Được đánh giá rất cao về vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp thuê tư vấn với nhà cung cấp giải pháp, thế nhưng các nhà tư vấn công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam dường như vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của khách hàng. Điều gì đã xảy ra ở thị trường này? Và đâu là hướng giải quyết khả thi cho bài toán nâng tầm dịch vụ tư vấn CNTT trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang ngày càng sâu rộng?
Dịch vụ tư vấn CNTT là một quy trình hệ thống đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Trong vai trò cầu nối, nhà tư vấn sẽ hỗ trợ thông tin để giúp nhà doanh nghiệp thuê tư vấn tiếp cận và chọn ra những nhà cung cấp giải pháp thích hợp nhất.
Nhìn lại một chặng đường
Theo định nghĩa trên, có thể nói thị trường dịch vụ tư vấn CNTT đã xuất hiện ở Việt Nam từ mười năm nay với các hình thái tiến hóa tương đối rõ ràng. Khởi đầu là giai đoạn từ năm 1997-2000. Lúc này, một số doanh nghiệp đã có nhu cầu về tư vấn triển khai ứng dụng CNTT trong sản xuất-kinh doanh. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, cộng thêm việc không có nhiều sự lựa chọn về đối tác tư vấn, nên đa phần đều phải tự mày mò trong cách giải quyết vấn đề. Gánh nặng tư vấn thường dồn hết lên đôi vai của các nhân viên CNTT của doanh nghiệp. Đến năm 2002, các nhà cung cấp giải pháp của Việt Nam (phần cứng, phần mềm và dịch vụ) đã bắt kịp trình độ chung của khu vực về mặt công nghệ và kỹ thuật. Với kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế hoạt động, nhiều công ty đã quyết định mở thêm dịch vụ tư vấn CNTT (chủ yếu vẫn là miễn phí). Tuy nhiên, hiệu quả của nó không cao do thiếu tính khách quan trong tư vấn, vì các nhà cung cấp thường hướng khách hàng lựa chọn giải pháp của mình. Nhưng trong vài năm gần đây, dịch vụ tư vấn CNTT đã trở thành một hoạt động độc lập với các nhà cung cấp giải pháp. Chất lượng theo đó cũng được cải thiện đáng kể. Không ít doanh nghiệp tư vấn thuần túy đã ra đời và nhanh chóng khai phá thị trường giàu tiềm năng này.
Thật ra, thị trường dịch vụ tư vấn CNTT không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Nó thu hút sự tham gia của rất nhiều đối tượng. Xét về yếu tố thương mại, dịch vụ này được chia làm hai loại: miễn phí và có thu phí. Nhưng đứng trên bình diện quan hệ chủ-khách, có đến năm đối tượng tham gia thay vì là ba, bao gồm đơn vị thuê tư vấn, nhà tư vấn độc lập, nhà cung cấp giải pháp, các tổ chức giám sát và phản biện xã hội về CNTT và nhà tư vấn “trung chuyển” (“cò” tư vấn). Chính sự phức tạp và chồng chéo nói trên đã tác động không nhỏ đến chất lượng dịch vụ mà đa phần là tiêu cực. Riêng về đối tượng thụ hưởng dịch vụ, ngoài nhà doanh nghiệp thuê tư vấn, còn có các cơ quan, tổ chức nhà nước và người dùng cá nhân.
Nhiều nhưng vẫn thiếu
Đến với tọa đàm “Nâng tầm dịch vụ tư vấn CNTT” do TBVTSG, ICT Partnership và Công ty Tư vấn Soltius phối hợp tổ chức vào ngày 14-12, gần như tất cả các doanh nghiệp có mặt đều rất muốn biết nội dung đầu tiên, đó là bức tranh toàn cảnh về thị trường này. Đây là yêu cầu dường như nằm ngoài khả năng của một buổi trao đổi kinh nghiệm được gói gọn trong quy mô không quá 50 đại biểu. Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có một cơ quan nhà nước hay tổ chức nghề nghiệp nào tại Việt Nam có thể đưa ra các báo cáo chính xác và đầy đủ về hiện trạng, tiềm năng cũng như thách thức của thị trường tư vấn CNTT. Tuy nhiên, thông qua lời kể của những người có nhiều năm gắn bó với cái nghề làm “quân sư”, kết hợp với cuộc điều nghiên sơ bộ của chúng tôi, có thể tạm kết luận rằng thị trường dịch vụ tư vấn CNTT của Việt Nam dẫu nhiều, nhưng vẫn còn thiếu và yếu.
