tin kết quả các sai lầm của tôi sẽ tốt. Và điều chắc chắn, khi tôi đầu tư vào Việt Nam, tôi phải tin tưởng vào tương lai của Việt Nam. Tôi vẫn tin vào thị trường Việt Nam về lâu dài.
Hiện có nhiều dự án lớn của Berjaya tại Việt Nam như Trung tâm tài chính Việt Nam 930 triệu USD, Thành phố mới Nhơn Trạch tại Đồng Nai khoảng 2 tỉ USD… chưa triển khai, có thể bị thu hồi dự án. Ông có định tiếp tục đầu tư các dự án này?
Trong giai đoạn khó khăn về thị trường thì việc điều chỉnh là cần thiết. Tôi là nhà đầu tư kiên nhẫn. Các dự án trong điều kiện hiện nay có chậm nhưng chúng tôi sẽ thực hiện vì tôi cho rằng không nên cố làm nhanh để rơi vào khó khăn tài chính. Và hiện nay, tôi vẫn cho rằng định mệnh của tôi là sẽ tiếp tục đầu tư sang Việt Nam.
5 năm đầu tư ở Việt Nam, hoạt động của Berjaya khá tốt nhưng từ năm 2010 trở đi, Berjaya đã đối diện thử thách do đầu ra tại Việt Nam hạn chế. Chúng tôi đã điều chỉnh chiến lược và tiến độ các dự án của Berjaya Việt Nam. Đây là lúc các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tính toán xem khi nào xây, xây cái nào trước, với quy mô nào để bảo toàn được nguồn vốn, uy tín. Đối với Berjaya Việt Nam, chúng tôi cam kết đầu tư lâu dài và tôi tin rằng khi đã có định hướng lâu dài, thì kết quả hoạt động sẽ tốt, dù trong khoảng 2 năm tới, tình hình không mấy “dễ thở”.