Bao năm qua, con người trung thành với việc sử dụng điều khiển để chuyển kênh, nhưng "cuộc chiến màn hình lớn" tại Las Vegas (Mỹ) báo hiệu công nghệ và cách con người tương tác với TV sẽ hoàn toàn thay đổi thời gian tới.
Vài năm gần đây, các nhà sản xuất cố gắng bán những hệ thống kết nối Internet mà họ gọi là Smart TV, nhưng đa số người tiêu dùng hoặc thờ ơ, hoặc chỉ tìm hiểu qua cho biết. Giới quan sát tin chẳng mấy ai thích việc có Facebook hay Twitter trên một màn hình to đặt cách họ vài mét. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở triển lãm CES 2012 cho thấy viễn cảnh truy cập Internet trên TV đã sáng sủa hơn.
TV được điều khiển bằng chuyển động và giọng nói
Ngay từ trước khi CES 2012 diễn ra, Samsung đã úp mở về một bước đột phá sẽ thay đổi cách con người xem TV. Đó là hệ thống TV LED ES8000 tích hợp công nghệ Smart Interaction, cho phép người sử dụng chuyển kênh thông qua giọng nói, khả năng nhận diện khuôn mặt, cử động của tay và cơ thể để tìm kiếm, phóng to, thu nhỏ nội dung...
LG và Lenovo cũng mang đến các sản phẩm Smart TV được trang bị chức năng nhận diện giọng nói giúp mọi người không còn phải vất vả đi tìm chiếc điều khiển TV đang "thất lạc" ở đâu đó nữa. Dù vậy, công nghệ này chưa thể thông minh như "trợ lý" Siri hiện có trong iPhone 4S của Apple.
Công nghệ màn hình tương lai
TV OLED của Samsung và LG có độ mỏng đáng kinh ngạc, màu sắc rực rỡ và không tốn điện.
OLED từng được tán dương là công nghệ tuyệt vời cho HDTV nhưng rồi dần bị gạt ra rìa vì quá đắt đỏ. Tính đến cuối 2011, màn hình OLED vẫn không thể vươn ra khỏi thế giới thiết bị nhỏ bé. TV OLED 11 inch có giá lên đến 2.500 USD. Tuy nhiên, ba đại diện lớn của ngành công nghiệp TV là Samsung, LG và Sony đang muốn làm nên cuộc cách mạng mới năm nay. LG mở màn bằng TV 55 inch mỏng 5 mm. Vài giờ sau đó, đến lượt Samsung công bố một hệ thống với kích cỡ tương tự nhưng mỏng 4 mm. Tiếp theo, Sony trình làng TV theo công nghệ Crystal LED.
Sony Crystal LED TV.
Crystal LED và OLED có nguyên lý hoạt động giống nhau, nhưng OLED sử dụng đèn đi-ốt phát quang hữu cơ trong khi Crystal LED dùng 6 triệu đèn LED vô cơ (gồm 2 triệu đèn màu đỏ, 2 triệu màu xanh dương và 2 triệu màu xanh lục). Theo Sony, công nghệ mới mang đến độ tương phản tốt hơn 3,5 lần, dải màu rộng hơn 1,4 lần và thời gian phản ứng nhanh hơn 10 lần so với tấm nền LCD.
Cả ba model đều có màn hình sáng, trong trẻo, sắc nét với độ mỏng đáng nể. Tuy nhiên, hệ thống của Sony mới ở dạng mẫu prototype trong khi Samsung và LG sẽ bán sản phẩm vào nửa sau 2012 (giá chưa được công bố).
Nỗi ám ảnh mang tên Apple
Apple không tham gia CES nhưng thường được nhắc đến mỗi khi một tablet hay smartphone mới ra đời. Còn năm nay, cái tên Apple hiện diện cả ở trong các gian hàng TV. Trong cuốn tiểu sử Steve Jobs của tác giả Walter Isaacson, nhà đồng sáng lập Apple khẳng định "đã tìm ra cách giải quyết vấn đề của TV để tạo nên một hệ thống đơn giản và thanh thoát nhất". Điều này làm rộ tin đồn rằng TV với logo "quả táo khuyết" sẽ xuất hiện trong vài tháng nữa.
Năm 2007, Apple tiến vào lãnh địa smartphone bằng iPhone, làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của mọi người về kiểu dáng điện thoại, màn hình cảm ứng và kho phần mềm trực tuyến. Năm 2010, Apple bước chân vào thị trường tablet và biến dòng thiết bị đã tồn tại một thời gian dài nhưng chẳng được mấy ai chú ý thành sản phẩm tiêu biểu nhất năm. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu Apple gia nhập thị trường TV với một ý tưởng đột phá nào đó, khiến mọi cố gắng hiện tại của Samsung, LG, Sony... trở nên lỗi thời và các nhà sản xuất lại phải hụt hơi đuổi theo những sáng tạo mới?
Apple TV vẫn còn là ẩn số.
Đương nhiên, Apple không phải là "thánh" và lịch sử phát triển hơn 30 năm của họ cũng cho thấy hãng này không ít lần thất bại. Nhưng thành công lớn trên mọi mặt trận từ smartphone, tablet, laptop cho đến ứng dụng di động... những năm gần đây của Apple khiến các đối thủ không thể "chủ quan khinh địch". Theo những tin đồn mới nhất, Apple TV sẽ có kiểu dáng giống iMac, màn hình 37 inch, tích hợp công nghệ tương tác giọng nói Siri.