Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2008, thị trường điện thoại di động giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, chỉ duy nhất phân khúc điện thoại giá rẻ là có sự tăng trưởng, tăng gần 80%; còn lại các phân khúc trung và cao cấp đều giảm lần lượt 43% và 8,2%... Tuy nhiên, lượng điện thoại di động nhập về lại có chiều hướng tăng đến 98,5% so với cùng kỳ năm ngoài và dự báo quý III sẽ tiếp tục tăng cao.
Thị trường di động 6 tháng đầu năm 2008 có khá nhiều cột mốc đáng nhớ. Trước hết là sự tăng giá điện thoại di động lần đầu tiên trong lịch sử ngành này do tác động của đồng USD.
Trước đó, các hệ thống bán lẻ di động cũng lần đầu tiên chứng kiến doanh số tiếp tục tăng trưởng ngay cả sau Tết Nguyên đán, thời điểm kinh doanh thường rất ế ẩm. Ngoài ra thị trường còn được chứng kiến sự ra mắt của rất nhiều thương hiệu mới, trong đó có không ít cái tên đã tạo dựng được vị trí riêng trong lòng người Việt Nam. Bên cạnh đó người ta cũng nhìn thấy tụt dốc của các mạng CDMA khi HT Mobile rời khỏi cuộc trong khi mạng GSM lại tăng trưởng chóng mặt.
Thương hiệu nhỏ tỏa sáng
Trong 6 tháng qua, có khá nhiều biến động trên thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ), đặc biệt là sự trỗi dậy của các thương hiệu châu Á. Chưa bao giờ thị trường ĐTDĐ lại đón nhận cùng lúc nhiều sản phẩm với xuất xứ đa dạng như hiện nay.
Ngoài những thương hiệu châu Á đã có mặt từ lâu trên thị trường và phần nào đã có chỗ đứng vững chắc như LG, Mobell, WellcoM, Bavapen…, thì gần đây, trên thị trường Việt Nam còn xuất hiện khá nhiều thương hiệu mới với phong cách trẻ trung, năng động được người tiêu dùng đánh giá cao như: Malata, eTouch, HQ, Connspeed…
Theo thống kê sơ bộ hiện có khoảng hơn 20 thương hiệu nhỏ đang tung hoành trên thị trường Việt Nam. Trong đó, LG và Mobell đang trở thành hai tên tuổi nổi trội trong danh sách nhập khẩu sản phẩm, thậm chí còn qua mặt các "đại gia" Motorola, Sony Ericsson, BenQ-Siemens…
Theo thống kê số liệu kinh doanh của Thegioididong.com thì trong tháng 7 vừa qua, Mobell đã tăng doanh số lên 100%, chiếm hơn 5% số lượng máy bán ra tại hệ thống này, cao gần gấp đôi thị phần của BenQ-Siemens và nhỉnh hơn cả Motorola, Sony Ericsson.
LG trong thời gian này cũng liên tục tăng trưởng và giữ vững mức ổn định trong lúc các thương hiệu lớn đang chật vật trong cơn bĩ cực. Một trong những nguyên nhân giúp thị phần LG ổn định trong thời gian qua chính là việc LG khá nhanh nhạy trong việc tung ra các sản phẩm thời trang, giá rẻ như LG KG288, KP100, KP105, KP220, KG195… và việc giảm giá một số model trung cấp như KE770, KE970…
Trong khi các tên tuổi lớn khá vất vả do chịu ảnh hưởng của lạm phát thì các thương hiệu ĐTDĐ đã đạt được một số thành công nhất định. Q-Mobile, HQ, Connspeed, những thương hiệu mới toanh trên thị trường, tỏ ra khá nhanh nhạy khi cho ra nhiều sản phẩm mức giá thấp.
Ông Ngô Hữu Thọ - Giám đốc Công ty cổ phần thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Quốc Tế (đơn vị phân phối HQ Mobile) cho biết: “Mới ra đời được vài tháng (từ tháng 12/2007), nhưng chúng tôi đã có những bước tiến đáng kể khi doanh số không ngừng tăng hàng tháng từ 20 - 30%. Thậm chí có lúc nhập 5.000 máy đã bán hết trong vòng 1 tuần lễ. Hiện HQ đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn trên toàn quốc như Thegioididong.com, Viễn Thông A…”
Đặc biệt, sự kiện Bavapen - thương hiệu ĐTDĐ của Thành Công Mobile được phân phối tại Malaysia có thể xem là một thành công lớn của thương hiệu này. Với nỗ lực của mình rõ ràng các thương hiệu “noname” đang dần dần chiếm được lòng tin của khách hàng trong và ngoài nước.
Mặc dù đang có những dấu hiệu tốt, nhưng các hãng điện thoại di động phổ thông cũng cảnh báo giá điện thoại trong thời gian tới có thể sẽ còn giảm xuống 26% nữa do nền kinh tế toàn cầu đang có những bước phát triển chậm lại, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Điện thoại cao cấp - sân chơi của các "đại gia"
Nếu như các thương hiệu nhỏ đang làm mưa làm gió tại phân khúc sản phẩm phổ thông, thì thị trường cao cấp vẫn là sân chơi riêng dành cho các “đại gia”. Thương hiệu di động hàng đầu thế giới Nokia tỏ ra là một đối thủ khó chơi khi trong một thời gian ngắn đã giới thiệu ra thị trường nhiều sản phẩm mới trong phân khúc cao cấp. Có thể điểm tên một số model nổi bật của Nokia như 6220, E66, E71… Trong đó, E71 hiện là một trong những sản phẩm bán chạy nhất tại các hệ thống bán lẻ điện thoại di động.