Ông Hoàng Trần, chuyên viên tư vấn của Công ty IBM (Mỹ), nhận định: “Theo đánh giá chủ quan của tôi, thị trường dịch vụ tư vấn CNTT tại Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn phôi thai và thiếu tính chuyên nghiệp. Điều này phần nào được thể hiện trong văn hóa ứng xử và quy trình cung cấp dịch vụ giữa các bên có liên quan, từ nhà tư vấn, người cung cấp giải pháp cho đến khách hàng.” Thế nhưng, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn Quản trị Vina (Vina Consulting), lại cho rằng: “Thị trường dịch vụ tư vấn CNTT ở Việt Nam không thiếu những tên tuổi lớn, cả trong lẫn ngoài nước. Vấn đề là liệu doanh nghiệp có đủ kinh phí để thuê họ tư vấn cũng như biết cách khai thác họ đến mức tối đa hay không mà thôi.”
Có lẽ điều chia sẻ của ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ nhiệm ICT Partnership, Giám đốc điều hành Tập đoàn CMC phía Nam, là được nhiều người đồng tình nhất. Ông Tuấn nói: “Điểm dễ nhận ra nhất ở các nhà tư vấn CNTT của Việt Nam đó là đi lên từ nhà cung cấp giải pháp. Trong thời kỳ đầu, thị trường này mang tính tự phát và bị động. Nhưng hiện nay, nó đã phát triển ở mức cao hơn. Xu hướng nói trên chắc chắn sẽ còn được củng cố trong thời gian tới - thời điểm mà các nhà tư vấn trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với những đối thủ đến từ nước ngoài. Tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam không thiếu tiền. Vấn đề mà họ cần đó là bảo đảm chất lượng tư vấn.”
Phân tích của ông Phí Anh Tuấn có khá nhiều điểm tương đồng với kết quả điều nghiên sơ bộ (theo phương thức lấy mẫu đại diện) qua thư điện tử và điện thoại mà chúng tôi đã thực hiện với sự tham gia của gần 100 khách mời (50% là nhà doanh nghiệp thuê tư vấn, 20% là nhà tư vấn trong nước, 20% là nhà cung cấp giải pháp và 10% là nhà tư vấn nước ngoài). Mặc dù có nhiều ý kiến trái ngược nhau, song tựu trung, đa phần đều thừa nhận thị trường dịch vụ tư vấn CNTT tại Việt Nam hiện đang phát triển nhanh, mạnh nhưng lại manh mún và tự phát. Giá trị đích thực của dịch vụ chưa được trả về đúng nghĩa. Nếu không sớm điều chỉnh bằng những động thái tích cực hơn, thì “chiếc bánh” này sẽ trở thành “quà tặng” dành cho các nhà tư vấn nước ngoài đang tăng tốc vào thị trường Việt Nam.
Nghịch lý và lời giải
Khởi động cho buổi tọa đàm “Nâng tầm dịch vụ tư vấn CNTT”, giám đốc một doanh nghiệp nhỏ và vừa (không muốn nêu tên) đã bức xúc kể lại những khó khăn và thất bại trong suốt quá trình đi thuê tư vấn. Anh nói: “Để cải thiện năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, chúng tôi đã quyết định tin học hóa toàn bộ quy trình tác nghiệp. Nhưng do thiếu trình độ chuyên môn, chúng tôi buộc phải đi thuê tư vấn dù rằng điều kiện tài chính rất eo hẹp. Thông qua lời giới thiệu của bạn bè, tôi đã mời được khá nhiều ‘nhà tư vấn’ (mà sau này mới biết thật ra họ là những nhà cung cấp giải pháp). Những tưởng họ sẽ sớm giúp công ty khai thông bế tắc trong việc triển khai ứng dụng CNTT, nào ngờ, mọi thứ hoàn toàn trái ngược. Chúng tôi bị dẫn đi vòng vòng, lãng phí quá nhiều tiền bạc và công sức nhưng cuối cùng là thất bại. Hầu hết các hạng mục đầu tư đều bị rơi vào tình trạng ‘đóng băng’ cục bộ. Dẫu thế, công ty vẫn không bỏ cuộc. Có điều bây giờ không biết phải bắt đầu lại từ đâu. Thú thật, chúng tôi đang mất dần niềm tin vào dịch vụ tư vấn CNTT.”
