Nvidia Turing - GPU đầu tiên sở hữu kiến trúc thế hệ mới giúp dò tia trong thời gian thực

CEO của Nvidia Jen-Hsun Huang vừa giới thiệu GPU Turing với khả năng đưa việc xử lý đồ họa bằng phương thức dò tia thực hiện ngay trong thời gian thực. Turing là kiến trúc GPU mới của Nvidia hướng tới AI, Deep Learning và Ray Tracing (dò tia).

SIGGRAPH - sự kiện hàng năm về đồ họa máy tính - từ lâu đã mất đi “nét nghệ thuật” của mình, thay vào đó là sự kết hợp của nhiều sản phẩm công nghệ cho cả người dùng phổ thông và cao cấp. Năm ngoái chứng kiến sự nổi bật của AMD thì năm nay, có lẽ đáng chú ý hơn cả lại là một sản phẩm của Nvidia.

Trên sân khấu SIGGRAPH, ông Jen-Hsun, CEO của Nividia, giới thiệu về thế hệ card đồ họa Quadro mới có tên Quadro RTX, sử dụng kiến trúc GPU thế hệ mới của Nvidia có tên Turing. Công nghệ dò tia (Ray Tracing) là chìa khóa cốt lõi trong nghệ thuật tranh tả thực (photorealism) lần đầu được J. Turner Whitted đưa ra trên VAX-11/780 và sau này Nvidia gọi là Global Illumination, là khả năng sao chép chính xác tác động ánh sáng trong môi trường của một vật thể (dò đường đi của ánh sáng qua các điểm ảnh) để tạo ra hình ảnh tới mức như thật.

Trước đây việc này cần tới vài giờ, thậm chí là vài ngày để hoàn thành. Nhưng nay Nvidia muốn thay đổi điều đó. Nvidia chính thức giới thiệu 3 card Quadro mới là Quadro RTX 5000, RTX 6000 và RTX 8000.

Tóm tắt qua về những card mới của Nvidia
Tóm tắt qua về những card mới của Nvidia

Ông Jen-Hsun cho biết đây là thành tựu đáng kể nhất từ khi CUDA ra đời 10 năm trước. (Trước đây card đồ họa và GPU rời chỉ có thể tăng tốc game cho hình ảnh đẹp hơn nhưng từ năm 2006, Nvidia giới thiệu CUDA cho phép chip thực hiện cả hoạt động tính toán song song với vi xử lý chính của PC). Đây cũng là những vi xử lý đầu tiên có khả năng dò tia trong thời gian thực được bán trên thị trường.

Card đồ họa kiến trúc mới hỗ trợ Deep Learning, AI và dò tia
Card đồ họa kiến trúc mới hỗ trợ Deep Learning, AI và dò tia

Cốt lõi của các card đồ họa này là Turing GPU gồm:

  • Lõi Streaming Multiprocessor (SM) giúp tính toán và mô phỏng chiều sâu.
  • Lõi Real Time Raytracing (RTRT) giúp dò tia trong thời gian thực.
  • Lõi Tensor cho Deep Learning và AI.
  • Hệ thống con video cung cấp Encode HEVC 8K.
  • Hệ thống con bộ nhớ với bus 384-bit và GDDR6 tốc độ 14Gb/giây.
  • Hệ thống con NVLink chia sẻ bộ đệm khung trên tất cả các card với tốc độ 100Gb/giây.
  • Hệ thống con hiển thị có thể hỗ trợ 4 màn hình và Virtual Link.

Một thay đổi lớn trong kiến trúc là lõi mà Nvidia gọi là Real Time Ray Tracing (RTRT). Hiện tại chưa có nhiều thông tin về kiến trúc này, ngoài việc Nvidia đang cố tạo ra con số tính bằng Gigaray (số tia mà mỗi pixel render được một giây ở một tỉ lệ khung hình nhất định).

Bên cạnh đó, Turing cũng dùng lõi Tensor Core để tăng tốc các hoạt động liên quan tới trí tuệ nhân tạo. NVLink mới loại bỏ hạn chế khi chia sẻ bộ đệm khung với khả năng cộng tổng, tức là 2 card RTX 8000 có thể chia sẻ 96GB GDDR6.

Các công ty hiện đã bước lên “đoàn tàu” Quadro RTX gồm Adobe, Autodesk, Dell, HP, Lenovo, Pixar… Nhưng đây chưa phải card dành cho game thủ mà phải chờ tới GeForce RTX 2080 (chứ không phải GTX 1180 như đồn đại) được công bố tại sự kiện Gamescom diễn ra vào ngày 20 sắp tới.

Xem thêm:

Thứ Hai, 27/08/2018 15:00
51 👨 872
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Công nghệ mới