Điện thoại di động (ĐTDĐ) không đơn giản chỉ là phương tiện liên lạc, mà còn là một công cụ giải trí. Nếu bạn đang lên kế hoạch mua hoặc đổi đời “dế” thì những gợi ý sau có thể giúp ích đôi phần.
Khi muốn lên đời chiếc điện thoại của mình, người mua thường để ý đến kiểu dáng, kích thước máy, màn hình. Những yếu tố khác như tuổi thọ pin, hay băng tần mà máy hỗ trợ thì hay được những người thường xuyên đi xa để ý.
Kiểu dáng “dế” – mối quan tâm của giới sành điệu:
Hiện trên thị trường có nhiều kiểu dáng ĐTDĐ khác nhau, như dáng trượt, xoay, điện thoại thanh hoặc gập. Thường thì điện thoại nắp gập được cho là có kiểu dáng sang trọng, tuy nhiên, lại rất dễ bị đứt cáp màn hình. Loại này rất khó sử dụng bằng một tay.
Điện thoại dáng gập trông lịch sự nhưng dễ bị đứt cáp
Thông thường, khi đi mua điện thoại, bạn nên đặt ra một số câu hỏi cho mình để việc lựa chọn được dễ dàng hơn. Ví dụ: Có thể sử dụng máy bằng một tay được không? Liệu bạn có thể để “chú dế” ở vị trí giữa tai, cổ và vai khi hai tay đều bận?
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý đến vị trí cắm tai nghe. Theo nhận xét của nhiều người, vị trí cắm tai nghe ở phía đầu điện thoại sẽ tiện hơn so với vị trí ở giữa hoặc cuối thân máy.
Kích thước và trọng lượng:
Một điều khiến ĐTDĐ ngày càng trở nên phổ biến là ở khả năng di động, linh hoạt của nó. Thông thường, ĐTDĐ có trọng lượng khoảng 113,4 gram; dài 12,5 cm, rộng 3 cm, dày 2,3 cm. Tất cả các máy có kích thước lớn hơn thông số trên đều được coi là quá khổ, trừ những PDA như Palm Treo hay BlackBerry.
Tuổi thọ pin:
Thời gian đàm thoại liên tục của hầu hết ĐTDĐ thế hệ mới đều kéo dài ít nhất 3 giờ và nằm trong khoảng từ 2 đến 6 ngày ở chế độ standby (chế độ chờ). Thậm chí, một số loại còn có thời gian chờ lên đến 14 ngày.
Tuy nhiên, nên lưu ý rằng, mục đích và cách sử dụng cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ pin. Pin ở những chiếc máy thường xuyên phải tìm sóng sẽ giảm đi rất nhanh so với những điện thoại luôn đầy sóng. Pin của máy chỉ để nghe gọi sẽ lâu hết hơn là những máy chơi game, chụp ảnh, xem phim suốt ngày.
Màn hình hiển thị:
Nếu điện thoại của bạn thường sử dụng để gửi tin nhắn, e-mail hoặc lướt web thì phải chọn chiếc máy nào có màn hình đủ rộng để thực hiện những chức năng này.
Thông thường, màn hình điện thoại hỗ trợ được 6 dòng tin nhắn, bất kỳ chiếc máy nào không đáp ứng được chuẩn trên đều sẽ gây bất tiện cho người dùng. Một số mẫu máy hiện đại còn cho phép điều chỉnh font chữ để viết được nhiều hơn.
Màn hình ĐTDĐ thường hỗ trợ 6 dòng tin nhắn.
Cường độ ánh sáng nền và độ tương phản của màn hình cũng đóng một vai trò quan trọng. Bạn nên mua loại điện thoại có thể điều chỉnh thông số ánh sáng nền, độ tương phản và màu sắc.
Bàn phím:
Nếu như sau một vài phút bạn vẫn chưa “khám phá” được các chức năng cơ bản của máy thông qua quan sát bàn phím thì hãy chọn loại khác. Bố trí của bàn phím và hệ thống Menu của ĐTDĐ phải mang tính trực giác. Các nút bấm phải có độ nhạy và thao tác được dễ dàng.
Bàn phím Qwerty tiện lợi khi nhắn tin và gửi email
Hãy kiểm tra các nút điều hướng trên bàn phím. Hầu hết điện thoại di động đều có các nút: trái, phải, xuống, lên. Bàn phím có các điểm gờ lên thường dễ sử dụng hơn loại có bàn phím phẳng hoặc chìm vào trong.
Nhiều điện thoại PDA và smartphone hiện đã được tích hợp bàn phím Qwerty. Loại này nhìn chung là tiện cho việc nhắn tin, gửi e-mail. Tuy nhiên, có những model có phím bấm rất nhỏ, không phù hợp với tay bấm của nhiều người.