Mặc dù 2008 là năm nền kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế song lĩnh vực viễn thông của Việt Nam vẫn phát triển mạnh với nhiều sự kiện rất đáng chú ý: VNPT áp dụng chính sách một giá cho cuộc gọi nội mạng; Mạng điện thoại cố định phát triển mạnh khiến cơ quan quản lý nhà nước phải tăng thêm đầu số cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ…
Những bước ngoặt phát triển của di động
Ngay từ đầu năm 2008, thế cân bằng mạng di động 3 công nghệ GSM, 3 CDMA đã bị phá vỡ khi HT Mobile xin chuyển đổi sang công nghệ GSM.
Sau chưa đầy một năm tham gia thị trường, mạng di động công nghệ CDMA HT Mobile đã hoạt động không thành công và phải tìm hướng phát triển mới. Doanh nghiệp chủ quản dịch vụ là Hanoi Telecom đã đề nghị được chuyển đổi sang công nghệ GSM và đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cho phép HT Mobile chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang eGSM vào tháng 1/2008. Và ngày 22/4/2008, mạng di động này đã bắt đầu “gửi” thuê bao của mình sang mạng CDMA khác có cùng băng tần cung cấp đó là SFone để bắt đầu xây dựng mạng eGSM.
Năm 2008 VNPT đã thực sự gây ấn tượng lớn với khách hàng bởi chính sách cước viễn thông một giá. Ảnh: Thủy Nguyên |
Trong khi hai doanh nghiệp “em út” của lĩnh vực thông tin di động Việt Nam còn đang phải lo xây dựng hạ tầng triển khai mạng di động của mình, thì 2008 là năm các mạng di động Việt khác đã khẳng định được vị thế và thương hiệu của mình trên thị trường vẫn cùng theo đuổi cuộc đua giành thị phần.
Nếu như số lượng thuê bao di động mới mà các nhà mạng có trong năm 2007 đã được cho là một sự phát triển vượt bậc thì lượng thuê bao của năm 2008 còn ấn tượng hơn rất nhiều. Cho tới thời điểm này, thị trường thông tin di động của Việt Nam đã có khoảng 70 triệu thuê bao di động. Và rất có thể nó còn tăng hơn thế chỉ trong vòng một tháng cuối năm 2008 này khi mà ba “đại gia” di động của Việt Nam là VinaPhone, MobiFone và Viettel đều tăng trưởng rất nóng với số lượng thuê bao mỗi ngày phát triển được lên tới hàng trăm ngàn thuê bao.
Cố định thêm đầu số để phát triển
Mặc dù thị trường thông tin di động phát triển nóng là vậy song không phải vì thế mà dịch vụ điện thoại cố định bị lép vế. Thời điểm này, có thể khẳng định nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại cố định của người dân Việt Nam vẫn rất lớn.
Bằng chứng là trong năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra quyết định đổi số điện thoại cố định cho tất cả các doanh nghiệp hiện đang cung cấp dịch vụ điện thoại cố định nhằm tăng dung lượng kho số, đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Hiện Việt Nam đã có 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định. Mỗi doanh nghiệp được Bộ cấp cho một đầu số cố định riêng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT thêm số 3, Viettel thêm số 6, EVN Telecom thêm số 2, Saigon Postel thêm số 5, VTC thêm số 4 và FPT thêm số 7 vào trước số thuê bao điện thoại cố định hiện hành.
Và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã là doanh nghiệp đi đầu thực hiện thành công việc thêm đầu số cho các thuê bao cố định của mình vào ngày 5/10/2008. Tiếp sau đó là 5 doanh nghiệp còn lại cũng đã hoàn thành việc đổi số.
Các chương trình khuyến mại, giảm giá liên tục được triển khai
2008 cũng đã là năm cuộc đua giảm giá, khuyến mại dịch vụ được các doanh nghiệp viễn thông tung ra khá dồn dập và rất hấp dẫn người dùng.
Trong cuộc đua giành thị phần thông qua khuyến mại, giảm giá cước không thể không kể tới các mạng di động. Các hình thức khuyến mại thôi thì đủ cảnhư tặng 100% tiền khi nạp thẻ card, kết hợp với các nhà cung cấp máy đầu cuối khuyến mại bán sim kèm dế giá rẻ gần như miễn phí cho các thuê bao hoà mạng mới...
Song có lẽ ấn tượng nhất vẫn là sự kiện từ ngày 1/11/2008, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT áp dụng chính sách “một giá” cho cuộc gọi nội mạng.
Việc VNPT áp dụng cước liên tỉnh toàn quốc giữa thuê bao cố định VNPT (gồm cả các thuê bao Cityphone, CDMA nội tỉnh, Gphone) đến thuê bao cố định VNPT; liên lạc giữa thuê bao cố định VNPT đến thuê bao di động VinaPhone (không phân biệt trả trước hay trả sau); cuộc gọi giữa các thuê bao di động trả sau VinaPhone đến các thuê bao cố định VNPT; liên lạc di động nội mạng của VinaPhone, MobiFone với mức 1.000 đồng/phút đã tác động mạnh đến thị trường viễn thông Việt Nam.
Đã có khoảng 50 triệu khách hàng được hưởng lợi ích từ việc áp dụng chính sách cước một giá này của VNPT.