Công nghệ cảm ứng (touchsreen) đang “càn quét” thị trường thiết bị điện tử, vì thế, rất dễ hiểu khi các tên tuổi trong làng công nghệ đều hy vọng “kiếm chác” được chút ít từ loại màn hình này, kể cả những hãng sản xuất máy tính.
HP đánh cược với PC màn hình cảm ứng TouchSmart
Touchscreen - nguồn cảm hứng bất tận
Các hãng di động và máy tính, như Nokia, RIM (Research in Motion), HP và Asus đều đã trình làng những sản phẩm có màn hình cảm ứng nhằm chạy đua xu hướng mới với hy vọng gặt hái được nhiều thành công.
Chính thế hệ hệ điều hành Windows 7 sắp ra mắt của Microsoft đang khiến cho các nhà sản xuất hy vọng sẽ “đẩy” công nghệ cảm ứng tiến xa hơn một bước. Giới công nghệ tỏ ra rất phấn khích khi Microsoft sản xuất phần mềm hỗ trợ các tính năng cảm ứng cho hàng triệu laptop cũng như PC để bàn.
Tuy nhiên, các phân tích cho rằng người dùng sẽ không thể cảm nhận được sự khác biệt giữa PC cảm ứng với các laptop hay PC thông thường. Theo họ, công nghệ touchscreen không thể vượt ra ngoài “biên giới” của ĐTDĐ.
“Dù thế nào đi nữa, PC cảm ứng không thể trở thành hiện thực mặc dù ngày càng nhiều nhà sản xuất “lao” vào thực hiện tham vọng này”, nhà phân tích Jay Chou của IDC nói. “Phần mềm dành riêng cho công nghệ cảm ứng vẫn đang ở trong giai đoạn “phôi thai”. Và, cho đến khi “thành hình” rồi thì chắc chắn chúng ta sẽ còn phải chờ khá lâu nữa mới hiện thực hóa được mong ước này”. Windows 7 là phần mềm được hy vọng biến giấc mơ “PC cảm ứng” thành sự thực.
Màn hình cảm ứng, công nghệ trước đây chỉ xuất hiện tại các quầy thanh toán ở siêu thị hay sân bay, ngân hàng, đã nhảy vào thị trường công nghệ tiêu dùng nhờ “sức bật” của điện thoại iPhone của Apple. iPhone chính là nguồn cảm ứng cho loạt sản phẩm “ăn theo” sau này.
Thất bại ngay từ “trứng nước”
Nhiều tham vọng của các hãng sản xuất máy tính khi tung ra các máy tính sử dụng màn hình cảm ứng, như tablet PC, đã nhanh chóng “chấp nhận thương đau”. Các PC này không đáp ứng được mong đợi của người dùng như những gì mà nó được phóng đại từ cách đây 10 năm.
Bàn phím kiểu cũ cùng con chuột truyền thống vẫn là công cụ làm việc tốt nhất trên máy tính. Thói quen giao tiếp của người dùng rõ ràng là rất khó thay đổi, đặt biệt nếu có thêm sự hậu thuẫn từ phần mềm.
“Đúng là phóng đại bởi ý tưởng người dùng sử dụng màn hình cảm ứng trên máy tính hoàn toàn không có thực tế chút nào. Việc người dùng phải “hoạt động” hai đầu ngón tay liên tục trên một thiết bị có màn hình rộng như vậy không mang lại trải nghiệm tốt cho họ chút nào”, nhà phân tích Tracy Tsai của Gartner nhận định.
Máy tính sử dụng touchscreen đã xuất hiện trên thị trường nhưng giá thành đắt đỏ cộng với hạn chế tính năng đã khiến chúng vẫn bị bó hẹp trong thị trường ngách (niche). Dòng PC này mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng số máy tính bán ra trên toàn thế giới.
“Điều tôi thắc mắc nhất là việc đưa touchscreen vào PC mang lại những giá trị gì? Có lẽ là không nhiều. Thế thì làm sao chúng ta lại phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua nó?”, một nhà phân tích của iSuppli nói.
Mặc dù vậy, cũng đã có nhiều nhà đầu tư rót tiền cho các công ty để sản xuất máy tính cảm ứng. Nhờ đó, giá cổ phiếu của các công ty sản xuất thiết bị, trong đó có Wintek, đã tăng gấp 4 lần, còn Young Fast tăng gấp đôi.
Các công ty khảo sát thị trường hy vọng doanh thu cả những nhà sản xuất màn hình cảm ứng sẽ tăng 17%, đạt 1,5 tỷ USD trong 3 năm tới. Cũng có người đang đánh cược rằng sẽ ngày càng nhiều máy tính và thiết bị công nghệ được trang bị touchsreen.