Quyết định gần đây của Nokia là đóng mã nguồn hệ điều hành Symbian trên điện thoại thông minh. Nhưng, điều này không gây ảnh hưởng nhiều đến các nhà phát triển ứng dụng hay người tiêu dùng.
Ngã rẽ cho Symbian
Trong một thời gian ngắn, Nokia đã đưa hệ điều hành Symbian trên điện thoại thông minh (smartphone) đến Tổ chức Symbian (Symbian Foundation) và đã giới thiệu rộng rãi mã nguồn Symbian, cho phép các nhà cung cấp thiết bị khác có thể hiệu chỉnh để phù hợp với sản phẩm của họ. Tuy nhiên, gần đây Nokia đã mang Symbian trở lại nguồn đóng và tuần vừa rồi công ty đã thừa nhận rằng mã nguồn Symbian đã không còn “mở” nữa.
Trong một blog chính thức vào cuối tháng 3, Nokia phát biểu rằng mã nguồn mở sẽ được giới thiệu đến các đối tác. Các chuyên gia chỉ trích rằng cách thông báo này sẽ khiến mọi người nhầm lẫn với kế hoạch cấp phép mới của Nokia, nghĩa là hệ điều hành không còn mở nữa. Để trả lời những thắc mắc, đầu tháng 4 này Nokia đã có phản hồi cụ thể, Nokia xem nền tảng Symbia như là một sự lựa chọn thay thế theo mô hình mở và trực tiếp, vì vậy Nokia vẫn tiếp tục cộng tác với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) của Nhật và vẫn làm việc với một nhóm cộng đồng về nền tảng Symbian. Theo Nokia, công ty giới thiệu mã nguồn cho sự cộng tác được đề cập nói trên, nhưng sẽ không duy trì Symbian như là một dự án phát triển nguồn mở.
Để có thể dùng mã nguồn Symbian, các nhà phát triển nền tảng phải đăng ký với Nokia và dùng bản cấp phép Nokia Symbian License. Nokia cũng cho biết sẽ tiếp tục cung cấp các công cụ phát triển, tài liệu và những hỗ trợ khác dành cho các nhà phát triển ứng dụng. Nokia sẽ từ từ đóng hẳn mã nguồn Symbian, để mở đường cho Windows Phone 7 của Microsoft. Sau sự kiện Nokia hợp tác với Microsoft, Nokia hy vọng sẽ bán được khoảng 150 triệu điện thoại dùng Symbian trong những năm sắp tới. Cũng vào quý 4 năm ngoái, thiết bị dùng Symbian đã bán được 28,3 triệu chiếc.
Nhà phân tích Roger Entner của Recon Analytics, cho rằng khi Symbian là mã nguồn mở, một số nhà xuất điện thoại di động như Samsung và Sony Ericsson đã khai thác lợi thế từ hệ điều hành này. Nhưng vì Nokia tỏ ra quá vượt trội trên các điện thoại Symbian nên dòng điện thoại của các công ty đối tác cũng không thể bám đuổi kịp. Tình huống này càng trở nên khó khăn hơn khi hiện giờ Symbian cũng đang ráng vượt qua chướng ngại vật là iPhone của Apple. Entner cũng cho rằng không cần thiết phải cung cấp nguồn mở Symbian trong lúc không có nhà sản xuất điện thoại nào mặn mà để phát triển nữa.
Nhà phân tích Avi Greengart từ Current Analysis, nhận định động thái này của Nokia nhằm muốn cắt giảm chi phí quản lý trên nền tảng Symbian mặc dù công ty cũng đã đưa ra một số tính năng mới cho Symbian để có thể cạnh tranh với các đối thủ khác.
Biến mất hay tồn tại
Hồi năm ngoái dù Symbian vẫn là hệ điều hành smartphone lớn nhất thế giới, nhưng nó cũng đã có sự chững lại so với các đối thủ và dự báo sẽ bị tụt thị phần nhanh. Theo công ty nghiên cứu Gartner, vào năm ngoái, thị phần smartphone dùng Symbian chiếm 37,2%, những có thể rơi xuống 19,2% trong năm nay và chỉ còn 5,2% vào năm 2012. Trong lúc, Android có thể đạt gần 50% thị phần.
Greengart cho hay dù mã nguồn Symbian chuyển từ mở sang đóng cũng không ảnh hưởng nhiều đến các nhà phát triển ứng dụng trên Symbian, chỉ đơn giản là giờ đây họ không cần phải thực hiện việc viết mã nguồn và hiệu chỉnh nó. Ở bất cứ trường hợp nào, những nhà phát triển đều có hướng tiếp cận và thích thú với các hệ điều hành khác. Greengart nhận xét các nhà phát triển đều muốn kiếm tiền và họ sẽ viết ứng dụng ở bất cứ nền tảng nào miễn ở đó có cơ hội để họ hái ra tiền. Và hiện giờ họ đang ngắm đến iPhone.
Các nhà phân tích nhận định những nhà phát triển vẫn thích làm việc trên các nền tảng đáng tin cậy dù đó là đóng, đôi khi điều này có thể còn tốt hơn mã nguồn mở mà khả năng tận dụng và hiệu quả mang lại không cao. Entner cho biết ở thị trường Bắc Mỹ dù là nền tảng đóng hay mở thì Symbian cũng khó lòng củng cố vị trí của mình bởi vì thói quen mua sắm ở khu vực này thường xuyên thay đổi, cứ trung bình 21 tháng họ sẽ thay đổi điện thoại một lần. Đây là cũng là một trong những lý do khiến các thiết bị dùng Symbian dễ bị biến mất trên thị trường nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng điện thoại dùng Symbian vẫn có khuynh hướng được ưa chuộng ở các quốc gia đang phát triển, nơi mà Nokia đang tiếp tục chiếm phần lớn thị phần. Một điều nữa, phần cứng dành cho Windows Phone 7 khá đắt nên chưa chắc các quốc gia đang phát triển có thể tiếp cận trong thời gian sớm. Ngoài ra, người dùng điện thoại ở Ấn Độ, Đông Á và châu Âu thường xài điện thoại trong thời gian khá lâu, ít thay đổi hay họ còn có thể chuyển những điện thoại cho những người thân xài tiếp.
Khả năng smartphone dùng Symbian có giá không quá đắt nên số lượng tiêu thụ của chúng có thể vượt ngưỡng hơn 150 triệu chiếc và doanh số bán này có thể xuất phát từ các nước đang phát triển. Nếu nhà phát triển ứng dụng nào ở Ấn Độ, Indonesia thì hệ điều hành Symbian chính là mỏ vàng để họ khai thác, theo lời nhận xét của Entner.