Những đặc tính như siêu mỏng, siêu rộng, công nghệ mới và cuối cùng là giá cả là điểm nhấn lớn nhất khiến những chiếc TV trở nên rất thu hút tại CES 2009.
Tiết kiệm điện và “yêu” môi trường
Một trong những thay đổi lớn nhất của TV năm nay là sự tập trung vào tiết kiệm năng lượng và giảm tác động xấu lên môi trường. Các tên tuổi TV lớn như LG, Sharp, Samsung, Panasonic và nhiều công ty khác, đang nỗ lực cắt giảm lượng điện năng tiêu thụ trong các sản phẩm TV LCD và plasma của họ. Mới đây, Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ (EPA) đã ban hành một tiêu chuẩn mới mang tên Energy Star. Trước đây, EPA chỉ ấn định mức điện năng mà TV tiêu thụ khi ở chế độ chờ (stand-by), nay với Energy Star, các nhà sản xuất phải tính đến cả lượng điện năng mà TV tiêu thụ khi đang hoạt động. Mục tiêu của tiêu chuẩn Energy Star là mọi sản phẩm TV phải giảm bớt 25% điện năng tiêu thụ. Hầu như các sản phẩm TV trưng bày tại CES 2009 đều đáp ứng yêu cầu này. Điều này thể hiện khá rõ ngay trong các gian hàng của các công ty, khi các sản phẩm được bật lên, chiếc đồng hồ đo điện ngay bên cạnh sẽ thể hiện số công suất mà TV tiêu thụ. Ngoài ra, sản phẩm cũng cho thấy sự cố gắng của các doanh nghiệp nhằm giảm lượng nguyên liệu độc hại, như thủy ngân, khi xây dựng sản phẩm.
Sony đã công bố dòng TV LCD “xanh và sạch” đầu tiên mang tên “Eco Bravia” – chiếc TV sử dụng lượng điện năng ít hơn tới 40% so với các mẫu hồi năm ngoái. Samsung và Panasonic cũng tung ra những sản phẩm tương tự, dù không gắn nhãn “xanh, sạch”.
Những chiếc TV LCD dùng ánh sáng sau LED (light-emitting diode) dường như là một bước tiến mới giúp tiết kiệm điện. Thay vì dùng loại ánh sáng sau bằng bóng đèn huỳnh quang như thường thấy trong các sản phẩm LCD, LED dùng đèn nền là diode phát sáng, tiêu thụ ít điện hơn, tuổi thọ lâu hơn, mang lại hình ảnh sáng hơn và cho phép nhà sản xuất xây dựng một sản phẩm mỏng hơn. Nhưng không may, công nghệ LED cũng khá đắt đỏ khi kết hợp vào các sản phẩm màn hình lớn. Các nhà sản xuất nói chi phí sẽ giảm xuống, nhưng LG và Samsung, hai đại gia TV giới thiệu những sản phẩm dùng công nghệ LED lại không cung cấp mức giá bán mà chỉ nói sản phẩm sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm nay.
TV OLED và 3D: vẫn còn xa xỉ
Một số nhà phân tích đã gọi năm 2009 là năm của TV OLED (Organic light-emitting diode, tạm dịch là diode phát sáng hữu cơ). Tại CES 2009, đại gia Nhật Bản là Sony đã trình làng mẫu TV OLED 27 inch. Trước đó, Sony đã từng tung ra mẫu TV OLED 11 inch ở thị trường Mỹ với giá khoảng 2.500 USD. Mẫu TV OLED 27 inch mà Sony giới thiệu tại CES năm nay có tỷ lệ tương phản 1.000.000:1, màn hình chỉ dày chưa đến 10 mm, được cho là bằng độ dày của 3 chiếc thẻ tín dụng có độ phân giải là 1920 x 1080.
Nhiều người dự đoán TV OLED sẽ đánh bại loại TV LCD và plasma. Tuy nhiên, cho đến nay, giá loại TV OLED vẫn còn quá đắt, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, TV OLED dường như chỉ để trình diễn và ngắm tại các triển lãm.
TV hiển thị không gian 3 chiều (3D) cũng là một công nghệ được nhiều hãng theo đuổi. Năm nay, hãng Hàn Quốc LG đã trình làng một sản phẩm TV 3D và trở thành công ty công nghệ mới nhất đặt chân vào lĩnh vực này. LG cho rằng TV công nghệ 3D sẽ trở thành dòng TV chính trong phòng khách của các hộ gia đình vào năm 2010. Woo Paik, phụ trách công nghệ của LG, cho biết “Chúng tôi dự đoán TV 3D sẽ phổ biến hơn vào năm tới”.
Tuy nhiên, giá cả lại một lần nữa đặt ra đối với TV công nghệ 3D, khi theo ông Paik, một chiếc TV 3D sẽ có giá cao hơn loại TV LCD là 1.000 USD. Các nhà phân tích nghi ngờ liệu người tiêu dùng có sẵn sàng chi ra thêm 1.000 USD nữa để tậu về chiếc TV 3D, ngay cả trong 1-2 năm tới?
Nguồn: Washington Post, AP, Gizmodo, Telegraph