Năm 2009 đã được bắt đầu với những dự báo xấu về thị trường ICT, nhưng trên thực tế, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam vẫn rất khả quan. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ở mức 2 con số, mặc dù tác động của cuộc khủng hoảng đến toàn bộ nền kinh tế vẫn khá nặng nề. Có vẻ như, các doanh nghiệp Việt đã có sự chuẩn bị khá tốt và thích nghi kịp với những biến động của thị trường.
Thị trường ICT 2009: Tăng trưởng trong “bão”
Cuộc khủng hoảng kinh tế khởi phát từ 2008 khiến cho các doanh nghiệp ICT thận trọng với những mục tiêu đặt ra cho 2009. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Gia Long Computer đặt ra chỉ tiêu khiêm tốn - tăng trưởng 10%, nhưng không chỉ phát triển về mặt quy mô, trong năm qua Gia Long còn có mức tăng trưởng cả về doanh số và lợi nhuận với những con số khá ấn tượng…
Theo ông Nguyễn Hữu Long – Tổng Giám đốc Gia Long Computer: “Chúng tôi có tốc độ tăng trưởng đáng kể, cả doanh số và lợi nhuận chúng tôi đều tăng trưởng ở mức độ 30 - 40%. Đây là sự tăng trưởng đáng mừng trong thời kỳ khủng hoảng, vì chúng tôi chỉ hi vọng tăng trưởng ở 10%”.
Siêu thị Điện máy Nguyễn Kim, như thường lệ, vẫn thu hút được một lượng lớn khách hàng mỗi ngày. Tại Digi World, tình hình cũng tương đối khả quan: “Không còn còn tình trạng khách hàng đến xem nhiều hơn mua, hầu hết các mặt hàng được phân phối đều đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra…”, bà Mạc Vy – Giám đốc Tiếp thị Digi World cho biết.
Dự báo mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến thị trường Việt Nam khá trầm trọng, năm 2009 HP cũng chỉ đưa ra những chỉ tiêu khiêm tốn, nhưng những kết quả kinh doanh ở cả dòng máy tính và máy in đã gây bất ngờ với chính người trong cuộc. Ông Nguyễn Bá Quỳnh – Tổng Giám đốc Nhóm in ấn và hình ảnh, HP Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã dự báo về doanh thu một cách khiêm tốn nhất. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy mức độ tăng trưởng của thị trường đã vượt hơn mức độ chúng tôi dự báo”.
Ông Nguyễn Thanh Lâm – TGĐ nhóm máy tính cá nhân, HP Việt Nam tiết lộ: “Kết thúc 2008 là thời điểm kinh tế thế giới khó khăn. Ngay tại Việt Nam chúng tôi dự đoán nếu 2009 mà HP Việt Nam giữ vững được doanh thu, hoạt động như 2008 đã là thành công. Tuy nhiên đến cuối năm chúng tôi vẫn giữ được mức tăng trưởng 12%. Đây là điểm rất là sáng cho HP Việt Nam vì các nước trong khu vực đều phát triển với con số âm”.
Rõ ràng, cả những nhà cung cấp và những nhà phân phối các sản phẩm CNTT tại thị trường Việt Nam đều đã giữ được phong độ trong một năm được đánh giá là rất khó khăn…Không thể phủ nhận, cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn ảnh hưởng khá lớn đến mức độ chi tiêu cho các sản phẩm công nghệ thông tin, nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó lại là cơ hội cho những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực và những tên tuổi thực sự đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng…
Thành công từ chiến lược phù hợp và sự chuyển đổi kịp thời
Ông Trần Kiết Toàn, Trưởng đại diện văn phòng Rieckermann tại TP.HCM nhấn mạnh: “Trong bối cảnh khủng hoảng sẽ phân biệt ra những người có bản lĩnh và những người thiếu bản lĩnh. Những người có bản lĩnh họ sẽ vượt sóng ra được nhưng những người gặp khó khăn nội tại có lẽ cũng đến lúc nào đó sẽ phải chia tay cuộc chơi”.
Cũng như nhiều doanh nghiệp bán lẻ ICT khác, tình hình kinh doanh khá ảm đạm ở nửa cuối 2008 khiến Gia Long Computer phải mạnh dạn thay đổi chính bản thân mình…Sự thay đổi đầu tiên phải kể đến là sự định hướng mô hình bán lẻ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiếp đến là sự đầu tư cho những kênh mua sắm hiện đại bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống…
Theo ông Nguyễn Hữu Long: “Đa dạng về sản phẩm; Chuyên nghiệp trong đội ngũ nhân viên tư vấn, nhân viên kỹ thuật và các dịch vụ hậu mãi sau bán hàng… Đầu tư về mặt mặt bằng, vốn… Chính vì sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng và tương đối chuyên nghiệp nên các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm CNTT ở VN không hề bỡ ngỡ cũng như không hề có những khó khăn lớn khi phát sinh sự cạnh tranh cũng như sự suy thoái nhất định của nền kinh tế”.
