Mức độ nguy hiểm của các loại malware có khả năng đánh cắp dữ liệu vẫn chưa được đánh giá đúng trong khi đây là nguy cơ mà các tổ chức, thậm chí cả cá nhân đang phải đối mặt.
Sau khi website Wikileaks tung lên mạng nhiều tài liệu mật bị rò rỉ của Chính phủ Mỹ hồi cuối năm 2010, ngành an ninh thông tin buộc phải chú ý nhiều hơn đến nguy cơ các malware có khả năng xâm nhập hệ thống và đánh cắp dữ liệu.
Ông chủ trang web Wikileaks, người đã công bố các tài liệu mật của Chính phủ Mỹ.
Stefan Tanase, nhà nghiên cứu cấp cao về bảo mật thuộc Kaspersky Lab và đã có những nghiên cứu rất kỹ về malware cho biết, các malware đánh cắp dữ liệu bao gồm các dòng như trojan can thiệp hoạt động giao dịch ngân hàng, trojan đánh cắp mật mã và trojan gián điệp. Theo thống kê của Kaspersky Lab, các trojan này đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Trong năm 2010, chúng tăng 87%, riêng các phần mềm gián điệp tăng 135%.
Thử hình dùng nếu một sự cố tương tự Wikileaks xảy ra khiến thông tin cá nhân của rất nhiều người bị tung lên mạng một cách công khai, chắc chắn một cuộc khủng hoảng về an ninh thông tin lớn sẽ xảy ra. Mối nguy này đang đe dọa không chỉ từng cá nhân mà tất cả các tổ chức trên toàn cầu.
Để góp phần ngăn chặn nguy cơ này, dự kiến vào ngày 5/4/2011, trong khuôn khổ sự kiện Security World 2011 diễn ra tại Hà Nội (trong hai ngày 5 - 6/4/2011), Stefan Tanase sẽ có bài trình bày về các khía cạnh của nguy cơ rò rỉ thông tin trước sự tấn công của malware, và đưa ra một cái nhìn toàn diện về các mối đe dọa trực tuyến.