Ngăn chặn phát tán tin nhắn rác: Bắt cóc bỏ đĩa!

Vụ triệt phá 2 ổ phát tán tin nhắn rác lớn vừa qua cho thấy cơ quan chức năng đang mạnh tay hơn với hình thức “khủng bố” người dùng ĐTDĐ. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý, việc triệt phá từng vụ việc nhỏ lẻ chỉ là hình thức bắt cóc bỏ đĩa.

USB phát tán 1.000 tin nhắn rác/giờ


Thiết bị phát tán tin nhắn rác được rao bán trên mạng

Sự kiện ngày 26/4/2011, Thanh tra Bộ TTTT và lực lượng liên ngành thực hiện kiểm tra và phát hiện hành vi phát tán tin nhắn rác với số lượng khổng lồ tại Công ty Cổ phần EMOBI và Công ty Cổ phần VNNET (Hà Nội) đang khiến dư luận nóng lên với vấn nạn tin nhắn rác. Đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng chính thức ra quân, “bắt tận tay” thủ phạm tung tin nhắn rác. Với công suất phát tán trung bình 800 tin nhắn rác mỗi giờ, đây được coi là ổ phát tán tin nhắn rác lớn chưa từng có.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ về “công nghệ” phát tán tin nhắn rác để mời chào, lừa đảo người dùng ĐTDĐ nhắn tin vào các đầu số dịch vụ và quảng cáo bán hàng thông qua tin nhắn rác, sẽ thấy công suất phát tán tin nhắn rác như cơ quan chức năng vừa phát hiện vừa qua vẫn còn nhỏ hơn nhiều loại thiết bị đang được quảng cáo và bán trên mạng.

Ngày 27/4/2011, phóng viên TGVT truy cập website ...solution.net và thấy nhiều thiết bị modem chuyên dụng để gửi tin nhắn hàng loạt đang được quảng cáo bán.

Liên lạc với chi nhánh của công ty này tại Hà Nội để hỏi về thiết bị phát tán tin nhắn rác, chúng tôi được một nhân viên cho biết lúc nào cũng có sẵn hàng và công ty sẵn sàng cung cấp với số lượng lớn. Với yêu cầu cần mua 1 thiết bị phát tán tin nhắn hàng loạt, càng nhiều tin nhắn càng tốt, nhân viên này giới thiệu một thiết bị sản xuất tại Trung Quốc có tên là GSM Modem G2403U.

Theo thông tin được giới thiệu, sản phẩm này có giá 2,7 triệu đồng, có thể sử dụng như 1 modem để truy cập Internet thông qua sóng di động bằng công nghệ GPRS. Để sử dụng thiết bị này làm công cụ gửi tin nhắn hàng loạt, người dùng phải mua thêm phần mềm gửi tin nhắn SMS hàng loạt do công ty này viết với giá 1 triệu đồng. Với phần mềm và thiết bị nói trên, chỉ cần cài SIM rác với tài khoản lớn là có thể tự động phát tán tin nhắn rác với công suất 1.000 SMS/1 giờ.

Chúng tôi đề cập việc mua phần mềm kèm theo cơ sở dữ liệu thuê bao của các mạng di động lớn, nhân viên công ty này nói có thể cung cấp và cho biết đang có danh sách hơn 5.000 thuê bao trả sau và thuê bao VIP thuộc mạng di động Mobifone, ngoài ra còn có thuê bao các mạng Vinaphone và Viettel.

Thực tế từ khoảng hơn 1 năm nay, thuê bao trả sau mạng di động Mobifone của người viết bài này vẫn thường nhận được tin nhắn rác từ chính công ty này quảng cáo bán hàng, trong đó có quảng cáo thiết bị phát tán tin nhắn rác.

Phát tán dễ, ngăn chặn khó


SIM rác và thiết bị gửi tin nhắn hàng loạt được bán tràn lan, thông tin thuê bao bị rò rỉ là nguyên nhân bùng phát của tin nhắn rác

Từ vụ việc 2 công ty chuyên phát tán tin nhắn rác bị phát hiện, dư luận phần nào yên tâm khi cơ quan chức năng kiên quyết với hành vi vi phạm pháp luật này. Tuy nhiên, chỉ thông qua việc thanh tra và xử lý những vụ việc đơn lẻ thì vấn đề quản lý, ngăn chặn phát tán tin nhắn rác thiết nghĩ sẽ không hiệu quả.

Vấn nạn tin nhắn rác vì đâu mà có? Hầu hết tin nhắn rác được phát tán đều xuất phát từ các thuê bao rác (SIM rác) có tài khoản “khủng”. Chính việc ồ ạt phát triển thuê bao của nhà mạng và chính sách khuyến mại lớn khi kích hoạt thuê bao đã tạo thuận lợi cho kẻ muốn phát tán tin nhắn rác. Người ta chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ có thể dễ dàng mua được SIM rác với tài khoản lớn gấp nhiều lần số tiền bỏ ra. Mặc dù đã có quy định phải đăng ký thông tin cá nhân, nhưng trên thực tế, bằng cách nào đó các cửa hàng bán SIM đã đăng ký sẵn, người dùng không phải đăng ký thông tin cá nhân nữa nên có thể thoải mái dùng để gửi tin nhắn rác mà không sợ bị phát hiện.

Vấn đề thứ hai, muốn phát tán được tin nhắn rác tới các thuê bao di động, người gửi phải có thông tin về người nhận, ít nhất là số thuê bao. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền không lớn, người dùng dễ dàng có được trong tay 5.000 thuê bao VIP của mạng Mobifone và thuê bao các mạng khác. Dư luận có quyền nghi ngờ về việc quản lý thông tin thuê bao của các mạng di động. Cũng không loại trừ trường hợp cá nhân trong các công ty viễn thông lớn cố tình bán thông tin thuê bao để trục lợi.

Việc ngăn chặn phát tán tin nhắn rác cũng sẽ khó thực hiện được khi các công cụ và thiết bị nhắn tin hàng loạt vẫn được rao bán công khai trên mạng Internet.

Thêm vào đó, hai công ty vừa bị phát hiện, xử lý nêu trên chỉ là số ít trong rất nhiều đầu số dịch vụ thường xuyên "tấn công" khách hàng thông qua việc phát tán tin nhắn rác có nội dung dẫn dụ, lừa đảo, như các tin nhắn mời gọi chơi đỏ đen, tá lả online hay nhắn tin để có kết quả "soi cầu lô đề", "soi" trước kết quả xổ số… Các tin nhắn này thường không tuân theo các quy định về tin nhắn quảng cáo, như không có chữ (QC) ở đầu tin và không có hướng dẫn từ chối quảng cáo ở cuối tin.


Một mẫu tin nhắn rác không đúng quy định về tin nhắn quảng cáo

Một số mạng di động hiện nay đã cung cấp dịch vụ chặn tin nhắn rác. Để sử dụng, người dùng phải trả phí dịch vụ tính theo số lượng đầu số cần chặn. Với vấn nạn sim rác cùng hàng trăm đầu số cung cấp dịch vụ nội dung, khách hàng muốn chặn hết quả là điều không dễ dàng. Và nếu thêm đầu số cần chặn có nghĩa là khách hàng phải trả thêm phí.

Ngày 26/4/2011, Thanh tra Bộ TTTT, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính VN (VNCERT) và Cục Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (C50) đã phát hiện Công ty EMOBI (34 phố Hoàng Cầu - Đống Đa - Hà Nội) sử dụng 5 máy điện thoại Nokia 3110C kết nối với máy tính được cài đặt sẵn phần mềm “SMS Carter” để phát tán tới 800 tin nhắn mỗi giờ. Nội dung của tin rác đều liên quan tới bói toán, cờ bạc, lô đề, gửi tới các thuê bao điện thoại di động nhằm dẫn dụ người sử dụng nhắn tin đến đầu số 8x14 của chính EMOBI. Trước đó, vào ngày 7/4/2011, đoàn thanh tra liên ngành cũng đã phát hiện Công ty Cổ phần VNNET (số 17 ngõ 167 phố Tây Sơn, Hà Nội) sử dụng thiết bị GGSM/GPRS/CDMA Modem được lắp SIM và kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác có nội dung “soi cầu lô đề” quảng cáo cho đầu số 8x32 của chính DN này với mức độ trung bình 3 lần/tuần, mỗi lần phát tán tới khoảng 20.000 thuê bao điện thoại di động.

Thứ Năm, 28/04/2011 13:26
31 👨 356
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp