7 quan niệm sai lầm về phần mềm mã nguồn mở

Khi nói đến phần mềm nguồn mở và miễn phí (FOSS), nhiều người có thể cảm thấy “chới với” như thể đang lạc giữa một biển các quan niệm sai lầm. Điều này thật sự đáng tiếc vì FOSS là một thành phần quan trọng của hệ sinh thái phần mềm ngay nay mà nếu biết cách tận dụng, chúng có thể mang lại những lợi ích cực to lớn có bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Dưới đây là 7 quan niệm sai lầm thường thấy về phần mềm mã nguồn mở mà bạn nên tránh.

Phần mềm mã nguồn mở không an toàn

Một quan niệm sai lầm phổ biến là FOSS không an toàn vì mã nguồn của các phần mềm dạng này có thể được truy cập công khai, cho phép tin tặc dễ dàng lạm dụng và khai thác. Trên thực tế, điều ngược lại mới đúng. Bản chất công khai của mã nguồn mở cho phép cộng đồng các nhà phát triển trên toàn thế giới review và nhập dữ liệu liên tục.

Bởi vì có rất nhiều nhà phát triển cùng để mắt đến mã nguồn, đặc biệt là đối với những dự án phổ biến, các vấn đề tồn tại trong mã có thể được phát hiện và sửa chữa nhanh chóng, thường xuyên. Điều này không có nghĩa là FOSS an toàn hơn phần mềm nguồn đóng, nhưng ít ra thì chúng cũng không phải là nơi để tin tặc “muốn làm gì thì làm”. Đó là còn chưa kể đến những tính năng bảo mật dành riêng cho FOSS, không kém hiệu quả so với các giải pháp bảo mật được sử dụng cho mã nguồn đóng, nội bộ.

Nguồn mở có nghĩa là chất lượng kém hơn

Rất nhiều người tin rằng vì FOSS thường miễn phí và được phát triển bởi các tình nguyện viên nên phi lợi nhuận nên sẽ có chất lượng thấp hơn. Trên thực tế, nhiều dự án nguồn mở đã được chứng minh là tốt tương tự các phần mềm nguồn đóng cạnh tranh trực tiếp. Thông thường các dự án FOSS thường được hưởng lợi từ nguồn đầu vào đa dạng, với việc nhiều nhà phát triển từ các nền tảng và trình độ chuyên môn khác nhau trên toàn thế giới cùng đóng góp chất xám để tạo nên một phần mềm mạnh mẽ, chất lượng cao.

Chẳng hạn, LibreOffice không sở hữu lượng tính năng đa dạng như Office 365, nhưng nó cung cấp các tính năng mà đại đa số mọi người thực sự cần. Tương tự như vậy, GIMP có thể không có tất cả các tính năng giống Adobe Photoshop, nhưng nếu được sử dụng đúng cách, kết quả thu về có thể tốt như nhau, đây là điều đã được chứng minh. Và chắc chắn bạn cũng không thể nói VLC Player là một công cụ phát đa phương tiện dở vì nó có nguồn mở.

Nguồn mở chỉ dành cho nhà phát triển

Có một quan niệm sai lầm rằng FOSS chỉ dành cho các nhà phát triển và chuyên gia IT, chủ yếu bởi vì chúng thường cấp cho người dùng quyền truy cập vào mã nguồn cơ bản. Mặc dù đúng là việc có quyền truy cập vào mã nguồn có thể thuận lợi cho các nhà phát triển, nhưng nhiều chương trình nguồn mở cũng rất thân thiện với người dùng và không yêu cầu kiến thức về code: Audacity để chỉnh sửa âm thanh, VLC để phát lại phương tiện, Thunderbird dành cho email, v.v.

Phần mềm nguồn mở không khả thi về mặt thương mại

Một số người tin rằng phần mềm nguồn mở không khả thi về mặt thương mại vì chúng có thể được phân phối tự do. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã đạt được thành công nhờ cung cấp các dịch vụ cao cấp liên quan đến FOSS, chẳng hạn như tùy chỉnh, cài đặt, hỗ trợ kỹ thuật hoặc các tính năng bổ sung. Những công ty như Red Hat (ví dụ: Red Hat Linux), IBM (ví dụ: PyTorch) và thậm chí cả Google (ví dụ: Android)... đều đã chứng minh rõ khả năng thương mại của các mô hình nguồn mở.

Mã nguồn mở luôn miễn phí

Mặc dù đúng là có rất nhiều phần mềm mã nguồn mở miễn phí, nhưng "mã nguồn mở" không nhất thiết có nghĩa là "miễn phí". Thuật ngữ "mã nguồn mở" đề cập đến khả năng truy cập không giới hạn của mã nguồn, không phải giá. Nhiều dự án nguồn mở được tài trợ thông qua nhiều phương thức khác nhau, chẳng hạn như quyên góp, phí đăng ký hoặc cung cấp các phiên bản cao cấp với tính năng bổ sung.

Các dự án nguồn mở không được hỗ trợ tốt

Việc giả định rằng FOSS không có hỗ trợ tốt vì chúng chỉ dựa vào cộng đồng là một sai lầm khác. Mặc dù đúng là đa số các dự án nguồn mở thường không có dịch vụ khách hàng chuyên biệt như với phần mềm thương mại, nhưng nhiều dự án vẫn sở hữu một cộng đồng hỗ trợ cực kỳ tích cực gồm các nhà phát triển và người dùng trên toàn thế giới. Các diễn đàn, hướng dẫn và tài liệu trực tuyến luôn sẵn sàng cung cấp nguồn trợ giúp và kiến thức phong phú.

Tất cả phần mềm nguồn mở đều giống nhau

Cuối cùng, có một quan niệm sai lầm rằng tất cả FOSS đều giống nhau. Nhưng giống như phần mềm độc quyền, FOSS khác nhau rất nhiều về chức năng, thiết kế, hỗ trợ và các điều kiện cấp phép. Ví dụ, hãy xem xét sự khác biệt giữa hai hệ điều hành nguồn mở Debian và Ubuntu. Chúng có người dùng mục tiêu khác nhau, chu kỳ phát hành khác nhau và môi trường mặc định cũng không giống nhau.

Chúc bạn tận dụng hiệu quả những lợi ích mà phần mềm nguồn mở mang lại.

Thứ Tư, 26/07/2023 17:45
53 👨 258
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