Một cuộc điều tra của các nhà nghiên cứu an ninh mạng đối với Telegram đã tiết lộ, dữ liệu cá nhân của hàng triệu người đang được chia sẻ công khai trong các nhóm và kênh trên Telegram với hàng nghìn thành viên.
Nghiên cứu của nhà cung cấp VPN vpnMentor càng khẳng định Telegram như một nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm mạng. vpnMentor phát hiện ra tội phạm mạng đang sử dụng nền tảng truyền thông được mã hóa phổ biến để chia sẻ và thảo luận về các vụ rò rỉ dữ liệu lớn khiến hàng triệu người phải đối mặt với việc bị lừa đảo, hack và tấn công trực tuyến chưa từng có.
Gần đây, một cuộc điều tra tương tự của NortonLifeLock đã tìm thấy bằng chứng về một thị trường bất hợp pháp đang phát triển mạnh trên Telegram, nơi người dùng có thể mua mọi thứ, từ vaccine Covid-19, thông tin cá nhân đến phần mềm lậu và ID giả.
Các nhà nghiên cứu của vpnMentor đã trình bày chi tiết những phát hiện của họ trong một báo cáo và cho thấy xu hướng tội phạm mạng chia sẻ dữ liệu bị rò rỉ trên Telegram ngày càng tăng.
Nhóm nghiên cứu của vnpMentor tham gia và “nằm vùng” một số nhóm mà tội phạm lập ra để trải nghiệm sự trao đổi bất hợp pháp với kẻ xấu.
Từ đó, họ ngạc nhiên khi phát hiện ra hacker công khai đăng tải dữ liệu lên các nhóm, một số có hơn 10.000 thành viên. Đáng lo ngại hơn, các thành viên này không ngần ngại thảo luận về cách khai thác các kho dữ liệu trong các tổ chức tội phạm khác nhau.
Theo vpnMentor, mặc dù theo truyền thống, những kho dữ liệu này sẽ được trao đổi qua dark web (web đen), Telegram cung cấp một số lợi thế, bao gồm cả việc tập trung vào việc bảo vệ quyền riêng tư của các thành viên.
Hơn nữa, Telegram cung cấp rào cản xâm nhập thấp hơn so với các web đen và miễn nhiễm với các cuộc tấn công Distributed Denial of Service (DDoS).
Mặc dù báo cáo thừa nhận "các bước hạn chế" mà Telegram đã thực hiện để loại bỏ các nhóm liên quan đến hack, nhưng nó không tạo ra hiệu quả lớn.