Panasonic đã trang bị cho FH20 zoom quang lớn trong khi vẫn duy trì thân mình mỏng mảnh cùng với hàng loạt các tính năng tự động nhận cảnh.
Về cấu hình cơ bản, DMC-FH20 cũng không hề tệ nếu so sánh với các phiên bản đối thủ với độ phân giản 14,1 triệu điểm ảnh, zoom quang 8x (28 – 224mm) với ống góc rộng vừa phải và cơ chế chống rung quang học, màn LCD 2,7 inch 230.000 điểm ảnh và khả năng chụp Macro với khoảng cách tối thiểu xuống tới 5cm.
Panasonic DMC-FH20 có nhiều màu sắc. Ảnh: PMA-show.
Có thiết kế vuông vắn, cổ điển, DMC-FH20 trông trẻ trung và mang đậm tính công nghệ mới với 4 màu lựa chọn. Mặt trước chỉ gồm ống kính, đèn flash và đèn hỗ trợ nét. Ống ngắm quang đã được bỏ, thay vào đó mọi thao tác sẽ được thực hiện thông qua màn LCD. Với chất lượng vừa phải, chỉ 230.000 điểm ảnh như đại đa số các máy du lịch khác, DMC-FH20 đủ để căn khung, xem lại ảnh và video chứ chưa mang lại được một chất lượng khác biệt nào.
Bên cạnh màn LCD chiếm phần lớn ở mặt sau là các nút chỉnh thông số cơ bản rất quen thuộc và dễ dùng, gần như tương tự nhau với các đời máy dù của các hãng khác nhau như chỉnh đèn flash, chỉnh chế độ chụp, chỉnh bù sáng, tự chụp và nút bật tắt màn hình. Nút Mode được thiết kế rời với khả năng chuyển đổi các chế độ ảnh thông thường, mặc cảnh, tùy biến hay quay video. Nút gạt giữa chế độ chụp và xem lại ảnh được bố trí dưới dạng công tắc, hơi bất tiện, trong khi các thế hệ máy mới thường sử dụng nút điện tử để người dùng muốn chuyển nhanh về chế độ chụp chỉ cần nhá nút chụp ảnh thay vì phải chuyển công tắc như trên phiên bản này.
Ở mặt trên, DMC-FH20 cũng được thiết kế khá đơn giản với công tắc nguồn, nút chụp ảnh và vòng zoom kết hợp, bên cạnh dó là nút iA cho phép chuyển nhanh về các chế độ chụp thông minh. Chế độ này cho phép người dùng lựa chọn giữa 6 chế độ thông minh mặc định như chân dung (i-Portrait), phong cảnh (i-Scenery), chụp Macro, chụp đêm (i-Night Portrait)… rất phù hợp cho những người ngại điều chỉnh hoặc mới làm quen với nhiếp ảnh.
Hệ thống menu của Panasonic đơn giản, khá dễ hiểu và không mất nhiều thời gian làm quen. Ngoài hệ menu truyền thống, với nút Q.Menu, người dùng có thể truy cập nhanh để căn chỉnh các thông số cơ bản của máy một cách dễ dàng thông qua hệ thống các biểu tượng, khá dễ dàng ngay cả với người không biết nhiều tiếng Anh.
Chế độ chụp liên tục của FH20 về cơ bản chỉ đạt được 1,5 khung hình/giây, nhưng trong trường hợp cần tăng tốc, người chụp có thể hạ độ phân giải xuống 3 triệu điểm ảnh để đạt được 4,6 khung hình/giây. Đặc biệt với chế độ mặc cảnh, người chụp có thể tự do lựa chọn giữa 25 thiết đặt mặc cảnh, đủ hầu hết các tình huống thông thường, dù đôi khi nhiều tùy chọn cũng khiến người người sử dụng băn khoăn không biết nên lựa chế độ nào là hợp lý nhất.
Panasonic FH20 có zoom quang 8x. Ảnh: Ecoustics.
Để theo kịp các thế hệ máy mới trong năm nay, Panasonic cũng trang bị cho FH20 khả năng quay phim HD 1.280 x 720 pixel với tốc độ 30 khung hình/giây cho "bằng anh bằng em" nhưng định dạng lại vẫn dùng QuickTime MPEG thay vì AVCHD gọn nhẹ hơn. Mặc dù quay HD nhưng chất lượng video chỉ ở mức trung bình, độ phân giải vừa đủ nhưng xử lý răng cưa đường thẳng kém. Thêm vào đó, không zoom quang được trong quá trình quay phim và thu âm chỉ mono thay vì stereo cũng là một nhược điểm cố hữu của những máy du lịch mà FH20 cũng không phải là ngoại lệ. Một điểm hơi bất tiện khác đó là nút chế độ quay phim cũng không được tách rời như nhiều phiên bản khác mà phải truy cập thông qua menu khiến cho việc điều khiển có phần hơi phức tạp so hơn.
Chất lượng ảnh chụp ngoài trời của FH20 không có gì phải phàn nàn. Với ánh sáng đủ, màu sắc thể hiện rực rỡ, chi tiết, độ tương phản giữ vùng sáng và vùng tối hợp lý. Tốc độ hoạt động cũng thuộc hàng trên mức trung bình với thời gian lấy nét chỉ 0,011 giây, thời gian khởi động khoảng 1,7 giây.
Ở chế độ tự động cân bằng trắng, màu sắc trên FH20 có xu hướng thiên ấm, trong khi nếu chuyển về chỉnh tay lại thành hơi lạnh. Đèn flash hoạt động chỉ ở mức trung bình từ khoảng trên dưới 3 mét, nhưng bù lại thời gian hồi đèn khá nhanh, chỉ trên dưới 3 đến 4 giây.
Chất lượng ống kính trên FH20 không được xuất sắc như mong đợi. Trong các ảnh thử nghiệm, độ sắc nét chỉ đạt nhất ở khu vực trung tâm, càng ngoài rìa ảnh độ nét càng giảm sút. Ở tiêu cự tele thì ngay cả ở khu vực trung tâm độ nét cũng bắt đầu nhận thấy suy giảm. Độ méo hình cũng không tránh khỏi khi ống kính mở rộng hết cỡ và cũng chỉ giảm chút ít ở tiêu cự tele. Nhiễu hạt mặc dù được kiểm soát tốt nhưng cũng chỉ từ ISO 80 đến 200, còn từ dải 400 trở lên thì nhiễu đã xuất hiện khá nhiều làm giảm dần chất lượng và mất chi tiết ảnh.
Panasonic FH20 được bán với giá 6 triệu đồng. Ảnh: Cnet.
Tuy nhiên, khi xem xét mức giá của FH20, khoảng 6 triệu đồng, mới thấy với các dòng sản phẩm cỡ giá này thì các tính năng hoạt động như vậy đã là khá hợp lý. Xét về cấu hình, zoom quang lớn trong khi vẫn duy trì thân mình mỏng mảnh cùng với hàng loạt các tính năng tự động nhận cảnh mà Panasonic trang bị, có thể nói FH20 là phiên bản vừa đủ bình dân phù hợp cho đại đa số người dùng có thể tiếp cận được những tiến bộ của của công nghệ nhiếp ảnh số mà không phải bỏ ra quá nhiều chi phí.