Cách đây một năm, Hewlett Packard Enterprise (HP) đã gửi siêu máy tính HPE Spaceborne của họ lên trạm không gian quốc tế ISS để kiểm tra xem liệu nó có thể sống sót trong môi trường khắc nghiệt không. Và mới đây, HP và NASA đã chính thức tuyên bố thử nghiệm của họ đã thành công ngoài sức mong đợi.
Máy tính HPE Spaceborne, gồm 32 nhân riêng biệt làm việc cùng nhau. Tốc độ của HPE Spaceborne nhanh hơn từ 30 đến 100 lần so với một chiếc iPhone hay tablet. Trên trạm không gian quốc tế, HPE Spaceborne vẫn hoạt động và các dữ liệu thử nghiệm vẫn còn nguyên dù gần một nửa số ổ đĩa cứng của máy chủ đã bị nướng chín bởi tia bức xạ.
Đặc biệt, ngay cả khi mất kết nối upload và download chính đến NASA 8 lần mỗi ngày, mỗi lần kéo dài khoảng từ 3 giây đến 20 phút, siêu máy tính của HP vẫn hoạt động được. Khả năng hoạt động độc lập này sẽ giúp siêu máy tính có thể đối phó với tình trạng chậm trễ trong việc kết nối ngược về Trái Đất nếu nó được đưa lên các căn cứ Mặt Trăng hoặc các sứ mệnh lên Sao Hỏa.
Mark Fernandez của HP, người quản lý dự án cho biết, các phi hành gia có thể tự mình thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học hơn nếu có một siêu máy tính trong không gian. Sau đó, dữ liệu từ các thí nghiệm đó sẽ được nén lại và gửi xuống các máy tính của NASA ở dưới đất. Nếu có một chiếc siêu máy tính, các phi hành gia và các nhà thám hiểm thực hiện các sứ mệnh Mặt Trăng hay Sao Hỏa có thể phân tích ngay các vấn đề tại chỗ mà không cần đợi phản hồi từ NASA.
Các kỹ sư tại HP đã phát triển phần mềm đặc biệt có thể đóng vai trò của một loại lá chắn để bảo vệ các linh kiện bên trong siêu máy tính. Do máy tính không thể cài đặt được các bộ phận phát hiện bức xạ nên các kỹ sư đã đặt các giới hạn liên quan điều kiện hoạt động đối với các linh kiện dễ bị ảnh hưởng bởi bức xạ nhất. Nếu bức xạ hay một vấn đề nào đó với nguồn điện khiến mọi thứ trở nên quá nóng, linh kiện sẽ tự động chuyển sang chế độ safe mode.
Trong quá trình thử nghiệm, HPE có 9 ổ đĩa SSD bị hỏng trong tổng số 20 ổ, có 7 lần rơi vào tình trạng "bit flip" - các thiết bị điện tử ngừng hoạt động mà không báo trước. Ngoài ra, siêu máy tính còn có 4 lần gián đoạn nguồn điện do bức xạ hoặc có thể là do các tấm pin năng lượng Mặt Trời của trạm.
Fernandez cho biết, HPE có thể xác định được điều gì xảy ra, các dữ liệu bị hỏng sẽ bị loại bỏ và một bộ thông tin y hệt sẽ được thu thập lại để thay thế.
Thử nghiệm kéo cả năm trời của HP đã hoàn thành và cung cấp một lượng lớn dữ liệu để nghiên cứu cho các nhà thiết kế phần mềm và phần cứng. Siêu máy tính này sẽ quay về Trái Đất vào tháng 3 năm sau.
Xem thêm: