Trong những bổng lộc mà Google cung cấp cho nhân viên, có một thứ mà hầu hết họ chưa từng nghe nói đến: bốn phân xưởng cơ khí được trang bị nhiều máy móc thiết bị hiện đại và đắt tiền, như máy hiện sóng, máy cắt plasma…
Đây là nơi các nhân viên của Google tạm rời xa màn hình máy tính và ghế văn phòng để hàn, khoan và cưa trên những máy móc ưa thích, từ đó giúp khơi dậy sự sáng tạo của họ.
Kỹ sư phần mềm Ihab Awad trở thành thợ hàn trong một phân xưởng tại trụ sở công ty Google.
Những phân xưởng cơ khí bí mật của Google – được biết đến ban đầu như là "Pi" Shop – nằm tại một khu vực biệt lập bên trong trụ sở chính của công ty Google ở thành phố Mountain View. Đây không phải là khu vực mà ai cũng có thể vào được. Cho đến nay, chỉ mới có khoảng 300 trong 26.300 nhân viên của Google đặt chân vào nơi này. Hầu hết họ là kỹ sư, nhưng cũng có một số người làm việc ở bộ phận kinh doanh quảng cáo.
Thư giãn với máy móc
Một số nhân viên dùng phân xưởng để chế tạo dụng cụ nhằm phục vụ một mục đích kinh doanh rõ ràng của công ty. Chẳng hạn như trong những dự án được phát triển tại đó có một chiếc xe ba bánh – gọi là StreetView Trike – được thiết kế để chở thiết bị chụp ảnh công nghệ cao dùng cho dịch vụ bản đồ trực tuyến của Google. Xe ba bánh này được dùng để chụp ảnh những con đường và khu vực mà xe hơi không thể tiếp cận được. Các kỹ sư còn dùng phân xưởng để phát triển những nguyên mẫu đầu tiên của chiếc điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android hoặc những sản phẩm khác mà Google không chịu tiết lộ thông tin.
Dù vậy, hầu hết nhân viên của Google dùng phân xưởng vào những mục đích cá nhân hoặc những công việc mang tính thư giãn, giải trí, như chế tạo đồ trang trí tinh vi cho các dịp lễ hội hoặc đóng những chiếc tủ để sử dụng ở nhà.
Sức sống mới
Chiếc xe ba bánh StreetView Trike này được kỹ sư cơ khí Danien Ratner chế tạo tại phân xưởng cơ khí của Google.
"Phân xưởng cơ khí Google" nói trên là sáng kiến của Larry Page, người đã cùng với Sergey Brin lập ra Google trong một ga-ra. Page quyết định lập các phân xưởng nói trên vào năm 2007 trong nỗ lực tái kết nối với cội nguồn của công ty. Thông tin về những phân xưởng này được giữ kín trong vài năm qua. Mãi đến sau khi Page trở thành giám đốc điều hành Google, ông mới cho phép phóng viên hãng tin AP tham quan những nơi này.
Các phân xưởng cơ khí có thể phần nào cho thấy những cách thức mà Page muốn thực hiện để tiếp thêm sinh lực và sức sáng tạo cho công ty 13 năm tuổi của mình. Page tin rằng Google cần phải trở về sự tư duy và hành động như là một công ty mới thành lập trong bối cảnh sự cạnh tranh từ những ngôi sao Internet trẻ hơn, như Facebook, Twitter và Groupon, đang không ngừng gia tăng. Ông Greg Butterfield, người phụ trách các phân xưởng, nhận định: "Có một cảm giác là ở Google tất cả những điều tốt đẹp đều khởi đầu trong một ga-ra. Page muốn tái tạo loại môi trường mà ông và Brin đã trải qua vào thời điểm họ sáng lập Google – một kiểu sân chơi để theo đuổi những ý tưởng của mình".
Toàn bộ nhân viên của Google được sử dụng miễn phí máy móc trong các phân xưởng. Tuy nhiên, việc vào được những nơi này không phải là chuyện dễ. Trước hết, các nhân viên phải có bằng cấp về việc sử dụng máy móc và vượt qua các bài kiểm tra liên quan, gồm những câu hỏi đại loại như: "Khi sử dụng cưa dây, bạn sẽ dùng tốc độ nào để cắt nhôm?"... Ông Rodney Broome, người giám sát quá trình kiểm tra nói trên, cho biết chưa có ai bị thương tại các phân xưởng cho đến nay.
Các tiêu chuẩn kiểm tra gắt gao đến nỗi việc có một bằng cao đẳng về ngành cơ khí vẫn không đủ để kỹ sư phần mềm Ihab Awad vào được phân xưởng. Anh buộc phải tham dự một lớp học làm thợ mộc trước khi nhận được sự phê chuẩn của ông Broome. Ngoài ra, Awad còn được Broome cho phép dùng máy hàn. Thành tựu lớn nhất cho đến giờ của Awad là một quầy bar có hình tên lửa được trang bị một thùng bia để có thể rót uống sau những ngày làm việc mệt nhọc tại văn phòng. Anh cho biết: "Các phân xưởng chính là bổng lộc ưa thích nhất của tôi ở Google. Chúng là lý do chính khiến tôi sẽ làm việc suốt đời cho công ty này".