Đầu năm nay, cả Apple và Huawei đều nói rất nhiều về những vi xử lý mới trên điện thoại của họ, rằng sẽ có những engine, đơn vị xử lý thần kinh thay đổi cuộc chơi, được thiết kế đặc biệt để xử lý tính toán AI. Nhưng sao chúng ta phải quan tâm, bạn có thực sự cần một chiếc điện thoại hỗ trợ AI hay không?
Điều mà không ai trong số những nhà sản xuất này làm là mang đến các ứng dụng thay đổi cuộc chơi để đi cùng những con chip mạnh mẽ này. A11 Bionic của Apple hỗ trợ Face ID và Animoji, trong khi vi xử lý NPU Kirin 970 của Huawei mang tới các thiết lập chụp ảnh tự động để cho hình ảnh đẹp hơn, dịch với Translator của BIng ngoại tuyến trên điện thoại Mate 10. Nhưng đó đều là các tính năng có thì cũng hay, chứ chưa thể gọi là cách mạng.
Biên tập viên của tờ The Next Web nhận định rằng tất cả sản phẩm flagship trong năm tới sẽ đều dùng chip AI, và thử thách với các hãng sản xuất điện thoại là chứng minh mình xứng đáng với lời đồn đại. Lý tưởng hơn nữa là các nhà phát triển tận dụng được phần cứng mới và mang đến các ứng dụng khai thác khả năng tính toán mới. Nhưng chúng ta có thể trông mong gì?
Theo ông Baofeng Zhang, phó chủ tịch mảng phần mềm của Huawei thì điều quan trọng cần ghi nhớ là hầu hết các ứng dụng đang dùng AI trên mây đều có thể dễ dàng chỉnh sửa lại để tận dụng chip nơ-ron, bằng cách sử dụng API của Kirin hay các framework mã nguồn mở như TensorFlow và Caffe2.
Làm vậy sẽ giúp xử lý nhanh hơn, ít phụ thuộc hơn vào kết nối, tăng độ an toàn vì dữ liệu không phải rời thiết bị để thực hiện công việc.
Zhang giải thích rằng những ứng dụng của bên thứ 3 đầu tiên sẽ làm việc với công nghệ nhận diện giọng nói và hình ảnh, sau đó là các công cụ sử dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên như tìm kiếm những gì được lưu trữ trên điện thoại.
Tiếp sau là dẫn tới các công cụ cao hơn như chỉnh sửa video, ví dụ như khi bạn quay video trận đấu 1 giờ đồng hồ và ứng dụng sẽ chọn ra những điểm nhấn khi bạn ra lệnh bằng giọng nói “Hãy cho tôi xem những đoạn Hannah chơi bóng”.
Ứng dụng cũng phải thông minh hơn khi điện thoại có chip thông minh hơn
Điều đó sẽ thay thế cho thế hệ những ứng dụng thời nay, mới chỉ có tính năng Smart-Cuts, thực chất là sử dụng âm thanh, dữ liệu hồi chuyển trong video để tìm ra những cảnh “thú vị”. Chip AI sẽ đưa ra quyết định thông minh hơn nhiều.
Những ông lớn đang làm gì với các ứng dụng dùng chip AI? Microsoft làm việc với Huawei để mở ra khả năng dịch offline cho ứng dụng Translator của mình bằng chip NPU. Tính năng hiện đã có nhưng chưa hỗ trợ dịch giọng nói khi không có kết nối mạng.
Google dự kiến mang tới nhiều dịch vụ và API vào cuối năm na. Hy vọng chúng có thể giúp các nhà phát triển khai thác được NPU của Huawei và những vi xử lý tương tự.
Còn thế hệ chip AI tiếp theo thì sao? Zhang nói rằng chúng có thể sẽ có khả năng tính toán cao hơn, nhưng sự phát triển của những framework như TensorFlow Lite mà nhà phát triển vẫn dùng để xây ứng dụng, có thể ảnh hưởng tới con đường phát triển của những vi xử lý này.
Bây giờ bạn đã cần một chiếc điện thoại có con chip AI hay chưa? Thành thực mà nói thì vẫn chưa có một ứng dụng đáng nể nào tận dụng chip AI, nên hầu như đây vẫn chỉ là giai đoạn tiếp nhận sớm. Nhưng nếu Huawei nói đúng, nhiều điện thoại sẽ dùng chip AI và cũng sẽ đến lúc các nhà phát triển tận dụng com chip mới để tạo ra các ứng dụng thực sự thay đổi cuộc chơi.