Thị trường PC toàn cầu đã có một năm 2019 tuyệt vời, lần đầu tiên chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ sau gần một thập kỷ bước vào giai đoạn “bão hòa” và chịu sự cạnh tranh lớn từ các sản phẩm công nghệ cầm tay. Xu hướng này tiếp tục được duy trì đến ít nhất quý 3 năm nay. Bất chấp tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 đến mọi khía cạnh của thế giới công nghệ, đặc biệt là vấn đề chuỗi cung ứng, thị trường PC toàn cầu tiếp tục có một quý 3 tuyệt vời, với mức tăng trưởng ấn tượng do sự bùng nổ trong nhu cầu mua sắm thiết bị hỗ trợ làm việc, giải trí tại nhà của người dùng.
Cụ thể, dữ liệu thống kê mới được công bố của công ty phân tích thị trường uy tín Canalys cho thấy thị trường PC toàn cầu trong quý 3 năm 2020 đã tăng trưởng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 79,2 triệu đơn vị sản phẩm bán ra. Đây đồng thời cũng đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất mà thị trường chứng kiến trong suốt hơn một thập kỷ qua.
Sau quý 1 yếu kém, thị trường PC toàn cầu đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 2 và xu hướng này tiếp tục kéo dài đến quý 3 năm nay. Đáng chú ý, các lô hàng máy tính xách tay bán ra trên toàn cầu trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến hết tháng 9 chạm ngưỡng 64 triệu chiếc (gần bằng mức “vô tiền khoáng hậu” 64,6 triệu chiếc của quý 4 năm 2011). Điều này là do nhu cầu tiếp tục tăng mạnh do đợt bùng phát thứ hai của COVID-19 quét qua nhiều quốc gia, khiến các công ty, tổ chức tiếp tục phải duy trì chính sách tối đa hóa nhân sự làm việc từ xa, qua đó kéo theo nhu cầu mua sắm trang thiết bị phục vụ công việc tăng mạnh. Số lượng máy tính xách tay và máy trạm di động bán ra trong quý 3/2020 tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với máy tính để bàn và máy trạm để bàn, chứng kiến mức giảm 26,0%.
Lenovo giành lại vị trí dẫn đầu trên thị trường PC trong quý 3 từ tay HP với mức tăng trưởng 11,4% và lượng sản phẩm xuất xưởng vượt mốc 19 triệu chiếc. HP tuy rớt xuống vị trí thứ hai nhưng cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 11,9% với 18,7 triệu sản phẩm xuất xưởng. Dell, đứng thứ ba, ghi nhận mức sụt giảm nhỏ 0,5% về lượng lô hàng xuất xưởng so với một năm trước. Apple và Acer là hai cái tên còn lại trong top 5 mới mức tăng trưởng xuất sắc, lần lượt là 13,2% và 15,0%.
"Các nhà cung cấp, chuỗi cung ứng và kênh hiện đã có đủ thời gian thời gian cần thiết để tìm kiếm, phân bổ nguồn lực và nối lại chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu lớn từ cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng cá nhân", Ishan Dutt, nhà phân tích của Canalys cho biết.
Nói cách khác, sau thời gian ngắn trì trệ, mảng kinh doanh máy tính cá nhân dường như đã bắt đầu hồi sinh. Có rất nhiều người hiện đang làm việc tại nhà nên ban đầu, chuỗi cung ứng khó có thể đáp ứng được sự gia tăng đột biến từ thị trường. Kết quả là đã có sự sụt giảm cực lớn, lên tới 12,3% trong quý đầu tiên của năm 2020. Tuy nhiên hiện tại, mọi chuyện đã được giải quyết. Có thể nói doanh số tăng trưởng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu làm việc tại nhà cũng như giải trí, học tập trực tuyến đã vượt qua sự mong đợi của đa số các nhà sản xuất, và một lần nữa đưa thị trường PC trở thành trung tâm của danh mục công nghệ tiêu dùng trong quý 3 năm nay
“Chi tiêu cho PC (cũng như đầu tư tổng thể vào công nghệ) sẽ là động lực cốt lõi của sự phục hồi kinh tế sau hậu quả của đại dịch. Với việc diễn biến COVID-19 vẫn đang có chiều hướng phức tạp ở nhiều quốc gia. Chúng ta có thể sẽ tiếp tục chức kiến sự gia tăng mạnh mẽ hơn nữa về số lượng đơn PC bán ra trong những tháng tiếp theo của năm 2020 và thậm chí là trong năm 2021”.