Dường như bị “đụng chạm nghề nghiệp”, nên ngay sau câu chuyện trên, các nhà tư vấn có mặt tại buổi tọa đàm đã lên tiếng. Ông Hoàng Trần biện
giải: “Trước khi nói về trách nhiệm của nhà tư vấn, tôi cho rằng công ty của anh hãy xem lại và tự trả lời cho những câu hỏi sau đây. Thứ nhất, công ty liệu đã sẵn sàng đón nhận dịch vụ tư vấn hay chưa (mục đích, giá trị và nhu cầu cụ thể về tư vấn)? Đầu ra của dịch vụ tư vấn chính là giải pháp, chứ không phải là một sản phẩm cụ thể. Hơn nữa, CNTT cũng không thể giải quyết được tất cả mọi thứ. Thứ hai, cả công ty và nhà tư vấn liệu đã hiểu được ý đồ của nhau hay chưa? Tiến trình tìm hiểu có thể sẽ ngốn đến 50% tổng thời gian cho việc cung cấp trọn gói dịch vụ. Tuy nhiên, nếu không làm rõ vấn đề này ngay từ đầu, rất có thể sẽ gặp phải vô số rắc rối về sau này. Tại sao các bạn không thử thay đổi phương pháp lên kế hoạch hợp tác bằng cách đi từ mục tiêu cần đạt được rồi suy ngược ra các bước triển khai cụ thể?”
Ông Bruno Burbach, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Soltius, cũng góp thêm kinh nghiệm: "Để triển khai có hiệu quả một giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), điều kiện tiên quyết vẫn là việc doanh nghiệp thuê tư vấn phải giúp cho nhà tư vấn thấy được bức tranh tổng thể của các mối quan hệ giữa các phòng ban trong nội bộ doanh nghiệp. Điều này vừa giúp tiết kiệm thời gian hoàn tất dự án, vừa tránh được sự lãng phí trong đầu tư hạng mục.” Bàn về hướng tiếp cận dịch vụ tư vấn CNTT chất lượng cao, ông Phí Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi cho rằng, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kênh truyền miệng vẫn là một công cụ hữu hiệu trong việc tìm kiếm nhà tư vấn. Tuy nhiên, các bạn không nên cả tin vào những lời giới thiệu của người khác. Thông tin mà họ cung cấp chỉ mang tính tham khảo và có thể đúng hoặc sai. Đừng để họ thay bạn thẩm định và quyết định chọn nhà tư vấn.”
Với tư cách là một doanh nghiệp thuê tư vấn, kinh nghiệm của ông Nguyễn Khả Nhân, Giám đốc CNTT Công ty Bảo hiểm TP.HCM (Bảo Minh), đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của mọi người tại buổi tọa đàm. Ông nói: “Để có được thành công như hôm nay, chúng tôi đã phải trả giá rất đắt (cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) cho dịch vụ tư vấn CNTT. Lần hợp tác có hiệu quả nhất đó là giai đoạn chúng tôi quyết định tổ chức đấu thầu công khai, sau khi đã thất bại trong việc tự làm. Thật ra, công việc này cũng chẳng bảo đảm 100% là bạn chọn đúng đối tác tư vấn. Vì suy cho cùng, bản thân chúng tôi lại là người đi chấm thầu. Tuy nhiên, nó cũng phần nào tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho Bảo Minh. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham khảo thêm thông tin về nhà tư vấn trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí và Internet. Bí quyết thành công của chúng tôi đó là tương tác với nhau thường xuyên trong suốt quá trình triển khai dự án. Bên cạnh đó, công ty cũng tranh thủ “học nghề” của nhà tư vấn, chứ không phó thác tất cả cho họ.”
