Công ty phân tích thị trường uy tín Gartner đã đưa ra một dự đoán rất đáng chú ý trong mối cảnh bức tranh thị trường AI đang cực kỳ sinh động và nhộn nhịp.
Theo các chuyên gia Gartner, dự kiến có khoảng 30% các dự án AI tạo sinh hiện có trên toàn thị trường sẽ bị các doanh nghiệp từ bỏ vào cuối năm tới, sau giai đoạn chứng minh tính hiệu quả cũng như khả năng lình lời. Một số lý do khiến dự đoán từ bỏ bao gồm chất lượng dữ liệu kém, kiểm soát rủi ro không đầy đủ, chi phí tăng cao hoặc giá trị kinh doanh không rõ ràng.
Gartner đã đưa ra một số ví dụ về cách các mô hình AI tạo sinh đang được triển khai. Một số ứng dụng bao gồm trợ lý mã hóa, tạo nội dung bán hàng được cá nhân hóa, tìm kiếm tài liệu với Retrieval-Augmented Generation (RAG), trợ lý ảo và LLM về dịch vụ y tế, bảo hiểm hoặc tài chính.
Trợ lý mã hóa (hỗ trợ code) là ứng dụng tiết kiệm nhất với chi phí trả trước từ 100.000 đến 200.000 đô la, và chi phí định kỳ cho từng người dùng mỗi năm từ 280 đến 550 đô la. Chi phí sẽ tăng vọt khi các công ty bắt đầu xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) từ đầu để phục vụ trong dịch vụ y tế, bảo hiểm hoặc tài chính, với chi phí trả trước từ 8 triệu đến 20 triệu đô la và chi phí định kỳ từ 11.000 đến 21.000 đô la.
Bình luận về dự đoán này, Phó chủ tịch Gartner Rita Sallam, cho biết:
Sau cơn sốt của năm ngoái, các giám đốc điều hành bắt đầu vơi dần sự kiên nhẫn trong việc chờ đợi để thấy lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào GenAI, nhưng đồng thời doanh nghiệp của họ cũng đang phải vật lộn để chứng minh và nhận ra giá trị. Khi phạm vi các sáng kiến mở rộng, gánh nặng tài chính của việc phát triển và triển khai các mô hình GenAI ngày càng được cảm nhận rõ ràng.
Thật không may, không có một giải pháp GenAI nào phù hợp cho tất cả mọi người, cũng như sự khó đoán định trong chi phí đầu tư hơn nhiều so với các công nghệ khác. Những gì bạn chi tiêu, các trường hợp sử dụng bạn đầu tư vào và các phương pháp triển khai bạn thực hiện, tất cả đều quyết định chi phí. Cho dù bạn là người phá vỡ thị trường và muốn đưa AI vào mọi nơi hay, bạn tập trung bảo thủ hơn vào việc tăng năng suất hoặc mở rộng các quy trình hiện có, thì mỗi giải pháp đều có các mức chi phí, rủi ro, khả năng thay đổi và tác động chiến lược khác nhau.
Không quá ngạc nhiên khi một số doanh nghiệp sẽ ngừng triển khai các dự án AI tạo sinh theo thời gian. Trong thời đại công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành xu hướng tất yếu. Từ chatbot, trợ lý ảo cho đến xe tự lái, AI đã thấm nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, chính sự phát triển này đã, đang, và sẽ tạo ra một sự thanh lọc mạnh mẽ trên toàn thị trường.