Ngày nay, không chỉ điện thoại, máy tính bảng, mà rất nhiều thiết bị phụ kiện công nghệ nhỏ gọn cũng đi kèm khả năng tương thích/hỗ trợ sạc không dây. Cách thức hoạt động của công nghệ này cũng không có gì phức tạp. Bạn chỉ cần đặt thiết bị lên một tấm đế sạc chuyên dụng và xem pin đầy lên như thể sử dụng phép thuật.
Sự tiện lợi mà sạc không dây mang lại là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lo ngại rằng liệu công nghệ này có gây hại cho pin của thiết bị không? Và liệu sự lo lắng đó có chính đáng hay không? Cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Sạc không dây hoạt động như thế nào?
Để hiểu mối quan tâm của mọi người về sạc không dây đến từ đâu, trước tiên chúng ta cần nói về cách thức hoạt động của công nghệ này.
Khi bạn sạc điện thoại theo cách truyền thống, chẳng hạn bằng cáp USB, dòng điện áp thấp sẽ được truyền từ bộ sạc sang điện thoại thông qua dây dẫn. Còn khi bạn sạc điện thoại bằng đế sạc không dây, về cơ bản đế sạc này vẫn có bộ sạc và dây dẫn. Nhưng dây dẫn này sẽ kết nối với pad sạc chứ không phải cắm trực tiếp vào điện thoại. Khi miếng đệm được kích hoạt bởi sự hiện diện của một thiết bị tương thích (điện thoại của bạn đặt bên trên), một cuộn dây từ tính bên trong miếng đệm bắt đầu phát ra từ trường năng lượng thấp. Trường này sẽ tương tác với một cuộn dây tương tự bên dưới mặt lưng điện thoại, và cuộn dây này chuyển đổi năng lượng từ trường do cuộn dây của đế sạc tạo ra thành điện năng để sạc pin điện thoại.
Sạc không dây đã có mặt trên thị trường từ nhiều năm nay. Công nghệ này trên thực tế được phát minh vào năm 2008, nhưng đã không xuất hiện trên các sản phẩm thương mại trong nhiều năm. Mẫu điện thoại đầu tiên hỗ trợ sạc không dây là Nokia 920 Windows Phone, được phát hành vào năm 2012. Cùng năm đó, Samsung Galaxy S3 hỗ trợ sạc không dây (nhưng bạn cần thêm phụ kiện là bộ chuyển đổi). Chiếc Galaxy đầu tiên hỗ trợ tính năng sạc không dây thực sự là Galaxy S6 vào năm 2015. Apple đã bổ sung tính năng sạc không dây cho dòng iPhone đầu tiên trên iPhone 8 và iPhone X vào năm 2017.
Sạc không dây có làm hỏng pin thiết bị không?
Mối quan tâm về sạc không dây và tuổi thọ của pin đến từ đâu? Sạc không dây không hiệu quả 100% và một phần năng lượng được sử dụng để kích hoạt cuộn dây cơ sở và cuộn dây trong điện thoại bị thất thoát ra môi trường dưới dạng năng lượng nhiệt.
Bạn cũng sẽ cảm thấy sự khác biệt về nhiệt độ ở mắt lưng của thiết bị khi sạc thường và sạc không dây. Sạc bằng bộ sạc 5W (hoặc thấp hơn) thông thường sẽ hầu như không làm nóng điện thoại của bạn, và có thể khó phát hiện sự khác biệt tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường trong phòng.
Sạc bằng bộ sạc không dây thường sẽ tạo ra đủ nhiệt để bạn có thể nhận thấy hơi ấm khi rút điện thoại ra khỏi bộ sạc. Và bộ sạc nhanh thường sẽ tạo ra lượng nhiệt dduur để có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu khi cầm thiết bị lên.
Theo các nhà sản xuất, những trải nghiệm trên đều hoàn toàn bình thường và nằm trong thông số hoạt động dự kiến của điện thoại. Trong tài liệu về sạc không dây của mình, Apple lưu ý rằng người dùng có thể cảm thấy cảm giác ấm trên iPhone, còn nếu quá nóng, thiết bị sẽ tự động hạn chế quá trình sạc. Tài liệu của Samsung lặp lại điều tương tự: nếu điện thoại Galaxy của bạn nóng bất thường lên trong khi sạc, quá trình sạc sẽ tạm ngừng.
Nhiều người cho rằng mức nhiệt cao khi sạc không dây có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ pin của thiết bị. Tuy nhiên, ngoài việc tranh luận về các chi tiết kỹ thuật vụn vặt, trong thế giới thực, không có nhiều bằng chứng cho thiệt hại này. Có rất nhiều biến số khác đang diễn ra, chẳng hạn như tần suất bạn sử dụng hết pin và sạc lại, môi trường hoạt động, v.v., nên rất khó để tách riêng sạc không dây như là một yếu tố duy nhất làm suy giảm tuổi thọ của pin.
Ví dụ: các nhà sản xuất điện thoại sẽ cho bạn biết rằng việc tiếp xúc với nhiệt độ trên 95 độ F (35 độ C) có thể làm suy giảm vĩnh viễn tình trạng pin điện thoại. Tuy nhiên, hàng triệu người luôn sử dụng điện thoại của họ trong môi trường có nhiệt độ gần bằng hoặc trên 95 độ F. Chỉ cần đi loanh quanh trong một ngày hè đầy nắng với điện thoại trong túi là nhiệt độ chắc chắn sẽ cao hơn mức đó. Hay việc bạn sạc điện thoại trong nhà vào một ngày nắng nóng không có điều hòa cũng dễ dàng sẽ khiến nhiệt độ của thiết bị vượt qua ngưỡng đó.
Nhìn chung, việc điện thoại của bạn hơi ấm lên khi sạc không dây hầu như không gây tác hại đáng kể so với những yếu tố ngoại cảnh khác mà nó phải tiếp xúc mỗi ngày.
Bạn có nên dừng sạc không dây cho điện thoại của mình?
Có lẽ bạn đang cân nhắc chuyển từ sạc không dây sang chỉ sạc chậm điện thoại bằng bộ sạc có dây. Nếu làm điều đó, về mặt lý thuyết, bạn có thể duy trì tình trạng pin của mình cao hơn một vài phần trăm, nhưng phải đánh đổi bằng sự bất tiện, mất thời gian trong nhiều trường hợp hơn so với sạc không dây.
Ý tưởng rằng bạn có thể giữ pin điện thoại của mình ở tình trạng hoàn hảo mãi mãi là một chuyện hoang đường. Pin trong điện thoại của bạn có thể bị tiêu hao theo thời gian, giống như lốp xe ô tô. Bạn sẽ không thể để ô tô của mình trong ga ngày này qua ngày khác để tránh phải thay lốp, và bạn cũng không nên quá nâng niu điện thoại của mình chỉ để tránh phải thay pin.
Thực tế là bạn có thể sẽ thay thế điện thoại trước khi pin xuống cấp đáng kể. Ngoài ra việc thay thế pin điện thoại hiện nay cũng không có gì khó khăn hay quá tốn kém. Bạn không nên lo lắng về pin điện thoại của mình, mà tốt hơn chỉ cần tận hưởng sự tiện lợi của công nghệ hiện đại.