Trong thời đại bùng nổ smartphone hiện nay, một câu hỏi mà nhiều người dùng thắc mắc là smartphone có thực sự "nghe lén" chúng ta hay không? Và để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu Đại học Northeastern (Massachusetts) đã tiến hành một thử nghiệm với 10 chiếc điện thoại Android chạy hơn 17.000 ứng dụng.
Trong suốt quá trình thực hiện thử nghiệm, các nhà nghiên cứu dựa trên các thao tác được thực hiện hoàn toàn tự động bằng chương trình máy tính mô phỏng thao tác của con người để phân tích những gì xảy ra.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, smartphone không hề dùng micro bí mật ghi âm người dùng. Một trong những tác giả báo cáo, ông David Choffnes đã tuyên bố rằng, họ không tìm thấy bằng chứng cho thấy smartphone bí mật ghi lại các cuộc trò chuyện của người dùng.
Nhưng báo cáo từ nghiên cứu cũng đưa ra thông tin đáng chú ý là một số ứng dụng Android có thể chụp ảnh và quay màn hình rồi gửi đến máy chủ từ xa mà không cần người dùng cấp quyền cho hành động này.
Cụ thể, trong báo cáo có nhắc tới GoPuff, dịch vụ đặt thức ăn vặt tại nước ngoài. Theo đó, ứng dụng này đã chụp lại màn hình trên smartphone của người dùng có thể chứa mã ZIP dẫn đến khu vực người dùng đang ở, rồi gửi đến công ty tên là Appsee, một hãng phân tích di động. Mặc dù không chứa nhiều thông tin quan trọng và không nguy hiểm nhưng ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra.
Sau cáo buộc này, Appsee đã lên tiếng và khẳng định rằng mình không hề sai và "đổ lỗi" cho GoPuff vi phạm chính sách của App Store và Google Play. Sau đó, GoPuff đã cập nhật chính sách và loại bỏ SDK Appsee khỏi ứng dụng trên Android và iOS như một hành động đáp trả.
Ảnh chụp màn hình có thể tiết lộ nhiều thông tin nhạy cảm như mật khẩu, địa chỉ… Vì vậy, việc ghi lại màn hình thực sự là một nỗi lo ngại lớn và vấn đề về quyền riêng tư lại được đặt ra. Trong thế giới công nghệ ngày nay, người dùng có thể bị theo dõi bất cứ lúc nào qua rất nhiều hình thức khác nhau.
Xem thêm: