Lensa - ứng dụng AI có thể biến các bức ảnh chân dung của người dùng thành tranh vẽ, đang gây sốt trên thế giới trong thời gian gần đây. Thực tế ứng dụng này đã ra mắt từ năm 2018 được xây dựng bởi Prisma Labs - một nhà phát triển AI có trụ sở tại California, nhưng chỉ thực sự phổ biến gần đây với bản cập nhật mới sử dụng AI để tạo hình đại diện nghệ thuật.
Nhiều người dùng đã chi tiền để sử dụng ứng dụng Lensa tạo ảnh đại diện. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người dùng cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng Lensa bởi việc gửi ảnh cho AI có nguy cơ lộ dữ liệu sinh trắc học hoặc tạo ra hình ảnh phản cảm.
Lộ dữ liệu sinh trắc học
David Leslie, nhà nghiên cứu về các vấn đề đạo đức xung quanh công nghệ mới tại Viện Alan Turing cho biết, người dùng thường không đọc và đồng ý luôn với các chính sách quyền riêng tư, cũng như điều khoản sử dụng của ứng dụng mà không để ý tới việc dữ liệu sinh trắc học của mình đang được sử dụng các mục đích nào.
Andrey Usoltsev, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Prisma Labs cho biết, Lensa hoạt động dựa trên mô hình Stable Diffusion và nhận dạng khuôn mặt trên từng hình ảnh được tải lên, ngay khi hình đại diện được tạo ra ảnh của người dùng sẽ bị xóa khỏi máy chủ.
Tuy nhiên, các hình ảnh do ứng dụng tạo ra thì không bị xóa bỏ. Và nếu trong trường hợp công ty này bị mua lại trong tương lai thì dữ liệu cá nhân của người dùng vẫn có thể bị “khai thác”.
Nguy cơ tạo ra hình ảnh phản cảm
Điều khoản sử dụng của Lensa yêu cầu người dùng không gửi lên hình ảnh trẻ em hoặc ảnh khỏa thân, nhưng kết quả ứng dụng không chỉ tạo ảnh khỏa thân mà còn gán cho người dùng các đặc điểm gợi dục theo phong cách hoạt hình như bộ ngực khổng lồ hoặc các tư thế nhạy cảm.
Một số người dùng cho biết, dù chỉ tải lên các bức ảnh chụp cận cảnh khuôn mặt nhưng họ lại nhận được ảnh hoàn toàn khỏa thân hoặc hình ảnh phân biệt chủng tộc, giới tính.
Vì vậy, các chuyên gia lưu ý, người dùng nên cân nhắc kỹ trước khi chi tiền để ảnh đại diện như tranh vẽ và nên xóa ứng dụng sau khi sử dụng.