Năm 2009 được nhìn nhận với những khó khăn vô cùng lớn với nhiều ngành kinh tế, và thị trường bán lẻ ICT cũng không ngoại lệ… Tuy nhiên, năm 2009 cũng chứng kiến sự phát triển về mặt quy mô chưa từng có với những doanh nghiệp bán lẻ ICT hàng đầu Việt Nam như Nguyễn Kim, Media Mart, Gia Long, Trần Anh và nhiều tên tuổi khác: “Cuộc khủng hoảng không những là thử thách mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp bán lẻ mà là hệ thống doanh nghiệp CNTT. Khi những doanh nghiệp mà có định hướng đúng, có sự chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vốn cũng như là về công nghệ quản lý nó sẽ tách top, thanh lọc những doanh nghiệp không thích nghi kịp”.
Trong khi thị trường toàn cầu sụt giảm, thì các tên tuổi lớn vẫn có sự tăng trưởng tốt tại thị trường Việt Nam… Bên cạnh sự vận động nội tại của các doanh nghiệp, kết quả khả quan của thị trường ICT trong năm vừa qua đã thể hiện vai trò của các chính sách kinh tế vĩ mô…
Theo ông Trần Kiết Toàn, đại diện Riecker Mann: “Năm 2009 là năm khó khăn cho mọi doanh nghiệp chứ không phải một doanh nghiệp riêng rẽ nào. Ngược lại nhờ chính sách khuyến khích của chính phủ, những chương trình kích cầu đã tạo ra cú hích không chỉ cho các doanh nghiệp quốc doanh mà cả những công ty cổ phần”.
Ông Nguyễn Bá Quỳnh thì cho rằng: “Sức mua của thị trường VN khá lớn. Chính phủ có những định hướng cũng như những chính sách thích hợp để đảm bảo sự quay vòng của đồng vốn có trong dân chúng. Các doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện để họ có thể phát triển các mục tiêu kinh doanh của họ một cách kịp thời…Kết quả kinh doanh khả quan mà HP vừa đạt được cũng thể hiện sự phát triển của thị trường bán lẻ và nó cũng liên quan đến các chính sách chính phủ đưa ra cho thị trường”.
2010: Cơ hội hay thách thức?
Thị trường ICT sẽ tiếp tục phát triển… Tăng trưởng sẽ ở mức hai con số và cao hơn 2009… kênh mua sắm hiện đại sẽ ngày càng lấn lướt kênh mua sắm ở những cửa hàng truyền thống là những nhận định chung về thị trường ICT 2010…
Từ nửa cuối 2009, mức độ đầu tư cho các sản phẩm CNTT tăng lên, cùng với những dấu hiệu hồi phục khá rõ nét của nền kinh tế là những lý do các nhà phân phối cũng như các nhà cung cấp đều mạnh dạn đưa ra những đánh giá lạc quan hơn về sự phát triển của thị trường trong năm nay.
Theo ông Trịnh Thanh Lâm: “Năm 2010 rõ ràng có dấu hiệu khởi sắc kinh tế trên toàn cầu trong đó tại Việt Nam rất rõ ràng. Khi có sự phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp cũng như người sử dụng đơn lẻ sẽ quan tâm đến việc trang bị những sản phẩm CNTT cũng như thay thế những sản phẩm đã có. Năm 2010, thị trường ICT là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng rất cao và chắc chắn là tăng trưởng ở 2 con số”.
Thị trường ICT Việt Nam đã chính thức mở cửa với các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài từ 2008, tuy nhiên trên thực tế trong 2 năm qua, các nhà phân phối tại Việt Nam vẫn chưa cảm nhận được sức nóng cạnh tranh từ các đại gia bán lẻ trên toàn cầu…Tuy nhiên, thời điểm hiện tại cũng không còn sớm để các doanh nghiệp trong nước tập dượt, tạo sức đề kháng cho chính mình trong cuộc cạnh tranh sớm muộn cũng sẽ diễn ra…
Năm 2010 được dự báo sẽ là thời điểm các nhà phân phối tầm cỡ thế giới bắt đầu đẩy mạnh xâm nhập thị trường Việt Nam…Việc cạnh tranh trong giai đoạn mới không chỉ về giá, chất lượng dịch vụ mà chuyển sang giai đoạn mới: cạnh tranh bằng công nghệ quản lý, qui mô siêu thị, sự đa dạng sản phẩm, sức nặng trong đàm phán, các hoạt động marketing bài bản và chuyên nghiệp... Bức tranh toàn cảnh về thị trường bán lẻ và phân phối sẽ có nhiều thay đổi đáng kể. Đây là thách thức, nhưng cũng đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam khẳng định và phát huy lợi thế sân nhà.
Thị trường ICT 2010 được dự báo với những tín hiệu khả quan, nhưng "sức nóng" cạnh tranh từ các hoạt động nhượng quyền, mua bán sáp nhập, liên doanh liên kết của doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng bắt đầu rõ nét hơn. Thị trường bán lẻ ICT thời gian tới được dự báo là sẽ tiếp tục sôi động khi người tiêu dùng ngày càng mạnh dạn hơn với việc mở hầu bao cho việc chi tiêu công nghệ, nhưng với các doanh nghiệp bán lẻ thì sân chơi 2010 sẽ chỉ dành cho những doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô.