Bản thiết kế chip quan trọng đầu tiên của kỹ sư người Israel này không thuyết phục được Intel nhưng một dự án khác mà ông khởi xướng vào những năm 90 của thế kỷ trước đã đưa hãng chế tạo vi xử lý hàng đầu thế giới đi theo một lộ trình mới.
Nhóm kỹ sư Israel thuộc bộ phận của Mooly Eden, đóng đô ở Haifa (Israel) bên bờ Địa Trung Hải, là một đơn vị khác hẳn với những chuyên gia tại đại bản doanh của Intel ở Portland, bang Oregon (Mỹ), những người chuyên làm ra những thiết kế chip hàng đầu của Intel trong thời kỳ qua.
Nhóm này luôn bị coi là “cơn ác mộng” của các nhà quản lý. “Điều hành 50 người Mỹ dễ hơn quản lý 5 người Israel vì họ là những người kém kỷ luật và thường bất chấp tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, có thể nói họ mang tính cách ‘Intel’ hơn cả những nhân viên bản hãng”, chính Eden nhận xét.
Loại chip bắt nguồn từ nhóm kỹ sư này được gọi là Banias (là tên mã của dòng chip Pentium M), lấy theo tên của một thành phố Israel cổ đại, nổi tiếng với sự hội tụ của 3 tôn giáo. Đây là thiết kế nhấn mạnh vào việc quản lý năng lượng và sự liên thông hoạt động, một khái niệm mà vào thời điểm đó còn rất mới đối với cả các quan chức marketing của Intel.
Banias mang tất cả những gì mà Pentium IV, bộ vi xử lý desktop mới của Intel khi đó, không có. Nó được thiết kế để tiêu thụ ít năng lượng hết mức có thể trong khi Pentium IV tập trung duy trì quá trình tăng tốc độ xung đồng hồ trong khuôn khổ kế hoạch 5 năm của Intel. Tuy nhiên, khi tốc độ của Pentium IV tăng, mức tiêu hao năng lượng của nó cũng đi lên một cách tương ứng.
Vào cuối thập kỷ trước, Eden dự báo nếu Intel tiếp tục thu nhỏ transistor với tốc độ mà họ đã tiến hành mấy năm trước đó, bộ xử lý sẽ nhanh chóng đạt đến mức độ mà tại đó năng lượng thoát ra sẽ gây ra một nhiệt lượng bất thường đối với hoạt động của thiết bị. “Chúng tôi biết công ty đã đi đến giới hạn trong vấn đề năng lượng vào năm 2000 và cần phải tích cực hơn theo hướng tăng cường khả năng quản lý nhiệt”, Eden kể lại.
Để thuyết phục Intel thực hiện một “cú rẽ phải” nhằm tránh giới hạn nói trên, nhóm của Eden đã nỗ lực hết sức trong việc giảm mức tiêu hao năng lượng ở mọi khía cạnh của Banias, bao gồm CPU, chipset và giao diện nhớ.
Vào thời điểm đó, Intel dự định thiết kế chipset và bộ vi xử lý riêng, một phần lý do là vì thất bại ở một thiết kế trước đó của Eden. Sau khi khôi phục lại uy tín trong công ty với việc nâng cấp hệ thống MMX cho kiến trúc x86, Eden tiếp tục với một dự án có tên Timna. Bộ xử lý này được thiết kế với những linh kiện tích hợp dành cho các nhà sản xuất PC giá rẻ muốn có một sản phẩm đồng bộ và dễ tích hợp vào khung PC. Vì thế Intel xúc tiến dòng chip này cho các thị trường mới.
Song cơ hội cho Timna không kéo dài được bao lâu vì Intel chọn dùng chuẩn nhớ RDRAM (Rambus dynamic RAM) của hãng Rambus cho tất cả các sản phẩm của mình. Bản chất tích hợp của Timna có nghĩa là nó được gắn kết chặt chẽ với những công nghệ chuyên biệt, chẳng hạn như chuẩn nhớ. Khi nhận thấy RDRAM sẽ không thể trở thành tương lai của bộ nhớ máy tính, Intel đã chấm dứt hỗ trợ chuẩn này và vì thế Timna không bao giờ xuất hiện dưới dạng thành phẩm.
Tuy nhiên, sự việc trên đã khẳng định cách tiếp cận theo hướng tích hợp là quan trọng đối với Banias. Những đặc tính hiệu quả trong chip này chỉ có thể được phát huy tối đa nếu bộ xử lý và chipset được xây dựng với cùng các chuẩn như nhau đối với việc tiêu thụ năng lượng. Trong ý nghĩ của Eden, chipset cho Banias cũng quan trọng như bộ xử lý.
Tuy nhiên, còn tồn tại một vấn đề lớn. Banias chạy với tốc độ chậm hơn các bộ xử lý lúc đó của Intel. Trong 1 thập kỷ qua, Intel đã chi hàng trăm triệu USD để nhấn mạnh với cả một thế hệ người sử dụng máy tính rằng tốc độ xung đồng hồ cao hơn có nghĩa là hoạt động tốt hơn. Họ cũng hiểu rằng còn nhiều yếu tố khác liên quan đến hiệu suất hoạt động chứ không chỉ có tốc độ mà chip thực hiện lệnh. Trong những yếu tố này có cấu trúc kênh dẫn và bộ nhớ cache, những đối tượng mà người sử dụng máy tính phổ thông thường ít để ý vì thấy khó hiểu.
Do đó, Eden không cần Intel phải coi Banias như một bộ xử lý mới cho máy xách tay mà ông yêu cầu công ty phải thay đổi triết lý về thiết kế chip hiện tại, xem xét lại sách lược marketing vốn coi trọng tốc độ và xúc tiến khái niệm “hệ thống đồng bộ” thay cho khái niệm đơn lẻ “bộ xử lý”.
Intel bước đầu đã chịu một năm thảm họa với niềm kiêu hãnh bị thương tổn và phải thừa nhận là quyết định Rambus không hiệu quả, ngoài ra còn phải trì hoãn ngày phát hành Pentium M vì những khiếm khuyết trong sản xuất.
Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất luôn dành cho những kẻ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao. Với việc Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Paul Otellini ủng hộ ý tưởng của Eden, Intel cuối cùng vẫn quyết định lựa chọn Banias. Bản thiết kế bộ xử lý này đã trở thành nền tảng trong các chiến lược sản phẩm mấy năm tới của hãng, đồng thời còn là trọng tâm mới trong việc thiết kế những tính năng nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng và quản lý hệ thống thay vì chỉ tập trung vào lăng-xê tốc độ.
Đến ngày 18/1 vừa qua, Intel đã chính thức hoàn tất kế hoạch “cú rẽ phải” của Eden, tái tổ chức lại các đơn vị hoạt động của họ trên tinh thần chuyên biệt hóa, lập thành các đơn vị Mobility Group, Digital Home Group và Digital Health Group, khác hẳn với cơ chế tổ chức trước đây chỉ tập trung vào kiến trúc vi xử lý. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tất cả không chỉ đơn giản có vậy mà chính Eden là người đã chay đổi cả hướng đi của hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Shmuel Mooly Eden hiện giữ chức Phó chủ tịch phụ trách bộ phận sản phẩm cho thiết bị di động (Mobility Group), kiêm Giám đốc Marketing của Intel. Ông chịu trách nhiệm phát triển chipset và bộ vi xử lý thiết bị di động, trong đó có công nghệ điện toán di động không dây mang tên mã Banias. Eden đã giữ một số chức vụ quản lý và kỹ thuật trong một số dự án của Intel như Pentium với công nghệ MMX. Trước khi gia nhập Intel năm 1982, Eden là một thiếu tá quan đội Israel và là kỹ sư của hãng Tadiran. Ồng có bằng cử nhân kỹ thuật điện của Viện công nghệ Technion (Israel) năm 1973. |