Năm nay, chọn HDTV thế nào

Cho tới giờ, HDTV vẫn chỉ chia làm hai công nghệ: LCD và Plasma, bởi LED thực chất chỉ là màn hình LCD sử dụng đèn LED chiếu sáng.

> TV Plasma full-HD vẫn có chỗ đứng
> TV LED nổi bật năm 2009

Khi quyết định mua một màn hình HDTV cho mình, không ít người băn khoăn và còn cảm thấy rối rắm về hàng loạt tính năng quảng cáo từ nhà sản xuất và nhà phân phối. Vì vậy, trước tiên, hãy làm quen với những khác biệt cơ bản về công nghệ hiển thị hình ảnh để thấy rằng dù lệch nhau về cấu hình, nhưng về độ trung thực, mỗi công nghệ màn hình lại có một lợi thế riêng và khó có thể nói màn nào hơn màn nào.

Công nghệ HDTV phẳng

LED TV thực ra là TV LCD sử dụng đèn LED chiếu sáng. Ảnh: Blog.

Hiện thời HDTV chia làm hai công nghệ chính, LCD và Plasma. Bạn không nên nhầm LED là một công nghệ mới, bởi thực chất, TV LED là công nghệ LCD sử dụng đèn LED chiếu sáng. TV LCD là sử dụng ánh sáng nền chiếu qua các lớp phim khuếch tán và lớp tinh thể lỏng. Lớp tinh thể lỏng sẽ làm nhiệm vụ cho hoặc không cho ánh sáng đi qua tạo nên hình ảnh. Còn công nghệ Plasma sử dụng điện tích làm cho lớp khí phát ra ánh sáng cực tím, từ đó, làm cho phần tử phosphor phát sáng (tương tự như công nghệ sử dụng trong bóng đèn huỳnh quang).

Một công nghệ hiển thị hình ảnh khác là chiếu hậu (DLP), chỉ vài năm trước còn khá thông dụng bởi giá rẻ và kích cỡ màn hình lớn. Nhưng do các TV kiểu này quá cồng kềnh và các màn phẳng gọn nhẹ ngày nay đã đạt được kích cỡ tương đương nên hiện TV DLP không còn thấy trên thị trường nữa.

Lựa chọn kích cỡ HDTV

TV Plasma thường chỉ được làm với kích cỡ từ 40 inch trở lên. Ảnh: Techfresh.

Tất cả màn hình HDTV đều được làm theo kích cỡ màn ảnh rộng, nghĩa là được làm ra phù hợp với định dạng phim hơn là với định dạng phát hình TV tiêu chuẩn. Màn hình rộng thường có tỷ lệ 16:9 (16 đơn vị chiều rộng, 9 đơn vị chiều cao), trong khi TV phát hình độ phân giải chuẩn có tỷ lệ 4:3. Định dạng màn hình rộng sẽ khiến bạn khi xem phim có cảm tưởng giống đang xem rạp hơn bởi hiển thị được nhiều thông tin hình ảnh.

Nếu muốn mua kích cỡ 40 inch trở xuống, bạn chỉ có lựa chọn HDTV LCD, bởi lẽ, màn Plasma thường chỉ được làm từ kích cỡ 42 inch trở lên. Vì vậy, muốn sự lựa chọn phong phú hơn, hãy bắt đầu từ kích cỡ tối thiểu 42 inch.

Ngân sách của bạn phù hợp với HDTV nào?

TV LCD có độ sáng tốt hơn Plasma. Ảnh: Brackets.

Giá bán lẻ của các thế hệ màn hình phẳng đã giảm một cách khá ngoạn mục, tới 20% trong năm nay. Nếu ngân sách có phần hạn hẹp mà bạn lại muốn những màn hình kích cỡ lớn hơn 40 inch, hãy nghĩ tới Plasma, bởi với cùng một mức kích cỡ, Plasma thường có giá rẻ tiền hơn. Mặc dù công nghệ này không còn nhiều hãng theo đuổi nhưng với số nhà sản xuất hiện tại, bạn vẫn hoàn toàn yên tâm có thể lựa chọn thoải mái kích cỡ và tính năng phù hợp nhất với mình.