Bên cạnh đó, cơn sốt điện thoại cảm ứng do iPhone mang lại đã tạo ra một xu hướng mới cho thị trường di động cao cấp. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu IMS (Anh), 4 năm nữa, doanh số điện thoại cảm ứng sẽ đạt 230 triệu máy trong khi năm ngoái chỉ có 30 triệu thiết bị bán ra.
HTC và Samsung là những minh chứng hùng hồn nhất cho xu hướng “cảm ứng hóa”. Những sản phẩm mới ra mắt gần đây của Samsung trong dòng cao cấp như U900 Soul hay F480… hiện đang gây cơn sốt cho thị trường di động thời trang cao cấp. Với thiết kế ấn tượng cùng những tiện ích mang lại, F480 hiện là model có mức bán ra tương đối tốt so với các model cùng loại.
Đối với dòng PDA thì HTC hiện đang là đại diện giàu tiềm năng tại Việt Nam. Với tham vọng đưa PDA trở về thời hoàng kim trước kia, HTC không ngừng tung ra nhiều sản phẩm thời trang tinh tế, đặc biệt là dòng HTC Touch với đại diện xuất sắc là model HTC Touch Diamond hiện đang được nhiều người quan tâm. Trong 6 tháng vừa qua, HTC Touch Diamond và P3452 đã tiêu thụ được khoảng 650 chiếc - con số khá lớn đối với một thương hiệu cao cấp.
Thị trường ĐTDĐ cao cấp cũng vừa đón nhận một thương hiệu mới - B&O (Bang & Olufsen) - hãng sản xuất thiết bị nghe nhìn cao cấp đến từ Đan Mạch đã chính thức giới thiệu dòng điện thoại di động đa phương tiện Serenata - với màn hình ngược độc đáo. Đây là kết quả của sự kết hợp giữa Samsung và B&O. Sự kết hợp hoàn hảo này đã mang đến cho sản phẩm Serenata một phong cách mới lạ và âm thanh tuyệt hảo, xứng đáng là đối thủ của bất kì chiếc điện thoại thời trang nào.
Ngoài ra, các thương hiệu điện thoại cao cấp như Mobiado, Vertu… cũng đang mở rộng quy mô hoạt động của mình với doanh số tăng khoảng 8 - 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy mặc dù thị trường đang xuống dốc nhưng nhu cầu sử dụng các thiết bị cao cấp vẫn còn rất cao tại thị trường Việt Nam.
GSM “độc chiếm” thị trường
Điểm dễ thấy nhất thời gian qua là sự áp đảo của các dòng máy GSM so với dòng CDMA. Theo thông tin từ bộ Công thương, trong 6 tháng qua, lượng nhập khẩu đã tương đương 74% tổng lượng nhập khẩu cả năm 2007, trong đó điện thoại GSM chiếm đến 99,05% (năm ngoái là 83,04%).
Sau nhiều thăng trầm, mạng CDMA đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh các thiết bị đầu cuối CDMA. Để cân bằng lực lượng, S-Fone vừa giới thiệu bộ sưu tập eCo - những thiết bị đầu cuối giá cực rẻ (chỉ từ 270.000 VND đến 390.000 VND) cùng khuyến mãi cực sốc (tặng tài khoản 1.500.000 VND) và cũng đã tạo được hiệu ứng bất ngờ.
Hiện tại, CDMA có khoảng gần 50 model, trong khi các dòng máy GSM đã lên tới con số hơn 500 loại với nhiều mẫu mã và mức giá khác nhau. Sự chênh lệch này cũng góp phần làm suy yếu hệ thống mạng CDMA. Hy vọng trong thời gian kế tiếp, các mạng CDMA có thể tiếp tục đưa ra những sản phẩm giá rẻ, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng để giành lại thế cân bằng cho thị trường di động Việt Nam.
Mặc dù bức tranh thị trường điện thoại di động trong 6 tháng vừa qua không thực sự sáng sủa, nhưng ĐTDĐ vẫn là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà bán lẻ Việt Nam. Theo thống kê từ các nhà bán lẻ, trong tháng 7 và tháng 8 thị trường ĐTDĐ đã phục hồi dần dần, với mức tăng trưởng khoảng 5 - 10%.
Ông Đinh Anh Huân - Giám đốc kinh doanh của hệ thống bán lẻ Thegioididong.com cho biết: “Thị trường ĐTDĐ thường tăng trưởng vào khoảng tháng 9, tháng 10. Hiện nay, giá USD đã giảm khá nhiều và kinh tế cũng dần ổn định, chúng tôi kỳ vọng trong các tháng tới di động sẽ trở lại mức tăng trưởng như trước đây” .