Các chuyên gia cho rằng Nokia đang bị lạc lối về tương lai của họ khi tập trung vào những lĩnh vực ngoài sản xuất di động.
Dù mới chỉ dẫn đầu thị trường điện thoại di động từ cuối thập niên 90 nhưng dường như Nokia đã bắt đầu “chán” danh hiệu hãng sản xuất di động lớn nhất thế giới và đang cố gắng bẻ lái để trở thành hãng dẫn đầu thị trường dịch vụ giá trị gia tăng cho di động. Các chuyên gia cho rằng Nokia đang bị lạc lối về tương lai của họ.
Mục tiêu 300 triệu
Nokia đang tập trung phát triển mảng kinh doanh dịch vụ gia tăng cho di động. |
Nhưng các nhà phân tích thị trường lại rất nghi ngờ tính khả thi của kế hoạch này và có lẽ đó cũng chính là lý do khiến cho giá cổ phiếu của Nokia đã giảm tới 50% chỉ từ năm ngoái đến nay, bất chấp họ vẫn là nhà sản xuất thiết bị di động số 1 thế giới.
Mới đây, Tổng giám đốc hãng Nokia Olli-Pekka Kallasvuo, đã thừa nhận trên tờ Thời báo Tài chính rằng Nokia đang tìm kiếm “một sự thay đổi sâu sắc và triệt để” về văn hóa bằng việc hướng tất cả mọi người đến các “giải pháp” hay còn gọi là chiến lược bán thiết bị kèm theo các dịch vụ tiện ích, thân thiện với người dùng.
Sở dĩ các nhà phân tích thị trường và các nhà đầu tư nghi ngờ chiến lược “hướng dịch vụ” của Nokia bởi họ biết rằng, trên mặt trận này, Nokia đã để cho Apple chiếm thế thượng phong quá lớn. Tính đến hết tháng 7/2009, App Store của Apple đã có tới hơn 1,5 tỷ lượt tải ứng dụng. Trong khi đó, mãi đến tháng 6 năm nay, tức gần 2 năm kể từ khi iPhone ra đời Nokia mới bắt đầu bán ra thị trường mẫu N97 – mẫu di động màn hình cảm ứng đầu tiên của hãng được cho là đối thủ của iPhone. Nhưng cũng ngay sau đó, các chuyên gia về thiết bị của Credit Suisse đã xếp N97 ở vị trí thấp nhất trong số 4 mẫu smartphone cao cấp. iPhone vẫn đứng số 1 với 91/100 điểm còn Nokia N97 chỉ được 63/100 điểm.
“Xôi hỏng, bỏng không”
Sự yếu kém và thất thế trong phân khúc smartphone cao cấp của Nokia được nhiều chuyên gia cho là “tử huyệt” của hãng di động lớn nhất thế giới này. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ảm đạm, thị trường điện thoại di động liên tục tụt dốc, riêng mảng smartphone vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhưng đây cũng là mảnh đất mà Nokia vẫn chậm chân và chưa kịp khai phá.
Trong khi đó, Niklas Savander, lãnh đạo phụ trách mảng dịch vụ của Nokia có lần đã cho rằng Apple và nhà sản xuất BlackBerry đã “dạy cho các hãng sản xuất di động một bài học đau đớn về cách làm thế nào để thâu tóm thị trường và lợi nhuận bằng việc kết hợp giữa thiết bị và các dịch vụ kiểu như âm nhạc, email”. Năm 2007, Nokia là hãng dẫn đầu thị trường điện thoại di động về mức tỷ suất lợi nhuận với 20,1% nhưng quý II/2009, tỷ lệ này chỉ còn là 12,2%.
Rod Hall, một nhà phân tích của hãng tài chính JPMorgan có lần đã khuyên rằng Nokia cần nhanh chóng “xử lý triệt để điểm yếu trên thị trường smartphone” chứ không nên sa đà vào cuộc đua “dịch vụ” vô bổ. Nhưng về phía Nokia, ông Kallasvuo ngay sau đó cũng đã lên tiếng cho rằng Nokia chỉ cần “tinh chỉnh một chút” và sẽ tiếp tục tập trung vào chiến lược mà ông đã đề ra.
Ông khẳng định, Nokia sẽ thành công trong quá trình chuyển đổi này và nhấn mạnh con số hơn 3.000 nhân viên cao cấp mà bộ phận dịch vụ của Nokia đã tuyển được từ Apple, Google hay Yahoo...
Các dịch vụ giá trị gia tăng và tiện ích cho di động mà Nokia dự định cung cấp bao gồm 5 lĩnh vực chính: email, tin nhắn ngắn, game, bản đồ, âm nhạc và các tiện ích khác với tên gọi chung là gói dịch vụ Ovi (theo tiếng Phần Lan có nghĩa là “cánh cửa”). Nhưng đến nay, rất nhiều dịch vụ của Ovi vẫn đang trong quá trình xây dựng hoặc đã xây dựng xong nhưng vẫn còn rất nghèo nàn. Ví dụ, Ovi Store (shop ứng dụng) của Nokia hiện mới chỉ có khoảng 4.500 ứng dụng trong khi App Store của Apple đã có tới hơn 65.000 ứng dụng. Các ứng dụng của Apple chỉ phục vụ cho một mẫu thiết bị duy nhất (iPhone) thì Ovi Store phải “gánh trên vai” 75 mẫu điện thoại khác nhau. Đây cũng chính là một thách thức không nhỏ nữa cho hãng di động Phần Lan.
Carolina Milanesi, một chuyên gia của Gartner cảnh báo rằng Nokia sẽ chỉ có 6 tháng để tìm lại chỗ đứng của mình trên thị trường smartphone cao cấp nếu không họ sẽ “thua trên mọi mặt trận”.
Và giờ đây ông Kallasvuo đang phải tìm ra lời giải cho bài toán tương lai trước khi mọi sự trở nên tồi tệ và sa chân vào cảnh “xôi thì hỏng mà bỏng cũng không”.