Cứ sau 6 tháng, trang web Top500.org lại công bố danh sách 500 siêu máy tính nhanh nhất thế giới, và lần thứ tư liên tiếp siêu máy tính Tianhe-2 của Trung Quốc lại dẫn đầu danh sách này.
Chiếc máy Tianhe-2 đang được đặt tại Đại học Quốc gia về Công nghệ Quốc phòng (NUDT) của Trung Quốc có hiệu suất lên tới 33,86 petaflop/s (theo tiêu chuẩn của bảng xếp hạng). Đó là mức gần gấp đôi so với chiếc máy tính xếp thứ hai – siêu máy tính Cray có tên Titan của Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge, Hoa Kỳ.
Chi phí tạo ra chiếc máy này lên đến gần 390 triệu USD, và nó có chứa hàng nghìn con chip Xeon E5-2692v2 12C 2.2GHz của Intel. Nó đang dùng phiên bản hệ điều hành Linux được phát triển bởi chính NUDT.
Những chiếc máy tính còn lại trong top 10 của bản danh sách vẫn là những siêu máy tính dẫn đầu bản danh sách năm ngoái, trừ một ngoại lệ – một siêu máy tính Cray được lắp đặt tại một "khu vực bí mật của chính phủ Hoa Kỳ". Thật thú vị khi đây là lần thứ hai liên tiếp một chiếc máy tính mới xuất hiện trong top 10 của bản danh sách lại là một siêu máy tính Cray được lắp đặt tại một khu vực bí mật của chính phủ Hoa Kỳ.
Các siêu máy tính Cray đã cho thấy một bước nhảy ngoạn mục trong bản danh sách top 500 lần này. Có tổng cộng 62 siêu máy tính loại này trong bản danh sách, hơn 11 máy so với hồi tháng Sáu. HP có nhiều siêu máy tính nhất trong bảng xếp hạng, với con số 179 máy. IBM đứng sau với 153 máy. Tuy nhiên, cả HP và IBM đều có số lượng máy nằm trong bảng xếp hạng giảm so với năm ngoái.
Mặt khác, khi xét tới bộ vi xử lý, Intel mới là kẻ thống trị: 85,8% siêu máy tính trong danh sách sử dụng chip của Intel và 25 máy sử dụng chip Xeon Phi co-processors, bao gồm cả Tianhe-2.