Máy tính bảng (Tablet) là thị trường giàu có nhưng mới bắt đầu khởi động, với chưa đầy 5% người dùng sở hữu nó. Tương lai tươi sáng nhưng cạnh tranh đầy khói lửa.
Trong tất cả các thiết bị không dây mới xuất hiện trong vài năm gần đây, máy tính bảng là sản phẩm chứa nhiều tiềm năng thương mại nhất nếu bạn tính đến những hoạt động có thể thực hiện trên một thiết bị không dây.
Cũng một người dùng, máy tính bảng cho phép tiếp cận và sử dụng các hình thức giải trí, thông tin liên lạc, và công việc đa dạng hơn nhiều so với các phương tiện khác. Nhưng cho tới nay, mặt hàng mới này vẫn đang ở dạng tiềm năng chưa được khai thác triệt để.
Mặc dù có một cơn bão các quảng cáo, tranh luận, đồn thổi, bàn cãi về các sản phẩm iPad, Android, TouchPad, nhưng xét cho cùng số người dùng máy tính bảng vẫn còn rất hạn chế, với thị trường Mỹ chưa đến 5% người dùng. Thị trường của các nước phát triển khác cũng không hơn thế, như Anh có chưa đến 1,7% người dùng. Nhìn kỹ lại ta có thể đồng ý là thị trường còn rất nhiều tiềm năng mở rộng, về cả thiết kế mẫu mã hay công nghệ, không giống như thị trường máy tính bàn hoặc laptop.
Tuy đang có một thị trường rộng lớn như vậy nhưng tốc độ tăng trưởng doanh số của một số mẫu máy tính bảng mới ra mắt trong thời gian gần đây lại chưa được như kỳ vọng của nhà sản xuất. Motorola chỉ bán được khoảng 250.000 chiếc Xoom sau 2 tháng ra mắt còn BlackBerry PlayBook của RIM có “khá khẩm” hơn một chút với khoảng 250.000 sản phẩm sau gần 1 tháng xuất hiện trên thị trường.
Những kết quả kinh doanh này kém xa so với Apple iPad. Chỉ trong vòng 2 ngày đầu tiên ra mắt, Apple đã bán được 1,5 triệu chiếc iPad 2 và hiện họ vẫn đang chiếm tới hơn 70% thị phần máy tính bảng toàn cầu.
Sự thống trị của Apple và tiềm năng khổng lồ của thị trường máy tính bảng cũng khiến Microsoft và Nokia rất nóng ruột. Trong những nỗ lực nhằm gia nhập thị trường, cả hai tập đoàn đã thực hiện những chiến lược khá mạo hiểm.
Nokia ký một hợp đồng lớn với Microsoft để sử dụng hệ Windows Phone 7 trên các sản phẩm máy tính bảng của hãng. Trong gói thỏa thuận có những điều khoản giúp Nokia đưa ra các sản phẩm với giá cả phải chăng hơn để tăng tính cạnh tranh so với mức giá ngất ngưởng của iPad.
Bên cạnh gói thỏa thuận với Nokia, Microsoft cũng vung tay mua luôn Skype với giá cao đầy ngạc nhiên: 8,5 tỉ USD, cao hơn nhiều mức giá ước tính của người ngoài cuộc. Các máy tính bảng sử dụng Skype xem ra đang nằm trong kế hoạch của họ.
Nói là mạo hiểm, nhưng liệu các chiến lược đó có giúp Microsoft và Nokia chiến thắng trong thị trường tablet giàu có hay không, chỉ có tương lai mới trả lời được. Và các đối thủ sẽ còn tiếp tục xuất hiện thêm, nhất là khi tương lai gần của máy tính bảng đầy sắc hồng.
RBC Capital dự báo năm 2014 doanh thu từ máy tính bảng có thể tăng đến ngưỡng 70 tỉ USB, so với mức 11 tỉ đô la năm 2010. Người dùng sẽ tăng từ 20 triệu người năm 2010 lên 400 triệu người 2014, từ 1,5% lên 19% người dùng Internet. Quả là những mức tăng trưởng nhảy vọt rất lạc quan nhưng cũng đầy thách thức với các “tay chơi” trên thị trường.