Khá nhiều nhà đầu tư và các cổ đông đã lên tiếng cho rằng, giải pháp tốt nhất để cứu RIM lúc này chính là… thay thế Tổng giám đốc.
Mike Lazaridis và Jim Balsillie đã đưa RIM và BlackBerry lên đỉnh cao và giờ là lúc họ trao lại sứ mệnh mới cho một người mới.
Mike Lazaridis và Jim Balsillie đã cùng nhau tạo ra BlackBerry - một thương hiệu được ngưỡng mộ nhất thị trường di động thế giới nhưng chỉ một chút chậm trễ, họ đã để các đối thủ khác vượt qua khá xa. RIM đã cố gắng bám đuổi nhưng có vẻ như càng cố gắng thì RIM càng bị tụt lại phía sau.
“Dậu đổ bìm leo”
Không ai có thể nói RIM đã “ngủ quên” bởi ngay từ năm 2007, khi Apple ra mắt mẫu iPhone đầu tiên, ban lãnh đạo hãng đã xác định cần phải có “đòn đánh trả” nhưng phải đến hơn 1 năm họ mới cho ra mắt mẫu BlackBerry màn hình cảm ứng đầu tiên. Có điều, đến tận năm 2011 này, hầu như chẳng có ai thèm nhớ đến BlackBerry cảm ứng mà họ vẫn chỉ “dính chặt” lấy những chiếc smartphone có bàn phím. Chưa xong việc với Apple, RIM tiếp tục để cho một đối thủ khác là Google Android vượt mặt và chiếm thế thống trị thị trường smartphone Mỹ.
“Dậu đổ bìm leo”, khi thị phần của RIM ngày càng teo tóp, cổ phiếu của hãng ngày càng bèo bọt thì cũng là lúc những “con cá mập” nhảy vào: mua cổ phiếu của hãng danh tiếng, chiếm phần khống chế và tiến hành một “cuộc đảo chính”. Cả Mike Lazaridis và Jim Balsillie đều đã cảm thấy sức nóng này ngay bên dưới chiếc ghế họ đang ngồi.
Ngay tại Hội nghị BlackBerry World vừa diễn ra hồi đầu tháng 5 tại Florida (Mỹ), không ít những nhà đầu tư ngồi dưới đã xì xào với nhau về việc RIM đang có những bước đi sai lầm. “Những người này đã cảm thấy áp lực của việc bị bỏ lại phía sau trên thị trường nên rất mong muốn có một sự thay đổi đột phá nào đó”, một nhà đầu tư nằm trong top 30 người nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất nói.
Và đã có một “quả bom” phát nổ. Ngay tại Hội nghị BlackBerry World, nhà phân tích Sameet Kanade của hãng chứng khoán và đầu tư Northern Securities đã gửi thư ngỏ đề nghị RIM cho ông Balsillie rời khỏi cương vị đồng tổng giám đốc cùng với hàng loạt yêu sách khác.
Trong giới công nghệ, chẳng ai lạ gì kiểu “ghê gớm” của các nhà đầu tư và chỉ mới cách đây mấy ngày thôi David Einhorn - Giám đốc quỹ đầu tư Greenlight Capital cũng đã lớn tiếng kêu gọi ông Steve Ballmer – TGĐ hãng Microsoft từ chức vì hãng này cần có những ý tưởng mới mẻ hơn.
Những dấu hiệu của “cuộc đảo chính”
Nhưng, khi RIM có tới 2 tổng giám đốc thì việc trục xuất họ ra khỏi tổng hành dinh là một chuyện không hề dễ dàng bởi họ vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất và có uy tín nhất. Có điều sự thua kém của RIM đang hiển hiện rõ ràng nên dù muốn hay không những làn sóng chống đối ngầm vẫn xuất hiện và đang mạnh dần lên.
“Jim và Mike đã đưa công ty đến với những rắc rối trầm trọng nhất và giờ là lúc họ phải đối mặt”, Ed Snyder của hãng Charter Equity người đã từng theo dõi các hoạt động của RIM suốt 15 năm qua nói, “Họ mắc kẹt ở quá khứ. Họ cố đánh ra những quân bài mà biết chắc sẽ không thắng. Có vẻ như họ không còn ý tưởng nào khác”.
Theo các nhà đầu tư, cách duy nhất để kéo giá cổ phiếu của RIM lên là họ phải cho ra đời một mẫu smartphone có khả năng thách thức iPhone và “ngon lành” hơn bất kỳ mẫu Android phone nào. Nhưng ai cũng biết, điều này chẳng dễ dàng gì.
Hiện nay, giá trị vốn hóa của RIM đạt khoảng 23 tỷ USD và điều đó đồng nghĩa với việc nếu có ai đó muốn sử dụng cổ phiếu để gây ra một cuộc cách mạng tại hãng, người đó phải chi ra ít nhất 1 tỷ USD – khoản tiền không nằm ngoài tầm với của nhiều “con cá mập” trong giới đầu tư.
Theo nhận định của Damien Park (Quỹ đầu tư Solutions), hiện đã có nhiều nhà đầu tư thể hiện mong muốn được nhảy vào RIM trong đó có Carl Icahn, người được mệnh danh là “kẻ cướp mộ lạnh lùng” luôn khiến các CEO phải rùng mình khi biết rằng ông ta để mắt đến công ty của họ. Cách đây vài năm, khi Carl Icahn nhảy vào ban lãnh đạo Motorola, ông ta đã khiến cho hãng này phải tách riêng bộ phận di động và thành công đã trở lại.
Nếu nhìn trên thị trường hiện nay, RIM đang có quá nhiều nguy cơ và biểu hiện của một đế chế sắp nổ ra đảo chính như: giá cổ phiếu mất ¼ giá trong năm ngoái và hiện đang bị đánh giá ở mức thấp hơn giá trị trong khi các bảng cân đối kế toán của RIM lại khá sạch sẽ và không hề có khoản nợ nào đáng kể.
Và nếu RIM vẫn tiếp tục trầy trật với các chiến lược dài hạn như hiện nay, rất có thể ngày mà Jim và Mike phải rời khỏi chiếc ghế CEO không còn quá xa nữa.
Biết đâu, đó là tin mừng cho RIM?