Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT phải xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trách, trong đó có VNPT, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2012.
Bộ TT&TT sẽ thẩm định Đề án tái cấu trúc VNPT
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, nhiệm vụ sắp tới của Bộ TT&TT là phải thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, củng cố việc thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông theo phân cấp của Chính phủ. Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo xây dựng và thẩm định Đề án tái cấu trúc Tập đoàn VNPT, Tổng công ty VTC; hoàn thiện đề án tách VNPost hoạt động độc lập hoàn toàn ra khỏi VNPT.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ký ban hành Thông tư quy định danh mục dịch vụ viễn thông là dịch vụ di động bắt buộc doanh nghiệp không được sở hữu chéo quá 20% ở doanh nghiệp khác khi kinh doanh trên cùng một thị trường. Theo Thông tư trên, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phẩn trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông. Thông tư cũng nêu rõ dịch vụ di động sẽ là dịch vụ đầu tiên áp dụng quy định nghiêm cấm sở hữu chéo này.
VNPT đang sở hữu 100% vốn của 2 mạng di động lớn VinaPhone, MobiFone và là doanh nghiệp duy nhất bắt buộc phải áp dụng Thông tư này. Có 2 khả năng xảy ra đối với VNPT sau khi quy định này được thực thi. Thứ nhất, VNPT buộc phải cổ phần hóa 1 trong 2 mạng di động của mình nhưng cũng không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần tại mạng di động đã được cổ phần. Tuy nhiên, các công ty con của VNPT sẽ được mua cổ phần của mạng di dộng được cổ phần. Đáng chú ý là các công ty con của VNPT phải là công ty hạch toán độc lập chứ không phải công ty hạch toán phụ thuộc. Thứ hai, VNPT buộc phải tính toán hợp nhất 2 mạng di động của mình thành 1 mạng.
Đề án của VNPT phải phù hợp với quy hoạch ngành
Ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”. Trong đó, viễn thông là một trong những lĩnh vực trước mắt sẽ tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Nhà nước sẽ nắm giữ trên 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hạ tầng mạng thông tin truyền thông.
Trong quyết định này, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT&TT phải rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả năng, điều kiện, cách thức tổ chức lại, từ đó xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trách không phân biệt cấp, cơ quan quản lý, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2012 và chỉ đạo triển khai thực hiện.
Như vậy, VNPT sẽ phải xây dựng đề án tái cấu trúc theo hướng tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính và chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành trước năm 2015. Bên cạnh đó, VNPT phải xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 nhưng phải phù hợp chiến lược phát triển ngành. VNPT cũng sẽ xây dựng phương án tổ chức lại SX-KD, triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ theo hướng sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành nghề.
Bộ TT&TT cũng đang xây dựng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, mỗi thị trường viễn thông quan trọng sẽ có ít nhất 3 doanh nghiệp tham gia song những doanh nghiệp này phải có thị phần tương đồng với nhau mới đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.