Tập đoàn Panasonic đang nghiên cứu kế hoạch cắt giảm một nửa trong số 7.000 nhân viên tại trụ sở chính ngay trong tài khóa 2012 trong một nỗ lực tái cơ cấu nhân sự toàn diện nhằm khôi phục thành tích kinh doanh sản xuất sau một thời gian thua lỗ.
Sau những nỗ lực tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sản xuất tại các bộ phận sản xuất tivi, chất bán dẫn và bán một số đơn vị của Sanyo cho đối tác Trung Quốc, Panasonic bắt đầu bắt tay vào việc tinh giản bộ máy nhân viên tại trụ sở chính trong các lĩnh vực như vận chuyển hàng, kiểm tra chất lượng hàng hóa, hệ thống thông tin, nghiên cứu và kỹ thuật sản xuất.
Sớm nhất là trong tháng Bảy tới đây, Panasonic sẽ tổ chức đại hội giữa giới chủ và công nhân viên để thảo luận về việc tự nguyện nghỉ sớm hay thuyên chuyển công tác của nhân viên về một số công ty con.
Sau đó, Panasonic sẽ chính thức cho phép nhân viên nộp đơn xin nghỉ việc sớm và dự kiến con số này sẽ lên đến hàng trăm người cho đến hết tài khóa 2012 (kết thúc vào tháng 3/2013). Ngoài ra, Panasonic cũng sẽ tách các bộ phận nghiên cứu phát triển và công nghệ sản xuất thành các công ty riêng và điều chuyển một lượng nhân viên về các công ty mới này, đồng thời chuyển số nhân viên làm việc trong bộ phận vận chuyển hàng về các bộ phận có liên quan.
Kế hoạch trên là việc làm đầu tiên trong công cuộc cải cách kinh doanh mà chủ tịch sắp tới của Panasonic là Kazuhiro Tsuga sẽ tiến hành ngay lập tức khi ông này lên nắm quyền điều hành vào cuối tháng Sáu tới nhằm đạt được mục tiêu trước mắt là giải quyết số thua lỗ khoảng 50 tỷ yen (tương đương 625 triệu USD) vào tháng 3/2013.
Tính đến tháng Ba năm nay, Panasonic đã thua lỗ 772,1 tỷ yen (khoảng 9,6 tỷ USD), con số kỷ lục từ trước tới nay. Do vậy, Panasonic đã buộc phải bắt giảm số nhân viên làm việc trong các lĩnh vực tivi và chất bán dẫn, bán một số đơn vị sản xuất của Sanyo cho đối tác Haier của Trung Quốc. Hiện nay, tổng số nhân viên của tập đoàn là 330.000 người, giảm khoảng 30.000 người so với thời điểm cùng kỳ năm 2011.
Tuy nhiên, bộ máy nhân sự tại trụ sở chính của Panasonic dưới thời hai Chủ tịch cũ là Kunio Nakamura và Fumio Otsubo lại chưa bao giờ bị nằm trong diện tái cơ cấu nên các cuộc cải cách của đại gia điện tử Nhật Bản này không mang lại nhiều kết quả tích cực.
Trong nhiều năm trước đó, Panasonic luôn là một thế lực trên thị trường điện tử thế giới song hãng này bắt đầu thua lỗ kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2001. Do đó, Panasonic đã tăng cường sức mạnh cho trụ sở chính với việc giao quyền điều hành chung đối với các bộ phận sản xuất. Điều này cũng đã làm cho số lượng nhân viên tại trụ sở chính của Panasonic tăng vọt trong những năm qua.
Hiện nay, các hãng điện tử Nhật Bản đang phải chịu một sức cạnh tranh khủng khiếp đến từ các đối thủ Hàn Quốc.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ ra quyết sách sẽ quyết định thành tích kinh doanh của từng doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay. Do đó, với việc có một bộ máy cơ cấu quá lớn nên có thể thấy rõ Panasonic đã gặp nhiều bất lợi trong cuộc đua này do mất quá nhiều thời gian để tạo ra sự điều chỉnh và liên kết giữa trụ sở chính và các đơn vị thành viên.