Nhiều dự án khởi nghiệp (start-up) về công nghệ đang nhận được sự hỗ trợ từ các trung tâm, vườn ươm công nghệ về nơi làm việc, cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư…
Ông Ngô Tuấn Hiển, Giám đốc Dự án Phòng thí nghiệm ứng dụng di động mLab, cho biết hiện đã có khoảng 5 nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực về thiết kế ứng dụng di động đã nhận được sự hỗ trợ của mLab từ những ý tưởng ban đầu.
Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Start cũng đang giúp khoảng 7 nhóm và 10 cá nhân khởi nghiệp. Ông Nguyễn Đức Hải, thành viên sáng lập của Start, cho biết các nhóm và cá nhân này nhận được hỗ trợ về điều kiện làm việc, giúp gặp gỡ các nhà đầu tư….
Bà Lê Nguyệt Trân, Giám đốc tài chính Trung tâm Sáng tạo công nghệ Becamex (Becamex TIC), cho biết từ nay đến cuối năm 2012, trung tâm này sẽ hỗ trợ khoảng 4 công ty khởi nghiệp. Trong năm 2013, Becamex TIC dự kiến hỗ trợ thêm khoảng 10 công ty.
Điều kiện để nhận hỗ trợ
Ông Hiển của mLab cho hay, để được nhận hỗ trợ về đào tạo, hướng dẫn thiết kế ứng dụng di động… sản phẩm từ các ý tưởng phải có khả năng thương mại hóa cao.
Còn theo bà Trân của Becamex TIC, doanh nghiệp khởi nghiệp phải có ý tưởng và đội ngũ nhân sự tốt nếu muốn nhận được hỗ trợ một khoản vốn tối đa khoảng 100.000 đô la Mỹ tùy theo quy mô doanh nghiệp, tư vấn, điều kiện làm việc và nơi ở tại Bình Dương… trong khoảng hai năm. “Sản phẩm, ý tưởng công nghệ phải liên quan đến thương mại điện tử, ứng dụng di động… có khả năng thương mại hóa không chỉ thị trường trong nước mà cả nước ngoài hoặc được một doanh nghiệp lớn mua lại công ty khởi nghiệp sau hai năm”, bà Trân nói.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng giám đốc TIC chia sẻ về phối cảnh Becamex TIC.
Sau khi kết thúc thời gian ươm tạo, nếu sản phẩm thương mại hóa thành công, Becamex TIC sẽ giữ khoảng từ 10-30% cổ phần doanh nghiệp đó.
Để nhận được hỗ trợ từ Start, ông Hải cho biết, các nhóm khởi nghiệp chỉ cần miêu tả ý tưởng của họ đang ở giai đoạn nào, có cần nhận vốn từ các quỹ đầu tư hay không… Sau đó, Start sẽ gặp trực tiếp và phỏng vấn.
Hiện mLab đang kêu gọi các hãng sản xuất thiết bị di động hỗ trợ cung cấp các thiết bị cho mLab dùng để chạy thử những ứng dụng mà các nhóm khởi nghiệp, cá nhân đã sản xuất được. Hiện đã có Nokia và Blackberry tham gia cung cấp các thiết bị này.
“Trong thời gian tới, mLab dự định hợp tác với các doanh nghiệp như Nokia, FPT… để xây dựng một chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế ứng dụng di động”, ông Hiển nói.