Đâu là khác biệt giữa các bộ vi xử lý tiết kiệm điện năng: Atom, Snapdragon và Tegra?
Các bộ vi xử lý cấp thấp, tiết kiệm điện không chỉ dành cho netbook, mà còn được dùng cho di động thông minh và nhiều thiết bị khác trong tương lai. Tuy nhiên, đâu là những khác biệt giữa các bộ vi xử lý Atom, Snapdragon và Tegras có thể nhiều người chưa biết.
Atom của Intel
Được coi là ông vua của các bộ vi xử lý tiết kiệm điện và giá thấp, chip Atom của Intel hiện đang thống trị thị trường netbook. Dựa trên cấu trúc x86, Atom có thể chạy trên tất cả các hệ điều hành Windows XP, Vista (mặc dù không tốt lắm) và Windows 7 cũng như các bản phân phối của hệ điều hành Linux mới và thậm chí cả Hackintosh.
Atom tiêu hao ít điện năng hơn khá nhiều so với các loại chip khác của Intel, nhưng vẫn còn tốn điện hơn so với các bộ vi xử lý dựa trên cấu trúc ARM. Trung bình Atom tiêu hao khoảng 2 watt điện. Đó là lý tại sao thời gian pin của netbook cũng không nhiều hơn đáng kể so với laptop thông thường.
Bạn có thể thấy Atom trong hầu hết các netbook có trên thị trường hiện nay, gồm sản phẩm của các hãng từ HP, Dell, Asus, Acer, Sony, Toshiba, MSI và nhiều hãng khác. Loại chip Atom 1,6GHz là phổ biến nhất hiện nay nhưng Intel đang cải tiến và nâng cấp dòng chip này. Tuy nhiên, không dễ để kiếm được di động thông minh dùng chip Atom. Bởi mặc dù đó là chip tiết kiệm điện nhưng đó là đối với laptop. Nếu di động thông minh dùng chip Atom chắc hẳn thời gian pin sẽ rất tệ, đó là vấn đề đau đầu của Intel hiện nay.
Snapdragon của Qualcomm
Dựa trên cấu trúc ARM - cấu trúc vi xử lý 32-bit dành cho di động (và nhiều thiết bị khác, ngoại trừ máy tính để bàn), Snapdragon không cạnh tranh trực diện với Atom - nó không dùng được trên các hệ điều hành Windows, chỉ hỗ trợ hệ điều hành Windows Mobile và Windows CE. Tuy nhiên, bộ vi xử lý này tiêu hao rất ít điện năng, chưa đến nửa watt và được thiết kế cho việc sử dụng liên tục. Nói cách khác, đây là bước tiến lớn trong lĩnh vực xử lý điện toán di động và là công nghệ rất tiềm năng.
Qualcomm cho rằng các thiết bị dùng Snapdragon sẽ có thời gian pin kéo dài tới 10 tiếng, xem phim độ nét cao (1080p) mượt mà, hỗ trợ định vị vệ tinh GPS, Bluetooth. Các netbook chạy hệ điều hành Linux dùng Snapdragon cũng không cần quạt gió vì tiêu hao điện năng rất ít. Bộ vi xử lý này hiện có loại 1 lõi (1Ghz) và hai lõi (1,5Ghz), được dùng trong các netbook chạy hệ điều hành Linux, Android và các di động chạy trên các hệ điều hành khác nhau. Qualcomm cũng vừa giới thiệu netbook Eee PC của Asus chạy hệ điều hành Android và chip Snadragon. Netbook này của Asus được Qualcomm gọi tên khác là “smartbook” (sách thông minh).
Tegra của Nvidia
Bộ vi xử lý Tegra của Nvidia rất giống với Snapdragon, cả hai cùng dựa trên cấu trúc ARM và được thiết kế cho việc sử dụng liên tục và tiết kiệm điện hơn Atom. Như Snapdragon, Tegra không thể chạy trên các hệ điều hành Windows đủ tính năng (dùng cho máy tính để bàn) mà chủ yếu nhắm đến các hệ điều hành Android và hệ điều hành di động, đặc biệt là phiên bản sắp ra mắt của Windows Mobile.
Điểm khác giữa Tegra với Snapdragon là thế mạnh xử lý đồ họa của Nvidia. Tegra, theo Nvidia, có thể xem phim độ nét cao chuẩn 1080p mượt mà giống như Snapdragon nhưng hỗ trợ Flash và chơi game tốt hơn. Ngoài ra, chip này còn hơn công nghệ của Qualcomm ở thời gian pin, có thể xem phim độ nét cao liên tục trong 30 giờ.
Trong khi Snapdragon có xu hướng gắn kết với hệ điều hành Android, Tegra lại muốn là một phần không tách rời của các thiết bị dùng hệ điều Windows Mobile mới. Thay vì việc tập trung vào netbook và thiết bị Internet di động (Mobile Internet Device), định hướng của Tegra là nhắm đến các thiết bị cầm tay di động. Các sản phẩm ứng dụng Tegra dự kiến sẽ ra mắt cùng với Windows Mobile 7 và nếu hệ điều hành Windows di động này không chìm xuồng, Tegra có thể cất cánh.
Ngoài 3 loại chip trên, còn có chip Nano của VIA và Puma của AMD. Tuy nhiên, cả hai loại chip này đều tương đối khác so với Atom, Tegra và Snapdragon. Chip Nano tiêu hao ít điện năng hơn các loại chip đủ tính năng nhưng ở mức 25 watt, nó không thể xếp ngang với Atom, chưa nói là so với Snapdragon hay Tegra. Chip Puma được AMD quảng cáo là dòng chip tiết kiệm điện nhưng nhắm đến laptop (không phải netbook) có kích cỡ màn hình trên 12 inch.