TikTok đã trải qua rất nhiều thăng trầm ở Hoa Kỳ. Cuộc tranh cãi xung quanh ứng dụng thuộc sở hữu của ByteDance này bắt đầu trong nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump, với việc các chính trị gia cáo buộc nền tảng này có mối quan hệ đáng ngờ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, thậm chí có khả năng hoạt động như một công cụ gián điệp cho Trung Quốc. Sau nhiều đợt trừng phạt của chính quyền tổng thống Trump và Biden, có vẻ như TikTok sẽ phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance để có thể tiếp tục hoạt động tại Mỹ.
Với việc dự luật cấm TikTok được Hạ viện, Thượng viện và Tổng thống Biden thông qua, ứng dụng chia sẻ video phổ biến này hiện có nguy cơ bị cấm ở Mỹ. TikTok hiện có 270 ngày để cắt đứt quan hệ với ByteDance hoặc đối mặt với lệnh cấm, nhưng ứng dụng này không muốn lùi bước.
Theo Reuters đưa tin, Giám đốc điều hành của TikTok cho biết hôm thứ Tư vừa qua rằng công ty sẽ bắt đầu một cuộc chiến pháp lý chống lại dự luật để duy trì hoạt động của nền tảng này cho cơ sở người dùng khổng lồ, với hơn 170 triệu người Mỹ. "Hãy yên tâm - chúng tôi sẽ không đi đâu cả", CEO Shou Zi Chew trấn an người dùng. TikTok cũng gọi luật cấm là trái hiến pháp (theo BBC), nói thêm rằng “Sự thật và Hiến pháp đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi hy vọng sẽ thắng một lần nữa”.
TikTok hy vọng đảo ngược lệnh cấm ở Mỹ
Thời hạn chót để TikTok thực hiện phán quyết là ngày 19/1 năm sau, một ngày trước khi nhiệm kỳ của ông Biden kết thúc. Tuy nhiên, thời gian có thể được gia hạn nếu chính quyền Mỹ nhận thấy thiện chí của ByteDance trong việc bán ứng dụng. Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết những người trong chính quyền Biden “không muốn thấy lệnh cấm”, nhưng việc quyền sở hữu TikTok nằm trong tay Trung Quốc khiến họ thấy quan ngại.
Việc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok là một quá trình phức tạp. Người mua phải có đủ vốn để mua ứng dụng, đồng thời cả nhà lập pháp Hoa Kỳ và Trung Quốc đều phải phê duyệt thỏa thuận. Với cơ sở người dùng đáng kinh ngạc của TikTok tại Hoa Kỳ, bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể trị giá hàng tỷ đô la. Mặc dù vậy, các công ty công nghệ lớn vẫn chưa thể hiện nhiều sự quan tâm đến việc mua lại TikTok.
TikTok vẫn hy vọng có thể dựa vào Tu chính án luật thứ nhất và những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận để đảo ngược lệnh cấm. Trở lại vào tháng 11, một thẩm phán ở Montana đã chặn lệnh cấm của TikTok ở bang này vì những lý do tương tự. Dự luật cấm TikTok ở Mỹ cũng có nhiều người phản đối khác, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Laphonza Butler từ California, ông đã khuyên chính quyền Biden nên xem xét tới hoàn cảnh của 8.000 nhân viên TikTok tại nước này.
Do nhiều công ty công nghệ Mỹ hiện đang hoạt động ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có nhiều lựa chọn nếu muốn tìm cách trả đũa. Tuần trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho Apple xóa WhatsApp và Threads khỏi cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Đây có thể là tiền đề cho việc nhiều ứng dụng của Hoa Kỳ sẽ chịu chung số phận như TikTok ở Trung Quốc, nếu ứng dụng này bị cấm ở Hoa Kỳ.