Bốn nhà môi giới hàng đầu Phố Wall là Knight Capital, Citadel Securities, UBS AG và Citi's Automated Trading Desk đã lỗ ít nhất 100 triệu USD trong đợt IPO vừa rồi của Facebook.
Thông tin trên được một giám đốc điều hành cấp cao của họ tiết lộ.
Chỉ sau một tuần IPO, cổ phiếu Facebook đã gây nhiều "sóng gió" trên sàn Nasdaq
Trong khi đó, các nhà đầu tư khác vẫn đang gặp hàng ngàn rắc rối với đơn hàng của khách hàng, dù hôm nay đã kết thúc phiên giao dịch thứ 5, ngày 24-5, với giá 33,03 USD/cổ phiếu, tăng 3,2% so với ngày trước đó nhưng vẫn thấp hơn giá IPO đến 5 USD.
Cụ thể Knight và Citadel thiệt hại khoảng 30-35 triệu USD, có khả năng áp đảo con số vỏn vẹn chỉ 13 triệu USD trong quỹ dành cho giải quyết khiếu nại khách hàng của họ.
Các nhà bảo lãnh chữa cháy
Theo đó, đơn hàng bị trì hoãn đã khiến một số nhà đầu tư bị thiệt hại đáng kể khi giá cổ phiếu giảm. Các ngân hàng bảo lãnh của Facebook còn đang phải đối mặt với vụ kiện từ một số cổ đông và các công ty môi giới khác vì bưng bít thông tin tập đoàn có mức tăng trưởng doanh thu kém trước khi IPO 16 tỉ USD vào cuối tuần rồi.
Hãng môi giới Fidelity tuyên bố đang làm việc với các nhà quản lý và các nhà tạo lập thị trường về các vấn đề của khách hàng. Họ nói rằng "Nasdaq đang làm tất cả để giảm thiểu tác động đến các cổ đông". Trong khi đó, Morgan Stanley vẫn đang xử lý các đơn hàng từ nhà môi giới trong ngày 25-5.
Hãng Reuters ngày 24-5 cho biết Nasdaq đã ra thông báo với các nhà môi giới rằng sẽ điều chỉnh giá hàng ngàn giao dịch để cổ phiếu không vượt ngưỡng 43 USD với những giao dịch thực hiện trong ngày đầu IPO 18-5. Trước đó, ngân hàng bảo lãnh chính của Facebook là Morgan Stanley khẳng định đang xem xét lại các giao dịch của tập đoàn và sẽ điều chỉnh giá cho những nhà bán lẻ đã mua cổ phiếu với giá quá cao.
Vào cuộc điều tra
Giới thạo tin cho hay các nhà đầu tư đang tìm hiểu vì sao các đơn hàng của họ không được xử lý theo giá họ ước tính, sau gần một tuần Facebook lên sàn.
Các cơ quan chức năng, gồm Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ, Cơ quan Giám sát ngành tài chính, Thư ký khối cộng đồng Massachusetts William Galvin cùng Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ đang vào cuộc điều tra cách thức xử lý vụ IPO trên.
Reuters cho biết đơn kiện đã được nộp lên tòa án Mỹ ở Manhattan, trong đó có yêu cầu bồi thường thiệt hại và các biện pháp khắc phục hậu quả. Công ty luật Glancy Binkow & Goldberg cũng thông báo đã thay mặt các nhà đầu tư đâm đơn kiện Facebook tại Tòa án bang California vào thứ ba 22-5. Cùng ngày, một nhà đầu tư đã cáo buộc Tập đoàn Nasdaq OMX cẩu thả trong xử lý đơn đặt hàng cổ phiếu Facebook.
Citadel và Knight cũng như các nhà hoạch định thị trường khác của sàn Nasdaq đã hứa phân phối cổ phiếu Facebook cho khách hàng trong vòng vài giây giao dịch. Nhưng "lỗi kỹ thuật" đã khiến chúng bị trễ đến gần hai giờ tại sàn Nasdaq. Thực tế mua - bán cổ phiếu tại một vài thời điểm khác nhau sẽ tạo ra mức chênh lệch về giá khá lớn.
“Giá trị cổ phiếu của Facebook đã bị giảm đáng kể và kết quả tất yếu là nhiều cổ đông phải chịu thiệt hại”, Hãng tin Reuters trích từ đơn kiện.
Wall Street Journal trích bản ghi nhớ được đưa ra ngày 23-5 cho biết gần 17.200 cố vấn tài chính của bộ phận môi giới bán lẻ Morgan Stanley Smith Barney đã tham gia môi giới.
Thế nhưng cố vấn tài chính Alan Haft tại California Kings Point Capital lo ngại vấn đề "ai sẽ là người chịu phí bồi thường cho các nhà đầu tư" vì Ngân hàng bảo lãnh chính Morgan Stanley tránh đề cập đến con số bồi thường cụ thể. Luật sư Stanley Bernstein - bên nguyên đơn - còn nhận định những gì đang xảy ra với Facebook làm thị trường nhớ đến bong bóng dot-com năm 1998.