Hàng loạt lợi ích của phần mềm nguồn mở (PMNM) đã được tuyên truyền, quảng bá, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều lãnh đạo cơ quan nhà nước (CQNN) vẫn chưa thực sự “thừa nhận” với những gì được nghe về PMNM…
>>> Doanh nghiệp PMNM ngày càng khó sống
Ứng dụng dè dặt
Rất nhiều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các CQNN về việc ứng dụng PMNM. Hàng loạt lợi ích của PMNM đã được tuyên truyền, quảng bá, ví dụ như, với PMNM, người sử dụng có cơ hội biến đổi sản phẩm theo ý mình.
Trong thời kỳ khủng hoảng, PMNM còn được hô hào là một giải pháp giúp tiết giảm đầu tư. Ngoài ra, theo các chuyên gia về PMNM thì dùng PMNM sẽ đảm bảo an toàn bảo mật bởi vì có thể nhìn được vào tận lõi của PM, trong khi nguồn đóng chỉ là một “hộp đen”, không ai “chui vào” để nhìn được xem có an toàn hay không.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều lãnh đạo CQNN vẫn chưa thực sự “tâm phục khẩu phục” với những gì được nghe về PMNM, bởi vậy chỉ dám triển khai ứng dụng PMNM một cách dè dặt, đặc biệt là những PMNM Việt.
Sự dè dặt đó không phải vô căn cứ. Theo phản ánh từ một số ngành Thuế, Kho bạc thì nhiều phần mềm ứng dụng của các ngành này không thể hoạt động được trên PMNM hoặc nếu chạy trên PMNM thì lại xung đột với các phần mềm khác. Chính một giám đốc doanh nghiệp PMNM Việt cũng đã thừa nhận rằng ở nước ta, hiện vẫn chưa có sản phẩm PMNM đặc thù phục vụ các chuyên ngành, lĩnh vực như tài chính, ngân hàng.
Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam về thực trạng triển khai PMNM ở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học, NHNN chia sẻ: “Chúng tôi cũng biết mã nguồn mở giúp giảm chi phí đầu tư, vì thế, NHNN đang triển khai ứng dụng hệ điều hành nguồn mở như Red Hat, Linux… trên toàn bộ các chi nhánh của NHNN. Tuy nhiên, khi sử dụng các PMNM, ngoài chuyện chi phí ban đầu có thể rẻ, ngành Ngân hàng còn quan tâm đến việc mã nguồn mở có được tổ chức nào hỗ trợ không. Chúng tôi rất quan tâm đến việc ứng dụng phải bền vững, không thể đưa vào sử dụng một vài ngày rồi sau đó không làm tiếp được thì bỏ giữa chừng được. Chính bởi vậy, việc ứng dụng PMNM đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo “sử dụng có lựa chọn”".
Theo nhận định chủ quan của phóng viên Bưu điện Việt Nam, còn một lý do khác khiến cho PMNM bị “chặn đường” vào các CQNN là các lãnh đạo Bộ, ngành, CQNN đã có một thời gian rất dài “sống chung” với PM nguồn đóng, và “tư duy” của họ đã “tự mặc định” rất nhiều tiêu chí của PM nguồn đóng mỗi khi xây dựng các dự án PM.
Nhìn vào “bức tranh tổng quan” hiện trạng ứng dụng PMNM của các Bộ, ngành ở nước ta, PMNM nói chung và PMNM Việt Nam vẫn chưa tìm được “lối vào” các CQNN. Ngay cả ở Bộ TT&TT, cơ quan “đầu mối” ban hành các chính sách thúc đẩy ứng dụng PMNM tại Việt Nam, hầu hết các đơn vị thuộc Bộ vẫn chưa có “hứng thú” sử dụng PMNM.
Chính sách quá “mỏng”
Nhìn nhận một cách khách quan, thời gian qua, các CQNN đã có một số động thái tích cực nhằm “trợ lực” cho PMNM tồn tại và phát triển. Điển hình như Chỉ thị 07 về đẩy mạnh ứng dụng PMNM trong các CQNN do Bộ TT&TT ban hành năm 2008; Thông tư số 41/2009 cũng của Bộ TT&TT ban hành danh mục các sản phẩm PMNM đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các CQNN… Tuy nhiên, những chính sách này chưa đủ đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống, thậm chí, có chính sách chưa thực sự hiệu quả.
Đơn cử như Chỉ thị 07. “Theo Chỉ thị này, mỗi địa phương được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng để triển khai ứng dụng PMNM, nhưng đây chưa phải là chính sách căn cơ. Cần có những doanh nghiệp hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai PMNM, và cần tính tới việc khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp phát triển ứng dụng nghiệp vụ trên PMNM chứ không phải chỉ “ném tiền” cho người ta sử dụng”, ông Tạ Quang Thái, Giám đốc Asianux Việt Nam, chia sẻ.
Hệ quả là sau 1 năm triển khai Chỉ thị 07, các chỉ tiêu đạt được đều ở mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Điển hình như chỉ tiêu 70% máy trạm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được cài đặt PMNM, mới có 4/12 Bộ đạt, tương đương tỷ lệ 33,3%.
Về chỉ tiêu 70% cán bộ, nhân viên của Bộ, cơ quan ngang Bộ được tập huấn sử dụng PMMNM, và chỉ tiêu 40% cán bộ, nhân viên của Bộ, cơ quan ngang Bộ có thể sử dụng thành thạo, có khả năng hướng dẫn trợ giúp các đơn vị khác, đáng buồn là chỉ có 1/12 Bộ đạt, tương ứng với 8,3%.
Về hiện trạng hạn chế ứng dụng PMNM ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cũng từng thừa nhận lý do là vì thiếu các quy định cụ thể về việc áp dụng các chuẩn mở, chính sách, cơ chế tài chính, định mức, các quy định cụ thể về ứng dụng PMNM cũng như chính sách ưu tiên sử dụng trong các CQNN làm cơ sở để các cơ quan thống nhất thực hiện.
Mới đây, Bộ TT&TT đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu chủ đầu tư dự án CNTT thuộc Bộ, ngành hoặc địa phương mình quản lý nghiêm túc thực hiện quy định của Thông tư 41/2009, đồng thời rà soát, báo cáo tình hình thực hiện trong từng dự án CNTT đã triển khai thực hiện trong năm 2010. Đây sẽ tiếp tục là động thái tích cực hỗ trợ cho PMNM có thêm “lực đà” phát triển “rộn ràng” hơn thời gian qua.
Bàn thêm về sự “cổ vũ, khích lệ” PMNM, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT “bật mí” thêm với phóng viên Bưu điện Việt Nam: Sắp tới, Bộ TT&TT có định hướng khuyến nghị một số PMNM tập trung cho máy chủ và hệ thống. Dự kiến tháng 7 tới, các địa phương sẽ tổng kết báo cáo tình hình triển khai PMNM. Sau đó, một hội thảo về PMNM sẽ được Bộ TT&TT tổ chức nhằm tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng để có thêm nhiều “kế sách” hay cho phát triển PMNM Việt Nam.