OpenAI cấm cửa các nhà phát triển đến từ Trung Quốc

OpenAI đang nỗ lực chặn các hành vi truy cập dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của mình thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) từ "các quốc gia và vùng lãnh thổ không được hỗ trợ", gồm cả Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Quyết định mới nhất của OpenAI nhằm chặn tối đa quyền truy cập đối với các nhà phát triển có trụ sở tại Trung Quốc được cho là sẽ góp phần định hình lại bối cảnh phát triển chung của thị trường AI trong khu vực. Giới phân tích tin rằng động thái này sẽ không những không thể cản trở đà phát triển của lĩnh vực AI tại Trung Quốc, mà trái lại còn giúp đẩy nhanh sự tự chủ về các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo của quốc giá tỷ dân này.

Zhou Hongyi, Giám đốc điều hành của Qihoo 360, một công ty bảo mật lớn có trụ sở tại Trung Quốc, dự đoán rằng lệnh cấm sẽ thúc đẩy người dùng đại lục dành nhiều sự quan tâm hơn đối với các mô hình AI nội địa. Bản thân Qihoo 360 cũng phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được đánh giá là khá tiềm năng.

Mặc dù các dịch vụ của OpenAI về cơ bản không chính thức khả dụng ở Trung Quốc, nhưng các nhà phát triển vẫn sử dụng VPN và API để vượt qua các hạn chế. Tuy nhiên, lệnh cấm mới được ban hành đang thúc đẩy phản ứng nhanh chóng từ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, mong muốn tận dụng cơ hội để thu hút sự chú ý của người dùng đối với các sản phẩm nội địa.

OpenAI cấm cửa các nhà phát triển đến từ Trung Quốc

Phản ứng lại lệnh cấm của OpenAI, một loạt công ty Trung Quốc đang đưa ra những ưu đãi lớn để thu hút các nhà phát triển. Ví dụ, công ty Zhipu AI có trụ sở tại Bắc Kinh đã đưa ra “kế hoạch chuyển nhà đặc biệt” để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của người dùng sang nền tảng của công ty. Các công ty lớn như Alibaba, Baidu, Baichuan và 01.ai cũng đang tung ra nhiều đặc quyền khác nhau, bao gồm giảm giá, quà tặng miễn phí và hỗ trợ kỹ thuật. Baidu đang cung cấp tính năng tinh chỉnh mô hình AI và 50 triệu mã token miễn phí. Tương tự, SenseTime Group Inc. và Zhipu AI cũng đang lần lượt phát hành 50 triệu và 150 triệu mã token cùng với các buổi đào tạo hoàn toàn miễn phí.

Tuy vậy, lệnh cấm của OpenAI cũng có thể dẫn đến sự rút lui của các công ty khởi nghiệp quy mô nhỏ hơn. Cũng đang có những lo ngại về việc liệu các mô hình nguồn mở khác, như Llama của Meta, cũng sẽ cắt quyền truy cập của các nhà phát triển Trung Quốc hay không.

Nhìn chung, động thái của OpenAI tuy mang lại lợi ích cho các mô tình LLM nội địa Trung Quốc thông qua việc giảm sự cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều thách thức về khả tiếp cận các thuật toán tiên tiến toàn cầu. Điều này phù hợp với những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm hạn chế sự mở rộng của Trung Quốc đối với với công nghệ bán dẫn và AI tiên tiến.

Về lâu dài, việc thiếu khả năng tiếp cận các công cụ toàn cầu có thể làm chậm tiến độ AI của Trung Quốc. Chủ tịch Alibaba Joe Tsai ước tính sẽ mất hai năm để các mô hình AI của Trung Quốc sánh ngang với các mô hình AI của Mỹ. Tình trạng này cũng có thể đẩy nhanh quá trình di cư của các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc ra nước ngoài để tìm thị trường ổn định hơn.

Lệnh cấm OpenAI vừa là một trở ngại, đồng thời cũng là chất xúc tác cho sự tăng trưởng và chuyển đổi trong lĩnh vực AI của Trung Quốc. Với hơn 200 LLM tự phát triển trong nước, trong đó có 117 được phê duyệt phát hành ra công chúng, Trung Quốc sẵn sàng củng cố vị thế của mình trong ngành AI toàn cầu.

Thứ Sáu, 28/06/2024 09:38
31 👨 283
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