Theo báo cáo của trang tin AFR, Văn phòng Trung ương Trung Quốc mới đây đã ban hành sắc lệnh yêu cầu chính phủ Trung Quốc và các cơ quan trực thuộc thay thế toàn bộ hệ thống máy tính (bao gồm cả máy tính cá nhân) đang chạy trên phần mềm cũng như hệ điều hành không phải do quốc gia này phát triển trong vòng 3 năm tới.
Không khó để nhận thấy Windows sẽ là cái tên thuộc diện “thanh trừng hàng loạt” sau khi sắc lệnh này được thực thi bởi đây gần như là hệ điều hành được sử dụng phổ biến nhất trên các hệ thống máy tính công ở đa số các quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì Trung Quốc. Ngoài ra, quyết định này cũng được cho là đòn đáp trả “có sức nặng” nhắm vào Hoa Kỳ sau khi chính quyền của tổng thống Donald Trump đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt mạnh tay đối với tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc Huawei, trong đó có quy định cấm doanh nghiệp Mỹ hợp tác cũng như sử dụng công nghệ, hạ tầng mạng viễn thông của Huawei, gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Chính phủ Trung Quốc được yêu cầu thay thế 30% thiết bị đang chạy hệ điều hành “ngoại” trong năm 2020, 50% vào năm 2021 và 20% còn lại sẽ được “giải quyết dứt điểm” trong năm 2022. Theo tính toán của công ty phân tích dữ liệu China Securities, ước tính sẽ có khoảng 20 đến 30 triệu thiết bị phần cứng của chính phủ Trung Quốc cần được thay thế để đảm bảo quy chuẩn bảo mật đã được quy định trong hướng dẫn của Luật An ninh Mạng được quốc gia này ban hành năm 2017.
Việc thay thế cũng như chuyển đổi toàn bộ hệ thống PC Windows hiện tại sang các hệ điều hành “nội địa” như Kylin OS chắc chắn sẽ không dễ dàng, nhưng giới chức Trung Quốc có lý do để làm vậy, một trong số đó là các vấn đề về bảo mật.
Trung Quốc trước đây đã từng coi Linux là một sự lựa chọn, và để cứu vãn hình hình, Microsoft vào năm 2017 thậm chí còn cung cấp một phiên bản Windows 10 dành riêng cho chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên như vậy là chưa đủ. “Các lệnh trừng phạt liên tiếp của Mỹ nhắm vào Huawei trong hơn 1 năm trở lại đây đã khiến tình hình trở nên không thể cứu vãn”, chuyên gia phân tích Paul Triolo đến từ công ty tư vấn Eurasia Group nhận định.
Các doanh nghiệp tư nhân - đối tượng mang lại khoản doanh thu khổng lồ cho Microsoft tại thị trường đông dân nhất thế giới - sẽ không chịu ảnh hưởng bởi sắc lệnh trên. Tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Sự ăn miếng trả miếng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong thế giới công nghệ, đồng thời làm giảm đáng kể nền quy mô phát triển đã giúp bình ổn giá bán của các thiết bị công nghệ trong gần 2 thập kỷ qua.