Các hãng sản xuất laptop đều hứa hẹn rằng, sản phẩm của mình có thời lượng pin sử dụng từ 15 đến 24 tiếng nhưng thực thế chỉ kéo dài được tối đa 10 tiếng thôi. Tất nhiên các nhà sản xuất không nói dối mà chỉ là họ đã đánh giá thời lượng pin trên sản phẩm của mình bằng một bài benchmark phi thực tế nhất và chọn ra những kết quả cao nhất có thể.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy các nhà sản xuất không hề hứa hẹn rằng thời lượng pin 16 tiếng mà họ chỉ nói rằng thời lượng pin “lên đến 16 tiếng”. Tức là thời lượng pin của laptop có thể đạt mức 16 tiếng trong điều kiện lý tưởng chứ không phải trong điều kiện sử dụng máy tính thông thường của người dùng.
"Lên đến - Up to " là một trong những cụm từ mang tính mập mờ, nước đôi vốn được hầu hết các cửa hàng, nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ sử dụng khi giới thiệu về sản phẩm của mình. Ví dụ như một nhà cung cấp dịch vụ Internet nói rằng, tốc độ tải về của gói dịch vụ nào đó “lên đến 50 Mbps”, họ không hề nói dối về mặt kỹ thuật, dù bạn chỉ đạt 30 Mbps.
Surface Book 2 của Microsoft được hứa hẹn có thời lượng pin "lên đến" 17 tiếng.
Dù sử dụng cụm từ "lên đến" thì các nhà sản xuất cũng phải dựa vào những con số có thực chứ không thể đưa ra những con số vô căn cứ. Và họ đã dựa vào một bài benchmark duy nhất không thể hiện được toàn bộ quá trình sử dụng laptop trong thực tế để đưa ra các con số đó.
Đó là các nhà sản xuất sẽ cho phát liên tục một đoạn video trên laptop và chỉ thế thôi, rồi đo xem mất bao lâu pin laptop mới cạn. Mọi tính năng chạy nền đều bị tắt, độ sáng màn hình thì được giảm xuống mức thấp hơn thông thường.
Các nhà sản xuất không hề giữ bí mật về điều này, họ có thông báo cho người dùng chỉ là thông tin này bị chôn vùi trong hàng triệu dòng chữ hướng dẫn sử dụng đi kèm laptop, thứ mà hầu hết người dùng đều chả bao giờ sờ tới.
Tài liệu ghì rõ ràng "lên đến 17 tiếng chơi video" của Microsoft!
Các hãng sản xuất sử dụng bài benchmark này bởi nó cho thời lượng pin lâu nhất chứ họ không quan tâm rằng nó có thể hiện đúng trải nghiệm của người dùng hay không.
Hiện nay, các laptop đều được trang bị một phần cứng đặc biệt nằm bên trong đơn vị xử lý đồ hoạ (GPU) có khả năng giải mã video hiệu quả mà chỉ cần một lượng điện năng rất thấp giúp giảm mức sử dụng CPU. Tính năng này giúp tăng thời lượng pin và giúp cho thiết bị của bạn không bị nóng lên khi xem video. Bất kỳ hoạt động nào khác trên thiết bị như duyệt một trang web duy nhất hay thậm chí chỉ là gõ một văn bản trong Word cũng đều tốn điện năng hơn xem video.
Và các nhà sản xuất đã lợi dụng tính năng này để lấy số liệu về thời lượng pin. Họ sử dụng Movies & TV của Windows 10, ứng dụng luôn thiết lập để sử dụng tăng tốc phần cứng của máy để đánh giá thời lượng pin.
Nếu muốn mua một laptop có thời lượng pin khủng, tốt nhất bạn nên tìm các bài đánh giá độc lập của các reviewer, vốn sát với thực tế sử dụng thường ngày hơn để biết được thời lượng pin máy thực sự thế nào thay vì dựa vào kết quả benchmark của hãng sản xuất.
Ví dụ, chiếc Surface Book 2 của Microsoft được quảng cáo có thời lượng pin lên đến 17 tiếng. Nhưng thực thế khi Anandtech test thì lại phát hiện ra nó chỉ trụ được 9,7 tiếng khi duyệt web mà thôi.
Không chỉ có Microsoft mà mọi hãng sản xuất PC đều sử dụng những con số phóng đại để quảng cáo về thời lượng pin.
Rất khó để có thể ước lượng được thời lượng pin. Tùy vào những gì mà bạn đang làm trên laptop mà thời lượng pin sẽ thay đổi theo, việc thực hiện các tác vụ đòi hỏi nhiều tài nguyên sẽ khiến lượng điện năng tiêu thụ tăng lên. Vì vậy trường hợp Windows mới ít phút trước còn báo bạn còn 5 tiếng bỗng thông báo chỉ còn 2 tiếng là điều vẫn thường xảy ra.
Các nhà sản xuất đã quyết định lấy con số lý tưởng nhất mà họ có thể tìm ra và tất nhiên chúng không thể chính xác với tất cả người dùng được.
Xem thêm: