Đứng giữa vô vàn khó khăn và không thể chờ mãi vào sự hậu thuẫn của Chính phủ, các doanh nghiệp PMNM đang phải chật vật tự tìm lối đi.
Cần được đối xử công bằng
Theo quan điểm của đại diện các doanh nghiệp như VINADES, iWay, Asianux…, hiện PMNM ngày càng tỏ ra có ưu thế về bộ phần mềm văn phòng, ứng dụng, tiện ích cho các hệ thống máy chủ, máy trạm, những thiết bị và công nghệ mới như smartphone, máy tính bảng, điện toán đám mây...
Cơ hội cho PMNM cũng đang có nhiều tín hiệu khả quan - đó là câu chuyện phần cứng không tương thích với PMNM ngày càng được cải thiện, hầu hết các phần cứng đều có hỗ trợ cho PMNM nhờ vào các dự án như Linux Driver Project nên khó khăn này được giảm đáng kể.
Tuy nhiên, câu chuyện xây dựng và phát triển nguồn mở, để… mở lối cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phát triển là cả một quá trình lâu dài, cần sự quyết tâm, vào cuộc thực sự của Chính phủ, hệ thống các tỉnh, Bộ, ngành từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dùng, rồi xây dựng và phát triển cộng đồng, từ người lập trình tới người sử dụng…
TS Lê Trung Nghĩa, Trưởng ban Thúc đẩy ứng dụng CNTT (Văn phòng phối hợp Phát triển Môi trường Khoa học và Công nghệ, Bộ KH&CN) nhận định, để phát triển được công nghệ mở rất cần có một cam kết chính trị dứt khoát của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, để tuyệt đối tránh việc “đẽo cày giữa đường”, tránh việc chỉ nói mà không làm như thời gian vừa qua.
Cụ thể hơn, ông Nghĩa cho rằng vấn đề nghiên cứu, rà soát và chỉnh sửa lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới mua sắm về CNTT-TT của các cơ quan nhà nước cần đi theo hướng đảm bảo sự bình đẳng, tránh sự phân biệt đối xử trong ứng dụng, phát triển các công nghệ sở hữu độc quyền với các công nghệ mở, loại bỏ chuyện chỉ định đích danh tên sản phẩm hoặc tên công ty sản xuất các sản phẩm sở hữu độc quyền, loại bỏ việc cài đặt sẵn hệ điều hành sở hữu độc quyền lên các máy tính mới nguyên khi bán nhằm tạo sự lựa chọn cho người sử dụng.
Ngoài ra, Nhà nước cần định hướng các trường đại học có các khoa CNTT để xây dựng các cộng đồng các lập trình viên, các nhà tích hợp hệ thống và bản địa hoá trong một môi trường chia sẻ với các công cụ của công nghệ mở.
“Nói chung, trong câu chuyện cần làm gì để doanh nghiệp PMNM phát triển thì vẫn cần nỗ lực từ hai phía đó là Chính phủ và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Tức là Chính phủ làm nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp, còn doanh nghiệp xây dựng sản phẩm tốt phù hợp thị trường, giá thành, phương thức hợp lý và cuối cùng, nếu suôn sẻ thì người sử dụng sẽ chấp nhận.
Tuy nhiên, đặt trong trường hợp nếu sự hậu thuẫn của Chính phủ vẫn chỉ nằm trên giấy, các doanh nghiệp nếu biết xây dựng các sản phẩm hướng vào dịch vụ thì tự mảng thị trường dịch vụ sẽ phát triển chứ cũng không nên ngồi chờ Chính phủ hay thị trường tự nhận thức ra việc này”, ông Tạ Quang Thái – Giám đốc Asianux bày tỏ.
Chật vật tìm lối và… hy vọng
Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, ông Nguyễn Thế Hùng – Tổng Giám đốc VINADES chia sẻ: Đặt trong tình cảnh hiện nay, các doanh nghiệp PMNM ở Việt Nam nói chung sẽ còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, tuy nhiên không phải không có hướng giải quyết. Điều quan trọng là nếu đã dấn thân vào nguồn mở thì phải xác định được thế mạnh và hướng đi lâu dài của mình.
Doanh nghiệp PMNM có hai hướng đi: một là xây dựng và phát triển cộng đồng (như cách VINADES đang làm với cộng đồng mã nguồn mở NukeViet), hai là khai thác ứng dụng nguồn mở và cung cấp dịch vụ như hướng các doanh nghiệp khác ở Việt Nam đang làm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nguồn mở tuỳ vào việc xác định mình thuộc nhóm nào mà từng bước xây dựng và hội tụ đủ các yếu tố cần thiết cho mình để tạo sự phát triển bền vững, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khi các cơ quan nhà nước, người dân thực sự sẵn sàng cho việc ứng dụng nguồn mở.
Còn ông Trương Anh Tuấn – Giám đốc Công ty iWay thì cho rằng: Dù có muôn vàn khó khăn nhưng các doanh nghiệp 100% thuần PMNM như iWay vẫn đang đầu tư vào việc phát triển và cung cấp dịch vụ PMNM ra cộng đồng. “Mỗi doanh nghiệp có một hướng đi khác nhau; PMNM cũng không phải cái gì quá ghê gớm, khác biệt so với phần mềm nói chung, nên vẫn có nhiều cơ hội để phát triển”, ông Tuấn nhận định.
Ông Tạ Quang Thái – Giám đốc Asianux cũng nhận định: Mảnh đất để các doanh nghiệp có thể phát triển chính là các tài nguyên được cung cấp sẵn dưới dạng mã nguồn mở, doanh nghiệp cần tận dụng các tài nguyên này để biến nó thành các sản phẩm hữu dụng, phù hợp với thị trường Việt Nam để kinh doanh. Một khi đã có sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu của người sử dụng thì việc sản phẩm được thể hiện dưới dạng nào cũng không quá quan trọng đối với người sử dụng.
“Khi sức ép về chuyện bản quyền cũng đang dần nóng lên, người sử dụng, đặc biệt là các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp cũng dần phải tính toán đến các giải pháp phù hợp để đáp ứng yêu cầu, và khi đó, trong các giải pháp đó chắc chắn sẽ có lựa chọn đến PMTDNM”, ông Thái lạc quan.
“Bên cạnh chuyện nâng cao chất lượng, năng lực phần mềm, một vấn đề cũng cần được nhắc tới đó là các doanh nghiệp PMNM tại Việt Nam còn làm rất yếu khâu quảng bá. Nhiều nhóm hoặc doanh nghiệp phát triển PMNM thiếu khả năng quảng cáo và đưa ra công khai các sản phẩm của họ, chủ yếu chỉ quảng bá sản phẩm theo kiểu truyền khẩu hoặc thông qua các nhóm thảo luận trên Internet, đây là vấn đề mà các doanh nghiệp PMNM luôn thua kém các công ty lớn phát triển phần mềm sở hữu độc quyền, cần phải được khắc phục sớm”, TS Lê Trung Nghĩa khuyến cáo.