Chuyển giao công nghệ là một hấp lực của dịch vụ tư vấn CNTT. Tuy nhiên, trên thực tế, thực hiện việc này thực sự chẳng dễ dàng chút nào. Ông Nguyễn Thanh Quang phân tích: “Chẳng phải chúng tôi không muốn ‘giao’. Có điều dường như doanh nghiệp không thích ‘nhận’. Đơn giản chỉ vì doanh nghiệp thuê tư vấn không có chính sách và cơ chế đặc thù dành cho bộ phận CNTT của họ. Nhân viên nào cũng nói rằng mình rất thích được học hỏi kinh nghiệm từ nhà tư vấn. Nhưng khi bắt tay vào công việc, đa phần từ chối vì ngại phải gánh thêm trách nhiệm. Hơn nữa, mỗi khi dự án gặp phải trục trặc, thì chính họ mới là người đầu tiên phải giải quyết vấn đề vì đã được chuyển giao công nghệ.”
Khi được hỏi về việc làm thế nào để nâng tầm dịch vụ tư vấn CNTT trong thời gian tới, các doanh nghiệp tham gia cuộc điều nghiên sơ bộ đã đề xuất những phương án như sau. Thứ nhất, các nhà tư vấn nên cung cấp nhiều gói dịch vụ khác nhau, tùy thuộc vào khả năng tài chính và quy mô dự án, thay vì “buộc” doanh nghiệp phải khai thác trọn gói. Thứ hai, Chính phủ cần sớm thành lập những trung tâm giám sát và phản biện xã hội về dịch vụ tư vấn CNTT. Chính những “chợ đầu mối” này sẽ giúp củng cố niềm tin cho doanh nghiệp thuê tư vấn. Thứ ba, vì là sản phẩm vô hình nên dịch vụ tư vấn CNTT cần được hữu hình hóa bằng các bộ chuẩn lượng giá đặc thù. Cuối cùng, Nhà nước nên tiến hành rà soát lại năng lực đáp ứng dịch vụ của các nhà tư vấn “trung chuyển”. Sở dĩ phải đề cập đến vấn đề này là vì thời gian qua đã có không ít “cò” lợi dụng danh nghĩa tư vấn để lừa gạt khách hàng. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Có thể nói rằng thị trường dịch vụ tư vấn CNTT tại Việt Nam hiện vẫn còn đang trong giai đoạn tiềm năng. Các giải pháp đưa ra dẫu hay đến mấy cũng chẳng xoay chuyển được tình thế, trừ phi tất cả những người trong cuộc chịu thông cảm và chia sẻ khó khăn của nhau. Nếu không có ý thức đoàn kết ngay từ bây giờ, liệu rằng các “quân sư” thời @ của Việt Nam có thể trụ vững trước “sóng cả” WTO đang dần ập đến?
Bảo Nguyên
"Quân sư" thời @
72
Bạn nên đọc
-
5 cách khởi chạy nhanh chương trình trên Windows
-
Shazam kỷ niệm cột mốc bài hát thứ 100 tỷ được nhận dạng cùng nhiều kỷ lục ấn tượng khác
-
Age of Empires Mobile chốt thời điểm ra mắt chính thức trên iOS và Android
-
Crucial ra mắt mẫu SSD Gen4 NVMe mới giúp Windows khởi động nhanh hơn Samsung, WD
-
Microsoft ngừng hỗ trợ DRM cũ trên Windows Media Player, Windows 7/8, Silverlight
-
OpenDNS là gì, những ưu điểm, nhược điểm của OpenDNS
0 Bình luận
Sắp xếp theo
Xóa Đăng nhập để Gửi
Cũ vẫn chất
-
Cách cài đặt ứng dụng Miracast Connect trên Windows 10
Hôm qua -
Cách sửa lỗi Clock Watchdog Timeout trong Windows 10
Hôm qua -
Cách ghép đồ Đấu Trường Chân Lý mùa 12, đồ mới DTCL mùa 12
Hôm qua 8 -
Cách đăng ký VssID trên máy tính, điện thoại, tạo tài khoản bảo hiểm xã hội chi tiết nhất
Hôm qua -
Cách chọn tất cả các màu sắc giống nhau trong Photoshop
Hôm qua -
Điền số thứ tự, ký tự đầu dòng tự động Word
Hôm qua 1 -
Cách bật và sử dụng Remote Desktop trên Windows 11
Hôm qua -
Code Yêu Linh Giới mới nhất và cách nhập
Hôm qua -
Cách tạo thời khóa biểu trong Excel
Hôm qua -
6 cách khắc phục lỗi checksum trong WinRAR
Hôm qua