Tuy nhiên, khi túi tiền bắt đầu rủng rỉnh hơn, việc lựa chọn giữa Plasma và LCD lại trở thành vấn đề phải cân nhắc. Về lý thuyết, có thể so sánh tương quan hai cấu hình của hai màn công nghệ khác nhau này, tuy nhiên, thực tế cần quan tâm đến những yếu tố công nghệ cơ bản hơn khi quyết định lựa chọn.

TV plasma hiển thị màu đen tốt hơn, nhưng TV LCD lại có độ sáng tốt hơn, phù hợp với các môi trường có nhiều ánh sáng. Đó là lý do vì sao nhiều màn LCD cho hình ảnh rất đẹp so với Plasma khi đặt cạnh nhau tại các siêu thị điện máy với ánh sáng rực rỡ. Nhưng Plasma khi được đặt trong phòng với ánh sáng tối mờ kiểu rạp chiếu phim sẽ hiển thị hình ảnh sâu hơn nhiều.

Trước đây, TV Plasma bị một vấn đề là hình ảnh hiện quá lâu ở một vị trí (như kiểu tên kênh truyền hình ở góc), ở đó sẽ bị hiện tượng cháy và hình ảnh đó luôn hiện mờ mờ mà không mất đi được. Tuy nhiên, thế hệ màn hình mới đã gần như loại bỏ được hiện tượng này. Các hình cố định mặc dù vẫn còn bóng nhưng sẽ tự động mất dần sau vài giờ. Vì thế, trừ phi bạn có sở thích chỉ xem một kênh truyền hình trong nhiều giờ liền thì mới phải tính đến chuyện chuyển sang màn LCD, còn không, hiện tượng bóng ma không phải là vấn đề đáng quan tâm nữa.

Bản chất của công nghệ LCD khiến các màn này thiên về hướng bị vệt mờ hình khi chuyển động. Nguyên do là để hiển thị hình ảnh, các phân tử tinh thể lỏng khi có điện tích phải chuyển động để hoặc chặn hoặc cho ánh sáng từ nền đi qua. Để làm cho các phân tử này chuyển động cũng cần phải mất thời gian, vì thế, nếu các phần tử này chuyển động không đủ nhanh sẽ gây nên hiện tượng vệt chuyển động. Hiện tượng này đặc biệt dễ nhận thấy ở những hoạt cảnh tốc độ nhanh như thể thao hay các cảnh phim hành động. Tuy nhiên, hiện nay, màn LCD đời mới đã có tốc độ quét hình từ 120 Hz tới 240 Hz, cộng thêm nhiều công nghệ phụ trợ nhằm giảm thiểu tối đa hiện tượng vệt mờ này.

TV LCD có lợi thế hơn hẳn Plasma về kích cỡ. Ảnh: Webtwist-design.

Màn hình LCD cũng lợi thế hơn hẳn khi so về kích cỡ. Nói chung, TV loại này mỏng và nhẹ hơn so với Plasma cùng kích cỡ. TV LCD cũng tiết kiệm điện hơn, dù rằng tiêu chí này cũng khó có thể xác định rõ để đánh giá. Về mặt điện năng, TV Plasma không tốn năng lượng khi trình chiếu màu đen, trong khi LCD tiêu thụ cùng lượng điện dù màn hình có toàn màu đen hay toàn màu trắng. Vì vậy, điện năng tiêu thụ còn phụ thuộc vào bạn xem nội dung gì là chủ yếu nữa.

Một khi đã nắm một cách cơ bản sự khác biệt về công nghệ cũng như ưu và nhược này, bạn mới cần tính đến bước so sánh thiệt hơn về tính năng và cấu hình.

Thứ Sáu, 27/11/2009 11:09
51 👨 414
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp